Nguồn tin này cho biết, công ty Kraig Biocraft Laboratories Inc có trụ sở tại thành phố Ann Arbor, bang Michigan đã nhận hợp đồng từ Bộ Quốc phòng Mỹ nghiên cứu vật liệu chống đạn mới làm từ tơ tằm Dragon Silk được hoạt hóa và gia cường bằng công nghệ sinh học.
Đơn vị này đã nghiên cứu thành công việc ghép gen của một số loài nhện vào sâu bướm Dragon Silk để chúng nhả ra loại tơ cực kỳ bền chắc so với tơ tằm truyền thống.
Nguyên mẫu áo giáp chống đạn thế hệ mới dành cho binh sĩ Mỹ.
Sản phẩm tơ nhện Dragon Silk được sản xuất bằng cách biến đổi gen. Ảnh: ArmyGuide
Tơ nhện có rất nhiều ưu điểm so với tơ tằm ở độ bền chắc, nhưng rất khó sản xuất ở quy mô công nghiệp do tập tính ăn thịt đồng loại của nhện. Việc áp dụng công nghệ biến đổi gen chuyển gen tạo các đặc tính ưu thế của tơ nhện sang sâu bướm Dragon Silk đã giúp thay đổi điều này.
“Tơ tằm Dragon Silk đạt điểm rất cao về sức kéo và độ đàn hồi. Điều này cho phép chúng tôi tạo ra vật liệu lý tưởng cho nhiều ứng dụng của con người. Việc áp dụng vật liệu này trong lĩnh vực chế tạo áo chống đạn là bước tiến quan trọng của chúng tôi”, lãnh đạo công ty Kraig Biocraft Laboratories Inc, Jon Rice cho biết.
Dự kiến, trong 10 tháng tới, Kraig Biocraft Laboratories Inc có thể đưa ra sản phẩm mẫu để Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá.
Lầu Năm góc hiện rất tích cực tìm kiếm các biện pháp nhằm giảm thương vong của binh sĩ Mỹ trên chiến trường do thiết bị nổ tự chế, đặc biệt là các vùng kín không thể bọc giáp cứng như truyền thống.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong giai đoạn 2001-2013, tại chiến trường Iraq và Afghanistan đã ghi nhận 1.378 trường hợp nam quân nhân bị thương tại vùng kín do thiếu giáp bảo hộ chuyên biệt. Vật liệu mới làm từ tơ tằm Dragon Silk được hy vọng sẽ giảm thiểu thương vong dạng này.