Ấn Độ có thực sự cần tới "sát thủ tàu sân bay" Tu-22M3 của Nga?

Hải Vy |

Nếu thông tin báo Nga đưa ra là đúng thì trong tương lai, Ấn Độ sẽ có trong tay loại vũ khí có thể tấn công và tiêu diệt các tàu Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, thậm chí Biển Đông.

Cụ thể ở đây là các máy bay ném bom chiến lược - "sát thủ tàu sân bay" Tu-22M3, một trong những chiến binh thiện chiến, đáng gờm của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là lựa chọn hoàn toàn sáng suốt?

Mới đây, tờ Russia & India Report đã đăng tải bài viết của nhà báo Rakesh Krishnan Simha bình luận về thông tin Ấn Độ có thể mua 4 máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 từ Nga.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Thiếu tầm nhìn chiến lược, Không quân Ấn Độ (IAF) chỉ duy trì hoạt động ở cấp chiến dịch và hài lòng với điều đó.

IAF có nhiều loại máy bay chuyên dụng, chiến đấu cơ tấn công mặt đất và máy bay đa nhiệm nhưng trong các kế hoạch tác chiến của nước này, máy bay ném bom chiến lược chưa bao giờ được xét đến.

Theo hãng thông tấn Itar-Tass, điều đó có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới bởi Bộ Quốc phòng Ấn Độ được cho là có kế hoạch mua 4 máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 từ Nga.

Ấn Độ có thực sự cần tới sát thủ tàu sân bay Tu-22M3 của Nga? - Ảnh 1.

Máy bay ném bom Tu-22M3

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện thông tin Ấn Độ muốn mua máy bay ném bom Tu-22M3 (NATO định danh: Backfire). Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, "năm 1999, có tin Ấn Độ sẽ thuê 4 chiếc Tu-22M3, chúng dự kiến được chuyển tới Ấn Độ ngay trong tháng 6/2000". Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra.

Trước đó, giữa năm 1971, Nga từng giới thiệu Backfire cho Ấn Độ nhưng Thượng tướng Pratap Chandra Lal - Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ khi đó đã từ chối.

Mặc dù Backfire khiến các nhóm tàu sân bay Mỹ khiếp sợ trong nhiều thập kỷ (đến nỗi Trung Quốc từng ra sức tìm cách mua hoặc có được bản vẽ thiết kế của chúng) nhưng IAF đã từ chối có được thứ gì quá dễ dàng.

Họ tiếp tục sa lầy vào các hoạt động ở cấp chiến dịch, trong khi kiên quyết từ chối phát triển tiến lên thành không quân chiến lược.

Sự đáng sợ của Backfire

Backfire là một loại máy bay hoàn toàn khác biệt so với phi đội hiện nay của IAF. Vì thế, Ấn Độ cần thay đổi học thuyết để lực lượng không quân của họ có thể hình dung vai trò dành cho máy bay ném bom tấn công tầm xa.

Tu-22M là máy bay có kích cỡ rất lớn, với phi hành đoàn 4 người, gồm phi công lái chính, phi công phụ, hoa tiêu và sĩ quan phụ trách vũ khí.

Với bán kính chiến đấu 2.400km, tốc độ trên 2.300 km/h (nhanh hơn hầu hết các loại máy bay chiến đấu khác), Tu-22M là phương tiện lý tưởng để tấn công tàu sân bay và các tàu chiến cỡ lớn.

Các cuộc thử nghiệm của Nga hé lộ rằng, khi Tu-22M mang theo tên lửa Kh-22 lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 1 tấn, nó có thể tạo ra một lỗ thủng với đường kính 1,8m và sâu 12m. Ngay cả các tàu sân bay với kích cỡ "khủng" nhất Hải quân Mỹ cũng không thể chống chọi nổi, nhẹ nhất cũng phải ngừng hoạt động hàng tháng trời.

Ấn Độ có thực sự cần tới sát thủ tàu sân bay Tu-22M3 của Nga? - Ảnh 2.

Tên lửa Kh-22 trên máy bay ném bom Tu-22M3

Backfire được thiết kế để cất cánh từ các căn cứ an toàn trên bộ, sau đó hướng về các nhóm tàu sân bay Mỹ và bắn tới 6 tên lửa hành trình (thường mang đầu đạn hạt nhân) về phía chúng từ khoảng cách an toàn.

Vũ khí chủ lực của Tu-22 là tên lửa hành trình siêu thanh Raduga Kh-22. Ở chế độ bay tầm cao, Tu-22 có thể vươn tới rìa không gian (ở độ cao 89.000 ft) và bổ nhào về phía mục tiêu với tốc độ gần chạm ngưỡng siêu vượt âm.

Ở chế độ bay tầm thấp, nó có thể đạt tới độ cao 39.000 ft (cao hơn phần lớn các máy bay thương mại) và bổ nhào ở tốc độ Mach 3.5 xuống độ cao dưới 1.600 ft.

Trong cuốn "Sovet Air Power", hai tác giả Bill Sweetman và Bill Gunston đã viết rằng, tên lửa Kh-22 "có thể được lập trình để xuyên thẳng vào cửa sổ của Lầu Năm Góc".

Trên thực tế, trong những năm 1980, lực lượng Không quân Hải quân Nga đã chắc chắn về độ chính xác của những tên lửa này tới mức Backfire chỉ mang theo đúng 1 tên lửa Kh-22 lắp đầu đạn hạt nhân.

Ấn Độ có thực sự cần tới sát thủ tàu sân bay Tu-22M3 của Nga? - Ảnh 3.

Tên lửa Kh-15 trong khoang chứa vũ khí của Tu-22M3

Ngày nay, Backfire còn được trang bị tên lửa tiên tiến Kh-15. Tên lửa này có thể đạt tới độ cao "đáng kinh ngạc" 130.000 ft, sau đó bổ nhào vào mục tiêu, tăng tốc độ tới Mach 5. Cũng chính vì vậy, Kh-15 đã trở thành tên lửa phóng từ máy bay nhanh nhất thế giới.

Giống như MiG-25 từng khiến các phi công phương Tây thế hệ trước khiếp sợ, "Backfire" là một cái tên mang theo nỗi sợ hãi lớn trong giới quân sự phương Tây những năm 1970.

Những chuyên gia Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán giới hạn vũ khí tin rằng Backfire là mẫu máy bay ném bom chiến lược liên lục địa.

Việc Nga giữ bí mật tính năng của Backfire càng làm nảy sinh nhiều suy đoán, khiến tình báo và các hãng chế tạo máy bay đưa ra những phán đoán "thổi phồng" về phạm vi hoạt động của nó. Để rồi từ đó, họ lo sợ rằng Backfire có thể tấn công lục địa Mỹ.

Thế nhưng, ngay cả khi tăng cường thêm khả năng tiếp dầu trên không thì Nga cũng không có ý định dùng Backfire tấn công nước Mỹ mà nhằm vào các phương tiện hải quân của nước này trên biển.

Các nhà chiến lược Không quân Hải quân Nga đã hình dung ra viễn cảnh huy động 100 máy bay ném bom Tu-22M đồng loạt tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

"Backfire" cho Ấn Độ

Do được chế tạo trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, khi tốc độ, khả năng mang tải, tầm bắn quan trọng hơn chi phí nên Backfire vận hành và bảo dưỡng rất tốn kém.

Ý kiến chung cho rằng chỉ nên triển khai Backfire để chống lại các mục tiêu giá trị cao.

Tuy nhiên, Nga đã sử dụng chúng trong các cuộc chiến chống lại phiến quân Mujahideen (Afghanistan) trong những năm 1980, và trong chiến tranh Gruzia năm 2008, khi cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili phải cuống cuồng tìm chỗ trú ẩn vì máy bay ném bom Nga liên tục quần thảo trên đầu.

Một lần nữa, trong chiến dịch quân sự tại Syria, Backfire đã dội bom phá hủy các cơ sở của IS, cũng như của các nhóm khủng bố được cho là do Mỹ hậu thuẫn. Những cuộc tấn công này đã khiến sức mạnh của IS trong khu vực suy yếu nghiêm trọng.

Máy bay ném bom Tu-22M3 xuất kích diệt IS

IAF có ít nhất 400 máy bay tấn công, trong đó các chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKI, MiG-29 và Mirage-2000 đủ sức đối phó với Pakistan nên việc triển khai Backfire đối phó nước này không thực sự cần thiết.

Trong khi đó, việc dùng số lượng có hạn để chống lại các mục tiêu trên bộ của Trung Quốc không khác gì "tự sát" bởi Bắc Kinh có mạng lưới phòng không mạnh mẽ, với hệ thống phòng không S-300 của Nga và các phiên bản tương tự do Trung Quốc sao chép.

Backfire chỉ nên được triển khai tại Ấn Độ như máy bay ném bom-tấn công trên biển, dùng để phá hủy các mục tiêu của Hải quân Trung Quốc (PLAN), đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương.

Các máy bay Backfire xuất kích từ căn cứ không quân Thanjavur (miền nam Ấn Độ) và trang bị tên lửa BrahMos tầm bắn 300km có thể dễ dàng tấn công các mục tiêu hải quân tới tận Seychelles (quốc đảo ở Ấn Độ Dương). Chúng còn có thể tấn công các tàu của PLAN hoạt động ở Biển Đông.

Backfire, với tầm hoạt động khoảng 6.800km, có thể bay tới Darwin (Australia) mà không cần tiếp dầu trên không. Rõ ràng, một mẫu máy bay như vậy sẽ là cấp số nhân khổng lồ cho sức mạnh của IAF.

Nếu thông tin "Ấn Độ muốn mua máy bay ném bom Backfire với số lượng hạn chế (4 chiếc)" là đúng thì nó cho thấy các máy bay này sẽ được triển khai với vai trò tấn công trên biển, thay vì vai trò chiến lược.

Backfire được lắp đặt các thiết bị cần thiết để tiếp nhận dữ liệu trực tiếp từ vệ tinh do thám giám sát các đại dương. Ấn Độ, với hệ thống vệ tinh do thám và khảo sát đại dương, có thể truy cập thông tin tình báo vệ tinh trong thời gian thực và điều động các máy bay Backfire thực hiện nhiệm vụ săn lùng tàu chiến đối phương.

New Delhi cũng có thể dùng máy bay trinh sát để chỉ điểm cho Backfire.

Cạnh tranh nội bộ

Sự rụt rè của IAF trong việc chấp nhận vai trò mang tính chiến lược có vẻ là lý do khiến Backfire bị từ chối không ít lần. Song, vẫn còn một yếu tố khác ảnh hưởng tới quyết định này, đó là cạnh tranh nội bộ.

Không quân có xu hướng phản đối Hải quân hoặc Lục quân tiến hành các phi vụ ném bom chiến lược. Trong khi đó Tu-22M lại là máy bay ném bom chuyên dụng, có thể tấn công mục tiêu trên biển. Theo quan điểm của IAF, điều này có thể khởi đầu cho một loạt trang bị đường không chiến lược dành cho hải quân.

IAF rõ ràng không muốn Hải quân Ấn Độ giẫm chân lên mảnh đất của mình. Vì thế, rất có thể trong bối cảnh này, họ sẽ tìm một lý do khôi hài khác để phá hỏng các cuộc đàm phán mua máy bay Backfire.

Thận trọng khi vận hành

Máy bay ném bom Nga chắc chắn là một nhân tố "thay đổi cuộc chơi" nhưng điều đó không có nghĩa Ấn Độ nên vội vàng tiến tới thỏa thuận.

Xét về kích cỡ, hỏa lực và tầm hoạt động, Backfire vượt xa tất cả mọi loại máy bay mà IAF đang có. Song, không nên quên rằng mẫu máy bay này đã 40 năm tuổi. Chiếc cuối cùng lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp vào năm 1993 và chúng tất nhiên đã "hết hạn bảo hành". Vì thế, việc cung cấp phụ tùng thay thế có thể trở thành một vấn đề.

Theo tờ Flight Global, vào năm 1991, tỷ lệ "có khả năng thực hiện nhiệm vụ" của Tu-22M chỉ ở mức 30-40%, dù đây không phải giai đoạn điển hình, vì trong năm đó, nền kinh tế Liên Xô đã sụp đổ.

Ấn Độ nên mua các máy bay này với mức giá rẻ mạt như trong thời kỳ Liên Xô tan rã, khi Moscow đang tự hỏi phải làm gì với 300 chiếc Backfire dư thừa.

Song, nếu đặt vấn đề chi phí sang một bên, việc có được một phi đội mới gồm 4 máy bay ném bom Backfire vẫn là một ý tưởng hay, bởi nó sẽ mang lại cho Ấn Độ cái nhìn hiếm hoi vào thế giới của các lực lượng không quân chiến lược.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Rakesh Krishnan Simha.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại