Mỹ không để Ukraine "mượn tay" chống Nga, vì hậu quả sẽ là thảm khốc?

Quốc Vinh |

Đã có những lời kêu gọi về việc Mỹ không nên để Ukraine lợi dụng sức mạnh quân sự của mình vào những mưu đồ riêng, đặc biệt là trong một cuộc chiến tiềm năng chống lại Nga.

Hành vi của Ukraine ở eo biển Kerch là một ví dụ khác về một đồng minh (hoặc quốc gia phụ thuộc an ninh ) lợi dụng sức mạnh quân sự của Mỹ để phục vụ cho chương trình nghị sự riêng, cây bút Ted Galen Carpenter viết trên tạp chí National Interest.

Georgia cũng là một trong những quốc gia đã tìm cách làm điều đó vào năm 2008 trong trường hợp tranh chấp lãnh thổ với Nga. Tuy nhiên, không có nhiều người tin rằng chính quyền cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili ​​sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Mỹ và NATO so với những gì ông mong đợi.

Có những ví dụ khác về hành vi tận dụng sức mạnh Mỹ như vậy. Trong đó có thể kể đến ví dụ về Saudi Arabia, quốc gia thường cố gắng lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến giành quyền lực khu vực với Tehran. Sự ủng hộ gây tranh cãi của Washington đối với sự can thiệp quân sự do Saudi dẫn đầu ở Yemen cho thấy nỗ lực này không phải là vô ích.

Theo bình luận viên Carpenter, các nhà lãnh đạo Mỹ cần cảnh giác hơn nhiều đối với sự "khôn lỏi" của các quốc gia nói trên và thực hiện các bước đi để đảm bảo rằng Mỹ không bị vướng vào các cuộc xung đột có ít hoặc không liên quan đến lợi ích quốc gia.

Việc giới chính trị, chính sách và truyền thông đất nước tham gia quá nhiều vào chuyện bao đồng như vậy, khiến cho nhiều người dân Mỹ tưởng rằng lợi ích và tham vọng của các nước đồng minh hoặc người Hồi giáo là phù hợp với lợi ích tốt nhất của Mỹ. Quan niệm đó không chỉ được coi sai lầm mà còn nguy hiểm.

Cây bút Carpenter tin rằng, hành vi của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước, trong và sau sự kiện eo biển Kerch tháng 11 sẽ gây rắc rối cho tất cả người Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump không nên vướng vào một cuộc đối đầu với Nga thay mặt Kiev.

Để giải thích cho điều này, cần phải nhìn lại vụ việc một cách chi tiết.

Ba tàu hải quân Ukraine đã tìm cách đi qua eo biển Kerch, một tuyến đường thủy hẹp nối liền Biển Đen và biển Azov. Kiev tuyên bố đây là vùng biển quốc tế và dẫn ra một hiệp ước hàng hải song phương năm 2003 với Nga để minh chứng cho lập luận tự do hàng hải của mình.

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Moscow lại coi eo biển này là lãnh hải của Nga. Nước này nhấn mạnh rằng mọi tàu thuyền Ukraine đi qua eo biển cần phải thông báo trước 48 giờ và phải có sự chấp thuận rõ ràng của Nga trước khi thực hiện hải trình.

Ukraine đã tuân thủ yêu cầu đó vài tháng trước, nhưng đến cuối tháng 11 lại từ chối thực hiện và cố gắng thực hiện hành vi cố tình vượt eo biển mà không được phía Nga chấp thuận. Lực lượng an ninh Nga đã nổ súng và sau đó bắt giữ cả ba tàu.

"Động cơ thách thức Nga của Kiev là âm u và thời điểm diễn ra cũng cực kỳ đáng ngờ", cây bút Carpenter nhận định.

Mỹ không để Ukraine mượn tay chống Nga, vì hậu quả sẽ là thảm khốc? - Ảnh 1.

Một cuộc chiến với Nga không có lợi cho Ukraine cũng như với Mỹ.

Trên thực tế, Tổng thống Poroshenko đang phải đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử khó khăn trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 3. Các cuộc thăm dò cho thấy chỉ số tín nhiệm của ông tụt hậu rất xa so với ứng cử viên hàng đầu, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Do đó, có rất nhiều quan điểm - bao gồm cả Nga - cho rằng Tổng thống Poroshenko có nhiều lý do để muốn khủng hoảng diễn ra. Ông Poroshenko được cho là đã khai thác cuộc đụng độ ở eo biển Kerch để khơi dậy lòng nhiệt thành dân tộc và thu hút sự ủng hộ hơn nữa.

Không chỉ xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục, nhà lãnh đạo Ukraine còn áp đặt thiết quân luật vào 10 khu vực gần biên giới với các khu vực Nga , nơi nằm trong số ít người ủng hộ ông nhất. Bên cạnh đó, một điều khoản về thiết quân luật cũng cấm bất kỳ cuộc biểu tình nào trong 30 ngày tới.

Mọi chuyện thậm chí còn đi xa hơn, khi ông Poroshenko đã tìm kiếm sự hậu thuẫn quân sự của NATO. Ông kêu gọi liên minh gửi tàu chiến đến biển Azov. Một bước đi như vậy được coi là không nể mặt Moscow và sẽ vô cùng nguy hiểm.

Điều này sẽ tạo thành một cuộc xâm nhập vũ trang vào khu vực an ninh cốt lõi của Nga và có thể sẽ dẫn đến chiến tranh. Ngay cả việc triển khai nhiều tàu NATO đến phần phía Đông của Biển Đen cũng được coi là một sự khiêu khích lớn, cây bút Carpenter đánh giá.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Mỹ dường như chấp nhận một kịch bản như vậy. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện James Inhofe kêu gọi một phản ứng phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, bao gồm cả việc đưa ra sự hiện diện lớn hơn của Mỹ và NATO ở khu vực Biển Đen và tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Mối quan hệ an ninh của Washington với Kiev đã phát triển đến một mức độ được cho là "không lành mạnh", được minh chứng bằng sự chấp thuận của chính quyền Trump về việc bán thêm vũ khí cho nước này trước khi xảy ra sự cố ở eo biển Kerch.

Trong một số cuộc gặp gần đây, chính quyền Washington dường như đã sẵn sàng để phê duyệt một thỏa thuận vũ khí khác trong thời gian sắp tới.

Đáng lo ngại hơn nữa, một nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên NATO tiếp tục nổi lên và chính quyền Mỹ hiện tại không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ cản trở điều này.

Theo Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, việc trao quyền thành viên NATO cho Kiev sẽ buộc Mỹ phải đến bảo vệ Ukraine trong trường hợp chiến tranh với một cường quốc bên ngoài. Với tầm quan trọng chiến lược của Ukraine đối với Nga, đó là một cam kết mà Washington không bao giờ nên thực hiện.

Theo cây bút Carpenter, những phát triển khác nhau cho thấy Mỹ đang trôi dạt về một chính sách đối đầu đầy nguy hiểm đối với Nga thay mặt cho Ukraine.

Tình trạng của eo biển Kerch hay thậm chí là cuộc tranh cãi lớn hơn về tình trạng của Crimea nên là một vấn đề mà Mỹ cần phải thờ ơ.

Theo Carpenter, sẽ rất khó để thấy nguy cơ một cuộc chiến lớn với Nga mang lại điều có lợi đối với Ukraine và càng khó để thấy nó có lợi thế nào với nước Mỹ.

Chính quyền Trump cần đặt khoảng cách xa hơn giữa chính sách của Mỹ và Ukraine và không bao giờ thu hẹp khoảng cách đó.

Người Mỹ không được để Ukraine lôi kéo mình vào những thứ vụn vặt, nếu không muốn phải đón nhận kết cục bi thảm cho tất cả các bên liên quan, Carpenter kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại