Mùi khó chịu của cơ thể là đáng xấu hổ, nhưng chúng có thể xảy ra với tất cả mọi người. Và giải pháp mà nhiều người lựa chọn để giảm mùi cơ thể là sử dụng các chất chống mồ hôi hoặc chất khử mùi.
Tuy nhiên, nếu một mùi hôi đột ngột xuất hiện trên cơ thể bạn thì nó cần được xem xét một cách nghiêm túc bởi nó hoàn toàn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nào đó chứ không phải đơn giản chỉ là bạn kém vệ sinh và cần đi tắm thôi đâu.
Hãy cùng xem mùi ở mỗi vị trí trên cơ thể cảnh báo điều gì với bạn nhé.
1. Da đầu của bạn có mùi... như một cái tã bẩn
Đôi khi tóc của mọi người có thể bị hôi nhưng đặc biệt một số người lại có mùi hôi trên đầu kinh khủng như thể... mùi một cái tã bẩn. Các chuyên gia gọi đây là "hội chứng tóc có mùi hôi". Nguyên nhân gây ra điều này là gì?
Theo Medhealthdaily.com, "hội chứng tóc có mùi hôi" (hoặc SHS) là tình trạng da đầu có mùi hôi ngay cả sau khi gội đầu 2 lần/ngày. Những người mắc bệnh này có thể có các tuyến dầu và mồ hôi tiết ra quá nhiều. Quá nhiều dầu và mồ hôi sẽ sớm chuyển thành mùi khó chịu. Sự mất cân bằng nội tiết tố cũng là nguyên nhân chính của "hội chứng tóc có mùi hôi".
Ngoài ra, một nguyên nhân khác làm cho da đầu có mùi hôi là do sự hiện diện của vi khuẩn. Giống như các bộ phận khác của cơ thể, da đầu của bạn cũng có nang, tiết ra bã nhờn nhằm mục đích bôi trơn. Đôi khi, các nang không thể sản xuất đủ bã nhờn dẫn đến da đầu khô. Điều này giúp các vi sinh vật phát triển mạnh và tạo ra mùi hôi.
Các bệnh về da phát triển ở da đầu như bệnh vẩy nến, gàu, viêm da tiết bã nhờn, nấm ngoài da, eczema... cũng có thể gây ra biểu hiện này và thường kèm theo cảm giác ngứa.
Giải pháp:
Giải pháp tốt nhất là sử dụng dầu gội kháng khuẩn và chứa lưu huỳnh để làm sạch tóc và da đầu của bạn. Lưu huỳnh sẽ làm giảm độ dầu của da đầu và loại bỏ các thực phẩm cần thiết của vi khuẩn hoặc nấm phát triển, nhờ đó sẽ ngăn chặn vi khuẩn phát triển.
2. Mồ hôi ở nách và các vùng da bị gấp
Mọi người đều đổ mồ hôi ở nách nhưng nếu bạn chăm chỉ dùng chất khử mùi vào buổi sáng thì sẽ khó bị phát hiện hơn. Nhưng tất cả chúng ta đều có phải trải qua những ngày tồi tệ khi khó giấu mùi phát ra từ nách. Thông thường các tuyến eccrine tạo ra mồ hôi, trong hầu hết các trường hợp, không bốc mùi.
Nhưng cơ thể chúng ta cũng có các tuyến apocrine (chủ yếu ở nách, háng, và xung quanh núm vú). Các tuyến này giải phóng mồ hôi trong nhiều trường hợp, kể cả khi lo âu và căng thẳng về cảm xúc.
Khi vi khuẩn trên da bắt đầu phá vỡ loại mồ hôi này, nó có thể gây ra mùi khó chịu, ví dụ mùi hôi nách. Vậy đấy, bây giờ thì bạn biết tại sao mồ hôi của mình có mùi hôi khi bạn lo lắng hoặc căng thẳng.
Giải pháp:
Để loại bỏ mùi hôi ở các vùng này thật dễ dàng. Bạn hãy nhớ những lưu ý sau:
- Tránh căng thẳng.
- Tắm mỗi ngày. Sử dụng xà phòng kháng khuẩn, đặc biệt là xung quanh các khu vực mồ hôi, để loại bỏ các vi khuẩn khó chịu gây ra mùi.
- Tránh một số loại thực phẩm chúng ta ăn có thể khiến cho mùi nhiều hơn, ví dụ như: Tỏi, hành, măng tây...
3. Hơi thở của bạn khiến mọi người khó chịu
Có thể có hàng tá nguyên nhân gây ra hơi thở hôi, từ việc vệ sinh răng miệng kém đến việc quên đánh răng sau khi ăn những thực phẩm gây mùi... Nhưng nếu ngay cả khi bạn đã làm theo đúng nguyên tắc vệ sinh răng miệng mà vẫn thấy mình liên tục bị hôi miệng thì chắc chắn có nguyên nhân tiềm ẩn sau đó. Hơi thở hôi kéo dài dai dẳng có thể do bất kì bệnh nào sau đây gây ra:
- Ngưng thở khi ngủ: Tình trạng ngủ này có liên quan chặt chẽ với bệnh tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh tim khác, vì vậy hãy điều trị sớm để thoát khỏi những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
- Một số bệnh ung thư và rối loạn chuyển hóa: Những bệnh này cũng có thể gây ra mùi miệng, đặc biệt là kết quả của các hóa chất mà họ sản sinh ra.
- Những viên đá nhỏ hình thành trong amiđan và bị nhiễm vi khuẩn có thể tạo ra mùi hôi miệng.
Giải pháp:
Nếu mùi hôi miệng là do ăn một số loại thực phẩm như hành tây, tỏi và gia vị có thể gây ra hơi thở hôi... thì bạn có thể chống lại chúng bằng cách thêm rau như rau bina và rau diếp vào bữa ăn. Ngoài ra, uống trà xanh hoặc sữa sẽ giúp ích cho bạn.
Trong trường hợp không phải do thức ăn thì bạn nên gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân.
4. Bạn không thể chịu được mùi nước tiểu của chính mình
Nước tiểu không bao giờ có mùi thơm nhưng nguyên nhân gây ra mùi của nó có thể lành tính hoặc ác tính. Thông thường, nước tiểu có mùi rất giống như amoniac hoặc thậm chí nó không mùi. Nhưng nếu bạn nhận thấy nước tiểu có bọt, kèm theo cảm giác đau và nóng rát thì cần lên lịch hẹn khám bác sĩ phụ khoa/tiết niệu sớm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Ngoài ra, một người có bệnh tiểu đường có thể có mùi nước tiểu ngọt.
Trong khi UTI và tiểu đường là những nguyên nhân tiêu cực gây ra tình trạng này thì nguyên nhân "lành tính" hơn có thể là do những gì bạn đã ăn hoặc uống vào đêm hôm trước.
Ăn măng tây có thể làm cho nước tiểu có mùi mạnh do sự phân hủy của axit asparagusic của cơ thể. Tương tự như vậy, việc tiêu thụ nghệ tây, cá ngừ, hành tây và một số loại gia vị có thể dẫn đến mùi hương của nước tiểu. Mất nước là một nguyên nhân gây ra nước tiểu có mùi hôi, vì vậy hãy nhớ uống đủ nước.
Giải pháp:
Nếu đã xác định được nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi khác lạ là do thực phẩm bạn hoặc không phải thì bạn cần có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp nguyên nhân không phải do thực phẩm thì bạn cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh.
5. Bạn bè của bạn bỏ chạy khi bạn cởi giày ra
Có nhiều tuyến mồ hôi ở chân hơn bất cứ nơi nào khác trong cơ thể. Tuy nhiên, không giống như các tuyến mồ hôi khác trong cơ thể tiết ra chỉ để đáp ứng với nhiệt, tập thể dục, hoặc căng thẳng, các tuyến mồ hôi ở chân tiết ra tất cả các thời điểm và có thể gây ra mùi hôi chân .
Nhiều mồ hôi có nghĩa là càng tạo điều kiện cho vi khuẩn tạo mùi phát triển. Mùi này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn đi cùng một đôi giày ngày này sang ngày khác hoặc bạn phải đối phó với những căng thẳng hoặc thay đổi về nội tiết tố.
Chân có mùi cũng có thể là dấu hiệu của chân của hội chứng "chân vận động viên" (Athlete’s foot) - tình trạng gây ra bởi một loại nấm mọc trên lớp trên cùng của da trên đôi chân của bạn.
Giải pháp:
May mắn thay, giải pháp cho vấn đề này khá đơn giản. Bạn chỉ cần làm theo những việc sau đây là đã có thể giữ cho chân mình thơm tho hơn rồi:
- Giữ bàn chân của bạn luôn sạch sẽ.
- Giữ đôi giày và tất sạch sẽ.
- Sử dụng kem chống nấm.
6. "Vùng kín" có mùi không mấy dễ chịu
Có rất nhiều điều có thể ảnh hưởng đến mùi ở "vùng kín", ví dụ như kì kinh nguyệt, nhiễm trùng, vệ sinh kém... Mặc dù hầu hết các mùi là hoàn toàn bình thường, nhưng cũng có một số trường hợp đáng lo ngại, đặc biệt là nếu "vùng kín" có mùi hôi kèm theo dịch âm đọa ra nhiều.
Điều này có thể cảnh báo tình trạng nhiễm trùng nấm men hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) bao gồm nhiễm chlamydia mà chị em đang gặp phải.
Giải pháp:
Phải làm gì nếu âm đạo của bạn có mùi tanh khác thường và kèm theo dịch âm đạo? Đừng chần chừ nữa, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ phụ khoa ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhất.
Nguồn: BS/Realclearscience