Trứng được các chuyên gia sức khỏe coi là một siêu thực phẩm, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người tin rằng chúng làm tăng mức cholesterol và gây ra các vấn đề về tim. Họ cho rằng lòng đỏ của trứng có hàm lượng cholesterol cao và tích tụ, làm hỏng các mạch máu dẫn đến tim.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy cholesterol trong chế độ ăn uống ít ảnh hưởng trực tiếp đến lượng cholesterol thực sự tích lũy trong cơ thể.
Để tìm hiểu xem trứng có thực sự có hại đến như vậy hay không, Nick Norwitz đã quyết định ăn 720 quả trứng trong một tháng và quan sát tác động đến mức cholesterol của mình.
Trong video hơn 170.000 lượt xem trên YouTube, anh nói rằng mình muốn kiểm chứng xem ăn trứng có khiến mức cholesterol tăng vọt hay không. Trong tháng, anh đã thực hiện các phép đo hàng tuần về mức cholesterol của mình và đến cuối tháng, kết quả khiến cả anh lẫn khán giả ngạc nhiên.
Nick phát hiện ra rằng, trái với "niềm tin" của nhiều chuyên gia, mức cholesterol của anh thực sự giảm xuống. Cụ thể, sau thí nghiệm kéo dài một tháng, mức lipoprotein mật độ thấp (LDL), hay còn gọi là cholesterol "xấu", đã giảm 18%. Anh cho rằng điều này là do các cơ chế điều tiết tự nhiên của cơ thể. "Mặc dù lượng cholesterol trong chế độ ăn uống của tôi tăng hơn gấp năm lần, nhưng cholesterol LDL của tôi thực sự đã giảm", Nick cho biết.
Trong thí nghiệm, anh tiêu thụ 24 quả trứng mỗi ngày. Lượng cholesterol của Nick lên tới 133.200 miligam cholesterol trong tháng.
Chia sẻ kế hoạch ăn kiêng của mình lên mạng xã hội, anh cũng đăng tải bức ảnh chụp hơn 40 hộp trứng mà bản thân đã tích lũy được trong suốt quá trình thực hiện thử thách.
Một số nhà khoa học cho rằng ăn trứng có thể không làm tăng mức cholesterol. Lý do là vì ở trong ruột, cholesterol liên kết với các thụ thể trên tế bào ruột, kích hoạt giải phóng một loại hormone gọi là cholesin. Hormone này đi đến gan và liên kết với một thụ thể được gọi là GPR146, báo hiệu gan sản xuất ít LDL, giúp điều chỉnh mức cholesterol.
Mức LDL của Nick đã giảm 2% trong tuần đầu tiên và giảm đáng kể 18% ở hai tuần sau đó. Sau hai tuần đầu tiên, Nick đã thêm 60 gram carbohydrate (carbs) vào lượng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày của mình, chủ yếu là các loại trái cây như chuối, quả việt quất và anh đào đông lạnh. Nick giải thích rằng việc tăng lượng carbohydrate có thể làm giảm thêm mức cholesterol.
Ở những người có chế độ ăn kiêng low-carb, mức LDL thường tăng lên vì cơ thể họ bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Nhưng khi tiêu thụ nhiều carbs hơn, mức LDL có xu hướng giảm khi cơ thể chuyển sang sử dụng carbs làm năng lượng.
Video của Nick Norwitz nhận được sự hưởng ứng của không ít người xem. Bình luận về video, một người cho biết: "Tôi đã nhấp vào vì tôi biết rằng LDL của bạn sẽ không tăng và tôi muốn chia sẻ video này với những người trong gia đình cảm thấy lo lắng khi tôi ăn nhiều trứng". "Tôi đã ăn trứng gần như mỗi ngày trong suốt 67 năm qua và trải qua tất cả những điều tốt/xấu, nhưng không bao giờ từ bỏ món ăn này. Hiện tại tôi có sức khỏe rất tốt, ít ốm đau và phải dùng đến thuốc", một người khác bình luận.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có vấn đề về sức khỏe, bao gồm người bệnh tiểu đường, người đang ăn 6-12 quả trứng mỗi tuần không có tác động tiêu cực đến tổng mức cholesterol trong máu hoặc các yếu tố nguy cơ bệnh tim. Thay vào đó, nó làm tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) hoặc cholesterol "tốt".
Cholesterol hoạt động như thế nào trong cơ thể?
Cholesterol, một lipid cần thiết cho một số chức năng cơ thể, chủ yếu được sản xuất bởi chính cơ thể, đặc biệt là ở gan. Loại cholesterol được thông qua chế độ ăn uống có tác động nhỏ đến nồng độ trong máu đối với hầu hết mọi người. Theo những nghiên cứu được công bố trên PubMed (thư viện trực tuyến thường được các nhà nghiên cứu khoa học, sinh viên sử dụng làm công cụ tra cứu tài liệu), tiêu thụ trứng không làm tăng đáng kể mức LDL ở phần lớn mọi người.
Điều này xảy ra bởi vì lipid trong chế độ ăn uống gắn vào các thụ thể đường ruột, gây ra sự giải phóng một loại hormone, do đó, điều chỉnh sự tổng hợp nội sinh (do cơ thể sản xuất). Quá trình này giúp duy trì sự cân bằng cholesterol trong cơ thể. Điều này giải thích tại sao ở những người như Nick Norwitz, tiêu thụ nhiều trứng không có tác động tiêu cực đến mức cholesterol xấu của họ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn 1 hoặc 2 quả trứng mỗi ngày là an toàn và không liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tim. Trên thực tế, một số người cho rằng tiêu thụ trứng thường xuyên có thể làm tăng mức HDL, giúp loại bỏ LDL khỏi động mạch, do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, như với bất kỳ loại thực phẩm nào, điều quan trọng là phải xem xét sức khỏe tổng thể và lối sống của mỗi cá nhân. Ở những người mắc các bệnh như tiểu đường hoặc cholesterol cao do di truyền, uống nhiều rượu... tiêu thụ nhiều trứng có thể làm tăng nguy cơ mắc vấn đề về tim. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường khuyên bạn nên hạn chế ăn không quá 4 hoặc 5 quả trứng mỗi tuần.
Theo Express Daily, NYPost