Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K, trứng nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng một số nhóm người nên hạn chế sử dụng.
Những người bị sốt (nhất là trẻ em), ăn trứng sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên, không tán phát ra ngoài được, dẫn đến tình trạng sốt càng thêm trầm trọng.
Người bị tiểu đường type 2, viêm gan, gan nhiễm mỡ cần hạn chế ăn trứng, do trứng chứa nhiều chất béo bão hoà và cholesterol. Người bệnh lý nền kể trên nếu ăn có thể tăng tích luỹ các chất trong gan.
Người tiền sử bệnh sỏi mật, tiêu chảy nếu ăn nhiều trứng, hàm lượng đạm cao, sẽ kích thích đường ruột, túi mật co bóp, trong khi hệ thống ruột, túi mật của người bệnh vốn yếu sẵn, gây nên tình trạng đau tức bụng, nôn mửa.
Nên ăn bao nhiêu quả trứng 1 tuần?
Lượng cholesterol trong trứng gà là 470 mg và trứng vịt là 844 mg. Trong khi đó, các nhà khoa học khuyến cáo, một người trưởng thành, khoẻ mạnh, không nên hấp thụ quá 300mg cholesterol một ngày. Vì vậy, chúng ta không nên ăn quá 2 lòng đỏ trứng trong một ngày và không quá 3 lòng đỏ trứng trong một tuần.
Bạn nên ăn trứng gà thay vì trứng vịt để hạn chế lượng cholesterol vào cơ thể. Bạn cũng nên hạn chế ăn lòng đỏ, tăng ăn lòng trắng trứng vì lòng trắng không chứa cholesterol.
Nếu ai đã ăn trứng thì không nên uống trà sau đó, vì protein của trứng kết hợp với axit tannic của trà gây khó tiêu.
Bạn không nên ăn trứng kết hợp sản phẩm từ đậu nành vì sẽ ngăn cản quá trình hấp thu các chất. Đồng thời hạn chế ăn trứng sống hoặc lòng đào vì có thể gây ngộ độc, nôn ói do vỏ trứng chứa các lỗ nhỏ li ti, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Tuy nhiên cũng không nên luộc trứng quá chín vì sẽ làm mất dưỡng chất.
Các gia đình không ăn trứng đã luộc để qua đêm, không rán trứng kèm tỏi và không sử dụng thuốc chống viêm sau khi ăn trứng vì có thể ảnh hưởng dạ dày.
Lợi ích của trứng với sức khoẻ
Nếu sử dụng hợp lý theo khuyến cáo, trứng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Trứng chứa nhiều dưỡng chất quan trọng bồi bổ cơ thể, giúp cung cấp năng lượng lâu dài do trong trứng chứa protein kết hợp chất béo và vitamin B12.
Trứng chứa hàm lượng nhất định các vitamin A, D, E khả năng tạo miễn dịch chống bệnh tật. Bên cạnh đó, trứng cũng có selen, kết hợp với vitamin E, vai trò chống oxy hoá, giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa hình thành các tế bào ung thư.
Một số chất dinh dưỡng trong trứng giúp trí não của chúng ta hoạt động tốt nhất. Đầu tiên là choline, chất rất quan trọng tạo nên cấu trúc, chức năng của não. Tiếp đến là 100-500mg acid béo omega-3 mỗi quả (tuỳ thuộc loại trứng), chất giúp tăng cường chức năng của não.
Cuối cùng, một quả trứng có thể cung cấp gần 50% nhu cầu vitamin B12 của cơ thể mỗi ngày, nếu thiếu vitamin B12, chúng ta có thể bị suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, hưng cảm, thậm chí rối loạn tâm thần.