Lưu ý cho người bệnh gout ngày Tết

TS. BS Vũ Thị Thanh Hoa |

Gout là bệnh rối loạn chuyển hoá có liên quan đến ăn uống do nồng độ acid uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của acid uric) hoặc tinh thể acid uric. Bữa ăn quá thịnh soạn có thể sẽ gây cơn đau cấp do viêm khớp. Vậy ngày Tết người bệnh gout cần lưu ý gì?

1.Người bệnh gout cần kiểm soát chế độ ăn

Bệnh gout là một bệnh lý thường gặp ở nam giới gây ra những hiện tượng sưng đau khó chịu ở các khớp tay hoặc chân nếu không kịp thời chữa trị có thể biến chứng làm các khớp bị biến dạng.

Nguyên nhân của bệnh gout chính là do dư thừa một lượng lớn axit uric trong máu không thể đào thải ra ngoài được và tích tụ lại tại các khớp tạo thành các tinh thể axit uric. Các tinh thể này thường xuất hiện tại các khớp ngón chân cái đầu tiên và gây ra sưng đỏ rất khó chịu cho người bệnh.

Trong khi đó, dịp lễ Tết tiệc tùng gia đình tụ họp, các bữa ăn thịnh soạn, bia rượu là không thể thiếu. Do đó khiến khởi phát cơn gout cấp hoặc trở nặng khi ở giai đoạn biến chứng. Các món ăn ngày Tết nhiều loại thịt như bò, trâu, ngựa, dê; hải sản: phủ tạng động vật là nguồn thực phẩm có nhiều tiền chất purin làm tăng axit uric gây nên bệnh gout.

Các loại trái cây sấy, bánh kẹo ngọt chứa đường fructose cũng làm tăng axit uric.. nếu người bệnh gout không kiểm soát chế độ ăn thì nguy cơ bệnh gout bùng phát là điều không tránh khỏi.

Lưu ý cho người bệnh gout ngày Tết - Ảnh 1.

Bệnh gout gây ra nhiều biến chứng

Một số thức ăn người bệnh gout nên tránh:

Trong dịp tết, việc sử dụng bia, rượu, thức uống có cồn, nước ngọt là điều khó tránh khỏi, điều này cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh gút đồng thời đối với những ai bị bệnh gout thì phải đối mặt với các cơn đau nhức, mệt mỏi.

- Đồ uống có cồn (bia, rượu): Sử dụng thức uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ gút cấp vì khi cơ thể chuyển hóa cồn sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Trong các loại đồ uống có cồn thì rượu vang nếu sử dụng điều độ thì ít gây cơn gout cấp hơn bia và các loại rượu khác.

- Đồ uống có ga chứa chất tạo ngọt HFCS nên khi cơ thể chuyển hóa fructose sẽ tăng tạo purine và từ đó sẽ làm tăng axit uric trong máu.

- Ngoài ra, người bệnh gout cần hạn chế ăn gan, thận, tim vì chúng có hàm lượng rất cao purine và nó có thể thúc đẩy một cơn gút cấp, vì vậy nên tránh hoàn toàn trên bệnh nhân gút. Thịt đỏ (thịt bò) có hàm lượng axit uric cao hơn thịt trắng (thịt gà, vịt, heo) nên cũng hạn chế không ăn thường xuyên. Hải sản có hàm lượng purine cao như sò, mực ống, tôm, cua, hàu không nên ăn.

Thức ăn người bệnh gout nên dùng:

- Điều đầu tiên người bệnh gout cần lưu ý ngày Tết phải uống nhiều nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp pha loãng nồng độ axit uric trong máu, tăng đào thải qua thận và làm giảm khả năng lắng đọng các tinh thể urat trong cơ thể.

Nghiên cứu cho thấy uống càng nhiều nước thì càng giảm số đợt gout cấp vì nước giúp tăng đào thải axit uric qua nước tiểu. Những người uống từ 5-8 cốc nước mỗi ngày sẽ giảm 40% nguy cơ bị gout cấp. Tuy nhiên, lượng nước uống mỗi ngày thay đổi tùy thuộc vào mức độ hoạt động thể lực và bệnh lý kèm theo của từng cá thể bệnh nhân. Bệnh nhân gout nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về lượng nước cần uống trong một ngày.

Lưu ý cho người bệnh gout ngày Tết - Ảnh 2.

Cần bổ sung các thực phẩm trái cây, rau xanh giầu vitamin C giúp giảm nồng độ axit uric và ngăn ngừa cơn gout cấp.

- Cần bổ sung các thực phẩm trái cây, rau xanh giầu vitamin C như: cam, bưởi, dâu tây, cà chua…giúp giảm nồng độ axit uric và ngăn ngừa cơn gout cấp.

Trong những ngày Tết Nguyên đán không thể tránh khỏi những bữa tiệc thịt rượu tất niên hay những cuộc gặp gỡ đầu năm nên người bệnh gout cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của mình nhiều hơn trong những ngày này để những cuộc vui được trọn vẹn và ngăn ngừa cơn đau gout cấp hành hạ.

2.Người bệnh gout cần tuân thủ chế độ luyện tập

Tết là thời tiết có thể thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường, lúc khô hanh, lúc ẩm ướt, kéo theo những biến đổi bên trong cơ thể làm xuất hiện các cơn đau khớp.

Hoặc do ngày Tết, thời tiết không ủng hộ nên nhiều người ngại luyện tập các khớp càng xơ cứng hơn. Để phòng bệnh tái phát cho dù trời lạnh, ngày Tết các bệnh nhân bị gout vẫn nên duy trì chế độ luyện tập trong nhà, giữ ấm cơ thể. Khi ra đường, bệnh nhân gút nên giữ ấm toàn thân, đi găng tay, tất chân, đội mũ, quàng khăn ấm, đảm bảo chân tay không bị lạnh.

Buổi tối, người bệnh gout có thể ngâm chân tay vào nước muối ấm hoặc sử dụng túi chườm để chân tay được ấm hơn. Việc này hiệu quả hơn nếu chân có cơn đau đột ngột do bệnh gout gây ra. Người bệnh có thể sử dụng nước lọc đun sôi để ấm hoặc sử dụng nước lá lốt, lá tía tô để ngâm chân. Trước khi đi ngủ, người bệnh sẽ tiến hành ngâm chân với nước ấm trong khoảng 20 phút. Bệnh nhân nên thực hiện kiên trì vào mỗi buổi tối để bệnh nhanh chóng được cải thiện.

Ngoài ra, để giảm đau người bệnh ngồi nhiều nên gác phần chân bị đau lên gối khoảng 30 phút. Đây là cách giúp máu lưu thông dễ dàng hơn và hạn chế cơn đau chân hiệu quả. Khi nghỉ ngơi cũng nên nằm thoải mái, không nên gối đầu quá cao.

3.Những lưu ý

Duy trì cân nặng hợp lý để giảm lượng Acid urid trong máu và giảm sức nặng chịu đựng của các khớp. Tuyệt đối không nên nhịn đói vì làm nồng độ Acid urid trong máu tăng nhanh, nên ăn nhiều bữa một ngày và trong thực đơn bổ sung thêm nhiều rau quả tươi. Thường xuyên vận động nhẹ nhàng để tăng độ dẻo dai của các khớp giúp hỗ trợ điều trị bệnh gout hiệu quả.

Người đã mắc bệnh gout cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ trong ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc. Tuy nhiên việc phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học hợp lý, thời khóa biểu luyện tập thể dục thể thao đều đặn và uống đủ nước mỗi ngày luôn là biện pháp phòng và nâng cao sức khỏe tốt nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Tết

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại