Nước chè bát bảo: 8 vị thuốc đơn giản
Trong cuộc sống hiện đại có nhiều thực phẩm không tốt cho sức khoẻ, các chuyên gia đông y cho biết, bạn có thể tự làm một bát chè ngon, bổ dưỡng bằng những thực phẩm dễ làm, an toàn cho cả người già và trẻ em.
Lương Y Vũ Quốc Trung – Phòng Chẩn trị y học cổ truyền đường Láng, Hà Nội cho biết nguyên liệu làm chè bát bảo rất đơn giản, ở ngay chính gia đình mình.
Cụ thể, để chuẩn bị, các chị em chỉ cần chọn lá tre 20 gr để tươi, rễ cỏ tranh 5 gr, hoa hoặc cành lá kim ngân 5 gr, rễ ngưu tất 5 gr, thục địa 5 gr, cam thảo bắc 5 gr, ý dĩ 5 gr, mía 50 gr.
Liều lượng mỗi thứ có thể gia giảm nhưng không nên nhiều quá để nước nấu quá đặc.
Cách làm: Cho mía đã chẻ thành thanh nhỏ, mỏng và các dược liệu với liều lượng như trên vào nồi hoặc ấm nhôm. Đổ vào một lít nước, đun đến sôi, giữ lửa âm ỉ trong 15 - 20 phút là được.
Khi dùng, chắt nước uống nóng hoặc để nguội tùy sở thích của từng người. Dùng đến đâu, pha chế đến đó, không nấu nhiều và để nước lưu cữu qua ngày.
Tác dụng của từng vị
Theo lương y Trung, rễ cỏ tranh vị ngọt, tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt. Nó còn giúp tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt; chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu.
Kim ngân: Vị đắng, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, chỉ tiêu khát, tiêu thũng, tán độc, bổ hư, liệu phong, uống lâu ngày tăng tuổi thọ. Trong Trung Dược học, kim ngân có tác dụng làm hạ cholesterol trong máu, tăng bài tiết dịch vị và mật.
Lá tre: Vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lạnh; vào kinh tâm và phế, có tác dụng thanh nhiệt, giải cảm, giải độc, hay được dùng trong các trường hợp mụn nhọt viêm tấy mưng mủ và sốt nóng trong dịch sốt huyết, lá tre có thể sử dụng để chữa viêm bàng quang cấp tính.
Các vị có tác dụng thanh nhiệt, chống táo bón, giảm cholesterol
Mía: Vị ngọt tính hàn (có sách ghi lương và bình). "Mía chủ bổ khí kiêm hạ khí, bổ dưỡng, đại bổ tỳ âm, dưỡng huyết cường gân cốt, an thần trấn kinh tức phong, tả phế nhiệt, lợi yết hầu, hạ đờm hỏa, chi nôn, hòa vị, tiêu phiền nhiệt.
Cam thảo: Vị ngọt, tính bình, để sống (đồ mềm, sấy khô) có tác dụng giải độc, tả hỏa; nếu tẩm mật sao vàng (chích cam thảo) lại có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Cam thảo sống có tác dụng chữa cảm sốt, ho mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau dạ dày, tiêu chảy, tỳ vị hư nhược, kém ăn, thân thể mỏi mệt.
Ý dĩ: Vị ngọt, nhạt tính hơi hàn, chủ trị gân co rút cấp, không duỗi ra được, phong thấp tý, hạ khí, uống lâu làm cơ thể nhẹ nhàng, ích khí, giúp người mệt mỏi đặc biệt là trẻ em mau chóng hồi phục sức khoẻ.
Rễ ngưu tất: Vị đắng ngọt, khí hơi mát. Dùng sống tán ứ huyết, tiêu ung nhọt sưng. Trị bệnh lâm, tiểu máu, kinh bế, trưng hà, sanh khó, nhau thai không hạ, sản hậu ứ huyết đau bụng, hầu tý, ung nhọt sưng, trật đã tổn thương. Dùng chín bổ Can Thận, mạnh gân xương. Trị đau xương lưng gối, tay chân cong co.
Thục địa: Tác dụng tu âm, bổ huyết. Nếu nấu uống trừ hàn nhiệt, tích tụ, trừ tý. Uống lâu ngày thân thể nhẹ nhàng, kéo dài tuổi thọ.
Lương y Trung cho biết nếu gia đình không có lá tre, rễ cỏ tranh, có thể thay thế lá tre bằng rau má, nhân trần; thay rễ cỏ tranh bằng râu ngô, lá mã đề; thay ngưu tất bằng thổ phục linh, tỳ giải; thay kim ngân bằng bồ công anh, sài đất; thay thục địa bằng hoàng tinh, huyền sâm; thay cam thảo bắc bằng cao thảo dây, cao thảo đất; thay ý dĩ bằng hạt sen, hoài sơn.