Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 25:
• Không cần gạo vẫn sản xuất 700-800 lít rượu mỗi ngày!
• Chỉ 1 tuần, 5 vụ ngộ độc thực phẩm, hơn 70 người phải cấp cứu
• Hà Nội: Hơn 700 vụ vi phạm ATTP từ đầu năm đến nay
• Sẽ cấm sử dụng thức ăn chứa kháng sinh kích thích tăng trưởng
• Phanh phui hàng loạt vụ vi phạm ATTP tuần qua
Không cần gạo vẫn sản xuất 700-800 lít rượu mỗi ngày!
Theo cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có khoảng 114 người bị ngộ độc rượu, và có rất nhiều trường hợp tử vong do uống phải rượu giả. Tình trạng này trở nên báo động khi mà rượu giả ngày càng được sản xuất tinh vi và tiêu thụ mạnh trong thị trường.
Công nghệ làm giả rượu càng ngày được các chủ cở sở sản xuất tinh vi, không cần gạo, sản xuất siêu tốc, giá siêu rẻ, và tiêu thụ khắp các tỉnh miền bắc. Tại một cơ sở sản xuất rượu giả tại Hưng Yên, mỗi ngày cơ sở này tiêu thụ khoảng 700- 800 lít rượu ra thị trường.
Trong nháy mắt, hóa chất pha với nước lã cho ra đủ loại rượu .
Tài tình nhất của cơ sở này chính là công đoạn chắt lượng nhỏ dung dịch màu từ bồn inox ra đổ vào can nhựa, pha với một dung dịch màu trắng, ngửi thoáng qua giống như mùi cồn, sau đó, lắc mạnh để các chất hòa tan với nhau. Chỉ trong nháy mắt đã có một can rượu táo mèo, ba kích hay chuối hột.
Cơ sở sản xuất cũng cho biết họ sử dụng nguyên liệu là phẩm màu và hương liệu. Chúng được dùng để pha chế ra các loại rượu nặng nhẹ theo ý muốn một cách dễ dàng.
Chỉ khoảng 15 phút, hàng chục can rượu được pha chế xong, dán nhãn, tem và thành một thứ rượu được chủ cơ sở ngang nhiên quảng cáo là rượu gạo, ngâm thuốc 100% tự nhiên với giá rẻ bất ngờ: 15.000 đồng/lít.
Một trường hợp khác tại công ty Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Mai- Hà Nội, cũng đã bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện khu vực sản xuất rượu có chứa 100 lít cồn công nghiệp. Trung bình mỗi ngày cơ sở này cho ra lò được khoảng 100 lít rượu các loại.
Chỉ 1 tuần, 5 vụ ngộ độc thực phẩm, hơn 70 người phải cấp cứu!
Chỉ trong 5 ngày gần đây (từ ngày mùng 28/8-1/8) đã xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, khiến hơn 70 người phải nhập viện cấp cứu gây rúng động dư luận.
Mới đây nhất là vụ việc 13 người ngộ độc nghi do ăn tiết canh dê và uống rượu không rõ nguồn gốc tại Điện Biên. Ngày 31/7, xã Nậm Kè (Điện Biên) tổ chức họp Hội đồng Nhân dân cấp xã, đến trưa mọi người cùng nhau ăn bữa cơm tổng kết. Bữa cơm hôm đó, có cả rượu và tiết canh dê.
Đến hơn 19 giờ cùng ngày, lần lượt 13 người dự bữa ăn này đã phải đến các cơ sở y tế trên địa bàn để cấp cứu do mắc các triệu chứng như khó chịu, đau đầu, chóng mặt, cồn cào, bị nôn.
Các nạn nhân đang được cấp cứu tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong.
Tại Đà Nẵng, khoảng 19h30 tối 29/7, đoàn du khách Lào ăn tối tại nhà hàng N&M. Từ 3h30 đến 4h30 rạng sáng 30/7, lần lượt 45 du khách đi cấp cứu do đau quặn bụng, đau đầu, sốt, đi cầu lỏng, nôn mửa. Sau đó đoàn khách này được đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng để cấp cứu.
Trước đó 1 ngày, cũng tại Đà Nẵng, Sáng ngày 28/7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nãng đã tiếp nhận ba bệnh nhân nhập viện với các dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, cảm giác tê ở vùng lưỡi, cổ họng cứng, nôn mửa. Sau khi tự chế biến và dùng bữa khoảng năm phút, ba người có các biểu hiện ngộ độc.
Tại Khánh Hòa, đêm 30/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 10 bệnh nhân đến cấp cứu do ăn cá hồng. Các bệnh nhân đều bị ngộ độc với nhiều cấp độ khác nhau, gồm nhiều triệu chứng như mẩn ngứa, tê chân, tê tay, có người còn bị hôn mê. Được biết, gia đình này mua cá Hồng Nhím về nấu lẩu.
Nghệ An: 10 người nhập viện khẩn cấp do ngộ độc sau khi ăn nấm độc. Tối 29/7, 10 người tại huyện Quế Phong (Nghệ An) phải nhập viện khẩn cấp sau khi ăn nấm lạ. Tất cả đều có chung triệu chứng chóng mặt, đau bụng, buồn nôn…
Cuối cùng là vụ việc một bé trai 9 tháng bị ngộ độc do ăn măng cũng tại Nghệ An. Chiều 1/8, chị Lữ Thị Hồng ở bản Cắm Nọc, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong đang mải thái măng được hái ở rừng về. Không để ý, bé Lô Minh Đức, 9 tháng tuổi (con của chị Hồng) đã bò đến lấy măng và bỏ măng vào miệng lúc nào không hay.
Ngay sau đó, chị Hồng bất ngờ thấy con vã mồ hôi, da xanh, nôn trớ, khóc ngặt và biểu hiện khó thở. Phát hiện sự việc, chị Hồng đã hốt hoảng kêu gọi người nhà và chở đến Trung tâm y tế huyện Quế Phong cấp cứu. Tại đây, các y bác sỹ trung tâm chẩn đoán cháu Đức bị ngộ độc và được cấp cứu kịp thời.
Hà Nội: Mỗi tháng phanh phui 100 vụ vi phạm ATTP
Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra trong tuần qua dấy lên "báo động đỏ" về tình trạng an toàn thực phẩm trên cả nước nói chung. Con số dưới đây về tình trạng xử lý vi phạm ATTP nói riêng tại Hà Nội khiến cho bức tranh Thực phẩm an toàn tuần qua thêm màu u ám.
Theo đó, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hơn 700 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thu phạt và nộp ngân sách hàng tỷ đồng.
Mới đây, đội quản lý thị trường cùng Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.Hà Nội đã kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm ở xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng chân, tai bò không có hóa đơn.
(Ảnh minh họa)
Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng thực phẩm và đạo đức của người kinh doanh, sản xuất thực phẩm.
Năm 2020, tôm, thịt nhiễm kháng sinh sẽ biến mất?
Việc lạm dụng kháng sinh sử dụng nhiều thức ăn có chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi khiến các sản phẩm chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể gây ngộ độc mãn tính cho người tiêu dùng và nguy cơ cao gây ung thư và kháng kháng sinh đối với con người.
Do đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2017 – 2020, vào chiều 2/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, từ 31/12/2017, sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng.
Đến 2020 sẽ chấm dứt thức ăn chăn nuôi có sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng trừ bệnh.
"Tới đây chúng tôi sẽ cùng Bộ Y tế tổng rà soát kháng sinh dùng cho người và vật, trong đó chia ra những nhóm kháng sinh chỉ chuyên dùng cho người, cho vật, hạn chế kháng sinh dùng cả cho cả người và vật. Bộ Y tế cũng đã đưa ra giải pháp kiểm soát tốt hơn khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc kháng sinh cho người", Thứ trưởng Tám cho hay.
Phanh phui hàng loạt vụ vi phạm ATTP tuần qua
- 2,1 tấn trân châu, chuối chiên, chân gà bẩn chuẩn bị vào quán ăn nhanh. Chiều 01/8/2017, Đội cảnh sát môi trường công an thành phố Vinh bắt 1 vụ kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng cảnh sát đã phát hiện trong kho đang chứa 2,1 tấn thực phẩm bẩn, bị hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc. (Đọc tin chính)
Người phụ nữ này đang thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm nhằm gian lận thương mại, cho tôm có trọng lượng nặng hơn để kiếm lời. (Ảnh: Dân Trí)
- Thu giữ 14 tấn cá nóc bốc mùi hôi thối. Ngày 1/8, phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh cho biết đơn vị vừa phát hiện, thu giữ 13 tấn cá nóc không rõ nguồn gốc và đang bốc mùi hôi thối. (Đọc tin chính)
- Lại bơm tạp chất vào tôm. Rạng sáng ngày 2/8, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang một cơ sở đang thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm tại khu vực chợ đầu mối phía Nam thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Đọc tin chính)