Trong thế giới lý tưởng, con người sẽ được ăn những thực phẩm không cần nhãn hiệu. "Những thực phẩm không có nhãn thường là những thứ tốt nhất cho cơ thể - như trái cây tươi, rau củ quả, thảo mộc, hải sản tươi sống, bánh mì nguyên hạt", Susan Bowerman, đồng tác giả của cuốn sách "What Color is Your Diet" cho biết.
Thực tế, con người vẫn phụ thuộc quá nhiều vào những thực phẩm đóng gói. Tuy nhiên, nếu biết lựa chọn cẩn thận thì đó không phải là vấn đề. Điều này đòi hỏi người tiêu dùng cẩn phải đọc nhãn sản phẩm thật cẩn thận khi mua hàng.
"Nhãn thực phẩm là công cụ quan trọng giúp người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm thông minh", Jennifer Glockner, nhà sáng tạo của Teddy Tries a Veggiea (ebook về dinh dưỡng cho trẻ em) cho biết.
Dưới đây 4 đặc điểm nổi bật mà các chuyên gia khuyên bạn nên lưu ý khi chọn mua bất kỳ sản phẩm nào:
1. Lượng đường bổ sung (Added sugar)
Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đồng ý rằng, bổ sung quá nhiều đường không tốt cho sức khỏe. "Nhiều mặt hàng đóng gói sẵn cho nhiều đường để có thêm hương vị, cho sản phẩm bảo quản được lâu, và như một chất béo thay thế", bác sĩ Gisela Bouvier cho biết.
Bác sĩ Bouvier nói: "Đường bổ sung trong chế độ ăn có thể làm tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có lượng đường cao gấp 2 – 3 lần có nguy cơ chết sớm vì bệnh tim".
Sẽ rất khó để xác định chính xác nên tiêu thụ bao nhiêu đường mỗi ngày. Nhưng theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, với phụ nữ không nên quá 6 muỗng cà phê đường, với nam giới thì không quá 9 muỗng một ngày.
Bạn sẽ dễ dàng tìm được lượng đường này trên nhãn bánh kẹo, nước gỉai khát, các loại gia vị và sốt...
Vào thời điểm này hầu hết các loại nhãn sẽ chỉ đưa ra tổng số gram đường trong sản phẩm chứ không chỉ rõ lượng đường bổ sung, Vì vậy, bạn nên chú ý tới thành phần của các loại đường như mật ong, tinh thể mía, maltoza, sucrose, và fructose,…
2. Chất béo chuyển hóa (Trans fat)
Chất béo chuyển hóa là loại chất béo tồi tệ nhất với cơ thể vì chúng làm tăng cholesterol LDL (xấu) và giảm cholesterol HDL thấp (tốt). Vì vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, thậm chí là tiểu đường loại 2.
Trong khi nhiều nhãn sản xuất đã loại bỏ chúng ra khỏi thành phần, nhưng chất béo này vẫn xuất hiện trong một số loại đồ ăn nhanh và bánh nướng đóng gói.
3. Chất béo bão hòa (Saturated fat)
Không giống như chất béo chuyển hóa, cơ thể bạn vẫn cần một lượng nhỏ chất béo bão hòa. "Chỉ nên ít hơn 10% lương calo đến từ chất béo bão hòa", Lisa Dierks, nhà quản lý dinh dưỡng của chương trình Mayo Clinic Healthy Living ở Rochester, Minnesota (Hoa Kỳ) cho biết.
Chất béo bão hòa nên được thay thế bằng chất béo mono hoặc polyunsaturated, giúp làm giảm mức cholesterol LDL và giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch.
4. Muối/Natri
Kiểm tra hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm là rất quan trọng. Tiêu thụ nhiều muối dẫn đến tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ cho bệnh tim mạch, đột quỵ, và bệnh thận.
"Khoảng 70% lượng muối hầu hết chúng ta ăn vào đều đến từ thực phẩm chế biến sẵn. Các chuyên gia khuyến cao người lớn khỏe mạnh nên hạn chế lượng muối ăn vào khoảng 2300 mg hoặc khoảng một muỗng cà phê muối mỗi ngày", chuyên gia Glockner cho biết.
*Theo Prevention