"Kẻ tội đồ" đem bí mật quân sự Liên Xô bán vung vãi khắp thế giới: Cái giá phải trả?

Trịnh Ngọc Tiến |

Nga và Ukraine là hai quốc gia được hưởng nhiều nhất số vũ khí, thiết bị quân sự cũng như các cơ sở nghiên cứu, sản xuất quốc phòng của Hồng quân Liên Xô.

Đánh đổi bí mật quân sự lấy lợi ích kinh tế?

Sự sụp đổ của Liên bang XHCN Xô Viết (USSR) vào năm 1991 và việc các nước cộng hòa từng thuộc USSR được kế thừa và phân chia tài sản của nó khiến một số lượng khổng lồ vũ khí, khí tài quân sự bất thần "đổi chủ".

Nga và Ukraine là hai quốc gia được thừa hưởng nhiều nhất số vũ khí, thiết bị quân sự cũng như các cơ sở nghiên cứu, sản xuất quốc phòng của Hồng quân Liên Xô.

Đối mặt với khó khăn về kinh tế thời hậu Xô Viết, các nước cộng hòa đã bán tống, bán tháo nhiều loại thiết bị quân sự, mà trước đây thuộc loại bí mật của Hồng quân Liên Xô.

Ngay cả chính phủ Nga khi đó cũng đã phải sử dụng những vũ khí hiện đại và bí mật nhất thời Liên Xô để gán nợ cho Hàn Quốc là những xe tăng T-80U và xe chiến đấu bộ binh BMP-3.

Kẻ tội đồ đem bí mật quân sự Liên Xô bán vung vãi khắp thế giới: Cái giá phải trả? - Ảnh 1.

T-80U của Hàn Quốc.

Moldova bán cho Mỹ một lượng lớn máy bay MiG-29, Ukraine không từ chối bán bất cứ thứ gì, kể cả tiêm kích Su-27 hiện đại, hệ thống phòng thủ chủ động cho xe tăng Drozd, xe bọc thép BTR-4 và cả loại xe tăng mới nhất T-80UD.

Tình báo Mỹ thậm chí có thể làm tiếp cận được với các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược, máy bay ném bom Tu-160, Tu-95MS, Tu-22M2 và M3, tên lửa hành trình Kh-55 vẫn còn đầy ắp trong kho của Quân đội Ukraine.

Ukraine là một mảnh ghép quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các phương tiện cơ giới bọc thép thời Liên Xô, đặc biệt là xe tăng. Các loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) có tính cách mạng T-64 (và sau này là T-80UD) đều được phát triển và sản xuất tại Ukraine.

Vào giữa những năm 1990, Ukraine thậm chí còn xoay sở để thực hiện một hợp đồng quy mô lớn về việc cung cấp xe tăng cho Pakistan, bằng việc hiện đại hóa những chiếc xe tăng “quốc bảo” T-64 có trong kho (dưới thời Liên Xô, loại xe tăng này không được phép xuất khẩu).

Kẻ tội đồ đem bí mật quân sự Liên Xô bán vung vãi khắp thế giới: Cái giá phải trả? - Ảnh 2.

Một nguyên mẫu T-84 Oplot của Ukraine.

"Bí mật cuối cùng" của Liên Xô cũng đã được Ukraine đem bán?

Một trong những thành tựu đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đó là phát triển thành công các tổ hợp phòng thủ chủ động cho xe tăng.

Vào giữa những năm 1950, các kỹ sư của Viện thiết kế Tula lần đầu tiên mô tả nguyên lý hoạt động của các tổ hợp phòng thủ chủ động cho xe tăng (KAZ). T-55AD, xe tăng đầu tiên được trang bị KAZ trên thế giới đã được sản xuất vào năm 1983.

Nguyên lý và cấu tạo của một tổ hợp KAZ bao gồm một radar xung Doppler tầm ngắn, có khả năng chống nhiễu cao. Radar này có phạm vi quét 360 độ xung quanh xe và những ống phóng lựu đạn đặc biệt có đầu đạn nổ định hướng được bố trí đối xứng xung quanh tháp pháo.

Kẻ tội đồ đem bí mật quân sự Liên Xô bán vung vãi khắp thế giới: Cái giá phải trả? - Ảnh 3.

Xe tăng T-55AD.

Nguyên lý hoạt động của KAZ là khi radar phát hiện tên lửa chống tăng tới gần và có khả năng trở thành mối nguy hiểm, nó sẽ tự động kích hoạt hệ thống đánh chặn và sử dụng lựu đạn để phá hủy tên lửa.

Vào giữa những năm của thập niên 1980, hai hệ thống KAZ Drozd-2 và Arena đã được thử nghiệm trên xe tăng T-62 tại chiến trường Afghanistan và thu được những kết quả tích cực. Sau khi Liên Xô tan rã, những bí mật công nghệ về hệ thống KAZ do Nga và Ukraine nắm giữ.

Tháng 5/2001, Steve Reeves, một nhân viên của Trung tâm Công nghệ đào tạo và mô phỏng quân đội Mỹ (PEO STRI) đã đến Ukraine để tìm hiểu về các hệ thống KAZ được trang bị trên xe tăng của quân đội Ukraine.

Nội dung các cuộc làm việc không được công bố, nhưng vào tháng 12/2002, hai nhân viên của Trung tâm thử nghiệm Aberdeen (Mỹ), đã đến thăm Ukraine trong ba tuần, để xem xét việc hiện đại hóa xe tăng T-80UD của Ukraine.

Kẻ tội đồ đem bí mật quân sự Liên Xô bán vung vãi khắp thế giới: Cái giá phải trả? - Ảnh 4.

Radar và ống phóng lựu đạn của hệ thống KAZ trên xe tăng và những chiếc T-80UD và T-72 của Chiến đoàn cực hữu Azov thuộc Vệ binh quốc gia Ukraine.

Những xe tăng T-80UD khi đó đều được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Drozd, thuộc thế hệ hiện đại nhất của Ukraine.

Vào cuối năm 2003, bốn chiếc T-80UD đã được gửi đến Trung tâm thử nghiệm Aberdeen. Đây là các phiên bản T-80UD với tháp pháo hàn và được trang bị hệ thống KAZ Drozd đã được hiện đại hóa.

Rất ít thông tin về số phận của những chiếc xe tăng được gửi đến Trung tâm thử nghiệm Aberdeen.

Các nhà phân tích quân sự chỉ có thể dự đoán rằng hệ thống KAZ Drozd, bí mật một thời của Liên Xô đã được phía Mỹ tháo rời và nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều này có thể đã giúp người Mỹ tạo ra một hệ thống KAZ mới mà không tốn thời gian và đầu tư để nghiên cứu, phát triển.

Kẻ tội đồ đem bí mật quân sự Liên Xô bán vung vãi khắp thế giới: Cái giá phải trả? - Ảnh 6.

Thực nghiệm một cuộc đánh chặn bằng hệ thống KAZ Drozd với tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).

Cũng có giả thiết cho rằng Israel là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sụp đổ của Liên Xô, khi vào năm 2005 họ giới thiệu hệ thống KAZ Trophy nổi tiếng, hệ thống được Mỹ đặt mua để trang bị cho MBT hiện đại nhất của họ là M1A3 SEP.

Những lợi ích của phía Ukraine sau thương vụ này cũng vẫn là một ẩn số. Một số chuyên gia cho rằng việc bán T-80UD cho Mỹ đã giúp Ukraine có thể kiếm được một số tiền khá lớn.

Nhưng sự thật là với nền kinh tế èo uột của Ukraine hiện tại, sự việc không còn gây ngạc nhiên và cũng không quá đặc biệt.

Các quốc gia từng thuộc Liên Xô đã đánh đổi bí mật quân sự với những lợi ích kinh tế trong một thời gian dài. Cho tới khi không còn bí mật nào để khai thác, họ sẽ có một vai trò mới đó là nạn nhân của chính những công nghệ mà họ đã bán.

Phim tài liệu so sánh ưu nhược điểm của các hệ thống phòng thủ chủ động Trophi trên các MBT M1 Abrams và Merkava's Trophy và Afghanit trên T-14 Armata.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại