LTS: “Bão táp Sa mạc” là chiến dịch quân sự kéo dài 42 ngày đêm (17/1/1990 - 28/2/1991) được thực hiện bởi liên minh gồm 34 nước do Mỹ đứng đầu nhằm giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lược của Iraq trước đó.
Chiến dịch đã ghi nhận thắng lợi áp đảo của liên quân và sự thất bại nặng nề của quân đội Iraq, quốc gia vào thời điểm đó có lực lượng quân sự lớn thứ tư thế giới.
“Bão táp Sa mạc” đã mở ra kỷ nguyên mới trong chiến tranh hiện đại không chỉ với quân đội Mỹ mà còn với nhiều quốc gia khác thế giới: Kỷ nguyên tác chiến công nghệ cao với nhiều vũ khí tiên tiến lần đầu tiên được sử dụng: Máy bay tàng hình, tên lửa hành trình dẫn đường chính xác, bom thông minh…
Với mục đích cung cấp thêm cho độc giả những thông tin chi tiết, góc nhìn đa chiều về sự kiện quân sự lịch sử này, chúng tôi xin trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết có tựa đề: “Bão táp Sa mạc - Kỷ nguyên của chiến tranh công nghệ cao”.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Bài 1: QĐ lớn thứ 4 thế giới mất 700 xe tăng trong 1 ngày: Bẫy nghi binh kinh điển của tướng Mỹ!
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất ((17/1/1990 - 28/2/1991), kế hoạch tác chiến đánh bại Quân đội Iraq do tướng Mỹ Norman Schwarzkopf hoạch định là một trong những chiến dịch quân sự phức tạp nhất từng được thực hiện nhưng nó lại được dựa trên một nguyên tắc xa xưa nhất trong lịch sử xung đột của loài người: Nghi binh.
Từ giây phút mở màn chiến dịch không kích rạng sáng ngày 17/1/1990 tới trận chiến cao trào với Lực lượng vệ binh Cộng hòa, kế hoạch nghi binh được tướng Mỹ vạch ra nhằm mục đích “che tai, bịt mắt” quân đội Iraq, đánh lừa họ về những ý định thực sự của liên minh và rồi bất ngờ khép vòng vây hủy diệt.
Kế hoạch dựa phần lớn vào ưu thế sức mạnh không quân và các cuộc đánh bom ồ ạt nhằm tiêu diệt binh lính và xe tăng Iraq. Tuy nhiên, tại cuộc chiến này Mỹ và đồng minh cũng áp dụng những biện pháp mềm mỏng hơn như các cuộc tập trận đổ bộ trước chiến tranh được tuyên truyền rộng rãi để làm cho Iraq tin rằng đối thủ đang lên kế hoạch tấn công từ đường bờ biển.
Iraq đã rơi vào bẫy nghi binh như thế nào?
Khi chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất xảy ra, tướng Herbert Norman Schwarzkopf Jr. (22/8/1934 – 27/12/2012) là chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) giữ vai trò chỉ huy lực lượng liên quân.
Chiến dịch nghi binh do Norman Schwarzkopf hoạch định bắt đầu được triển khai trên thực tế ngay từ ngày 7/8/1990, tức 5 ngày sau khi Iraq tiến đánh Kuwait.
Sau đó, nó được thực hiện liên tục không ngừng nghỉ trong cả khoảng thời gian nhiều tháng đàm phán của Liên Hợp Quốc, 6 tuần quân đồng minh đánh bom và 5 ngày chiến tranh trên bộ thần tốc chống lại quân đội Iraq vốn nhiều kinh nghiệm và vượt trội hơn về quân số so với lực lượng đồng minh.
Thực vậy, ngay từ đầu tháng 8/1990, một lực lượng phòng thủ với quy mô hạn chế đã được Mỹ bố trí phía sau chiến tuyến của Saudi Arabia dọc theo biên giới với Kuwait và Iraq.
Đến tháng 11, đối phó với việc Iraq ồ ạt đưa quân xuống phía Nam, các lực lượng Mỹ và Saudi Arabia đã thiết lập thêm nhiều vị trí phòng thủ dọc biên giới phía Bắc đối đầu với các vị trí của Iraq ở Kuwait.
Đồng thời, Hải quân Mỹ công khai tăng cường thêm sự hiện diện ở vùng Vịnh. Khi các nỗ lực ngoại giao thất bại, một cuộc chiến tranh không quân lớn bắt đầu được thực hiện để làm suy yếu các lực lượng Iraq, đặc biệt là ở khu vực dọc biên giới (Kuwait).
Các máy bay F-15C Eagle bay qua không phận Kuwait trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ảnh: KQ Mỹ
Động thái trên của liên minh, một phần làm cho Iraq nghĩ rằng cuộc đối đầu chính giữa họ và Liên minh sẽ diễn ra dọc biên giới Kuwait, và ở biên giới giữa Kuwait và Saudi Arabia, buộc họ phải tập trung lực lượng tại đó, làm cho Iraq tưởng rằng sẽ diễn ra một cuộc đổ bộ từ đường biển.
Thế nhưng trong lúc này, các lực lượng đồng minh lại chuẩn bị tập trung phương tiện thiết giáp lớn tiến lên phía Tây Kuwait.
Để đánh lừa Iraq và Quân đội đội của họ ở Kuwait, Thủy quân Lục chiến Mỹ “công khai” chuẩn bị cho một cuộc tấn công đổ bộ dọc bờ biển Kuwait, tiến hành hàng loạt cuộc tập trận rầm rộ dưới những cái tên như thể chiến tranh đang rất cận kề, dạng như “Sấm sét sắp xảy ra” (Imminent Thunder).
Trong khi đó, quân đồng minh cũng tìm cách làm cho Tổng thống Saddam Hussein tin rằng một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn sẽ được phát động để tiến đánh các khu vực được phòng thủ vững chắc nhất của Iraq dọc biên giới Saudi Arabia.
Để làm điều này, quân đồng minh chứng tỏ cho Iraq thấy phần lớn các lực lượng bộ binh của họ vẫn đang tập trung ở phía Đông Saudi Arabia, nơi trước đây tất cả lính Lục quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ đã từng được triển khai trong kế hoạch tăng cường lực lượng vào mùa Hè và mùa Thu trước đó.
Thế nhưng, Iraq không biết rằng Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ đã chuyển hơn 300.000 lính lục quân, hoàn thành 60 ngày vận chuyển hàng hóa và hậu cần tiếp viện tới các vị trí ở phía Tây Wadi al Baten, một lòng sông khô hạn chạy dài theo hướng Tây Nam tới Saudi Arabia dưới biên giới Iraq - Kuwait.
Thủy quân lục chiến Mỳ và trực thăng CH-46E trong cuộc tập trận "Imminent Thunder". Ảnh: KQ Mỹ
Không quân Iraq tên liệt
Việc điều chuyển các lực lượng bộ binh rõ ràng là một hoạt động vận chuyển hậu cần đồ sộ nhưng quy mô của việc tái triển khai dường như đã qua mặt được Quân đội Iraq bởi phần lớn các máy bay của họ đã bị không quân đồng minh bắn hạ ở giai đoạn đầu cuộc chiến.
Thêm nữa, Iraq lại thiếu các phương tiện thu thập thông tin tình báo tinh vi, chẳng hạn như các vệ tinh do thám nên không thể phát hiện được.
“Khi chúng tôi biết rằng ông ta (Sadam Hussein) không thể phát hiện ra chúng tôi nữa, chúng tôi đã quyết định chuyển quân ồ ạt lên hướng Tây, tới các vị trí ở cực Tây”, tướng Schwarzkopf kể lại.
“Đó chính xác là những gì chúng tôi đã thực hiện”, tướng Schwarzkopf nhấn mạnh với ý đề cập tới việc điều chuyển các lực lượng Mỹ, Pháp và Anh tới phía Tây Saudi Arabia để chuẩn bị thực hiện chiến dịch đánh thọc sườn phía Tây vào sâu trong lãnh thổ Iraq để cắt đứt đường chi viện của Vệ binh Cộng hòa.
Để hoàn tất kế hoạch nghi binh, một số lực lượng chiến đấu chủ lực vẫn được Mỹ giữ lại ở phía Đông Wadi al Baten và được giao nhiệm vụ tiến hành các trận đánh mở màn cuộc chiến.
Hai sư đoàn Thủ quân Lục chiến, một lữ đoàn Lục quân và các lực lượng Saudi Arabia tham gia tấn công quân đội Iraq dọc biên giới Saudi - Kuwait ngay khi mở màn cuộc chiến tranh trên bộ, chọc thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của họ.
Một xe tăng chiến đấu chủ lực của Iraq bị phá hủy tại phía Bắc Kuwait
Không được sự yểm trợ từ không quân, Iraq không thể nào điều chuyển lực lượng để chống trả đòn tấn công từ cánh Tây của quân đồng minh ngay cả khi họ biết trước kế hoạch.
Ưu thế về sức mạnh không quân của liên minh đã kìm chân các sư đoàn Số 43 của Iraq khiến họ hoàn toàn bất lực trong việc đối phó với lực lượng tấn công và khả năng chiến đấu họ cũng suy giảm đến mức khó tưởng tượng.
Trong khi giới quan sát cho rằng chiến dịch đánh bom chính của liên minh là nhằm chống trả các sư đoàn Vệ binh Cộng hòa ở miền Nam Iraq thì tướng Schwarzkopf nói rõ ràng rằng việc tiêu diệt các lực lượng bộ binh Iraq ở biên giới Saudi Arabia mới là ưu tiên hàng đầu. Điều này giúp quân đồng minh nhanh chóng chọc thủng các tuyến phòng thủ của Iraq.
Chiến dịch không kích đã làm suy giảm hiệu quả tác chiến của các lực lượng tiền phương Iraq xuống chỉ còn một nửa, phá hủy phần lớn pháo binh Iraq - những đơn vị rất có thể sẽ được sử dụng để tấn công hóa học. Vì vậy, thực tế Iraq đã không tận dụng được cơ hội nào để sử dụng kho vũ khí hóa học của họ.
Các cuộc không kích cũng đã được liên quân sử dụng để phá hủy cầu cấu, cắt đứt các tuyến viện trợ xuống phía Nam và đường tháo chạy về phía Bắc.
Vai trò của các lực lượng đặc nhiệm
Xe tăng bị phá hủy bên cạnh một giếng dầu đang bốc cháy tại Kuwait. Ảnh: QBP Mỹ
Kế hoạch bao vây các lực lượng Iraq ở miền Nam đất nước và Kuwait cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị đặc nhiệm. Họ hoạt động sâu trong lãnh thổ Iraq để thu thập thông tin tình báo mà không hề bị phát hiện.
Tướng Schwarzkopf kể lại, Iraq đã bị hoảng loạn bởi các hành động quân sự nên quân đồng minh gần như có thể di chuyển tự do tới Baghdad nếu như họ chọn cách hành động như vậy.
“Chúng tôi chỉ cách Baghdad có 150 dặm và chẳng có cản trở nào giữa chúng tôi và Baghdad", tướng Schwarzkopf nói.
Sáng sớm ngày 28/2/1991, các đơn vị còn lại của Iraq - từng là những lực lượng hùng mạnh của quốc gia này, đã bị mắc kẹt giữa các đoàn xe thiết giáp đang tiến công của quân đồng minh và các vật cản tự nhiên trên lãnh thổ.
Các bản tin tình báo ở Lầu Năm Góc cho biết, một sư đoàn thiết giáp của Vệ binh Cộng hòa triển khai ngay ở phía Bắc Kuwait và 3 đơn vị bộ binh khác đã bị lực lượng xe tăng Mỹ tấn công.
Hai sư đoàn Iraq ở Kuwait, Sư đoàn Bộ binh Cơ giới Số 51 triển khai ở phía Bắc Vịnh Kuwait và Sư đoàn Thiết giáp Số 10 triển khai ở miền Trung Kuwait, cho dù vẫn được coi là những đơn bị còn khả năng chiến đấu tốt nhưng các quan chức Lầu Năm Góc đã xếp họ vào dạng bị cô lập và vỡ trận phòng thủ.
Tướng Schwarzkopf cho biết, 700 xe tăng Iraq đã bị phá hủy chỉ trong ngày 28/2 khiến nước này chỉ còn lại khoảng 500 xe tăng.
Lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Iraq được coi là hùng mạnh một thời đã thất trận. Chiến dịch quân sự được tướng Norman Schwarzkopf đánh giá là độc nhất trong biên niên lịch sử quân sự thế giới đi đến hồi kết thúc.
Các trực thăng Apache tham gia tấn công mở màn Chiến dịch Bão Táp Sa Mạc