Konteiner 29B6 - Radar theo dõi mục tiêu từ rìa ngoài không gian
Nga cho biết nước này sẽ thiết lập một hệ thống radar tầm xa mới để kiểm soát toàn bộ vùng Bắc Cực với khả năng cung cấp những thông tin giám sát và cảnh báo sớm về một loạt mối đe dọa tiềm tàng khác nhau, kể cả máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và vũ khí siêu thanh.
Thông báo trên được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ lên tiếng kêu gọi khôi phục và mở rộng các khả năng tương tự của Washington trong khu vực ngày càng có tầm quan trọng chiến lược này.
Theo hãng thông tấn TASS thì Bộ Quốc phòng Nga đã lắp đặt hệ thống radar Konteiner 29B6 tiếp theo tại Bắc Cực vào ngày 2/12/2019 bởi trước đó một ngày tổ hợp radar Konteiner đầu tiên đặt ở nước cộng hòa bán tự trị Mordovia của Nga cũng đã chính thức đi vào hoạt động sau 6 năm kể từ khi Nga hoàn thành việc xây dựng nó.
Từ đây, hệ thống radar này có thể đưa ra những thông tin cảnh báo và theo dõi sớm bao trùm toàn bộ sườn cánh Tây của Nga, gồm phần lớn diện tích châu Âu và các khu vực ở Trung Đông.
Konteiner là một hệ thống radar cực lớn, gồm nhiều dãy thu - phát tần số cao tách biệt nhau. Một dãy máy phát hoàn chỉnh có 36 cột trải rộng hơn 1.440 feet (438 m). Trong khi dó, dãy thu gồm 144 cột và trải trên chiều rộng 4.265 feet (1.299 m). Các địa điểm đặt máy thu và máy phát ở Mordovia cách nhanh khoảng 186 dặm.
Sơ đồ các bộ phận trong chuỗi thu của radar 29B6. Ảnh: Global Security
Hệ thống có khả năng phủ sóng theo một hướng cố định trên vòng cung 180 độ, có thể phát hiện và theo dõi mục tiêu từ rìa ngoài không gian ở khoảng cách từ 1.240 đến 1.864 dặm (2.000 m - 3.000 m) tùy thuộc vào kích thước và chủng loại mục tiêu cũng như điều kiện thời tiết và khí quyển.
Loại radar theo dõi ngoài đường chân trời này đặc biệt hữu ích khi bám bắt chuyển động của các mục tiêu ở khoảng cách cực xa cho dù có thể nó chưa cung cấp được thông tin ở mức xác thực nhất để tên lửa đất đối không hoặc tên lửa đánh chặn tên lửa khai hỏa bắn hạ chúng.
Tuy nhiên, khi đặt trong mạng lưới phòng không tích hợp, radar có thể đưa ra thông tin cảnh báo sớm rất có giá trị về các mối đe dọa tiềm tàng, qua đó máy bay, tàu chiến và các cảm biến đặt trên mặt đất khác xác định được mục tiêu và tấn công.
Nhờ tầm hoạt động xa như vậy nên các radar có thể được bố trí ở những địa điểm nằm sâu trong đất liền, giúp chúng ít bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công bất ngờ.
Hiện chưa thể khẳng định chính xác khả năng thực tế của Konteiner đến đâu trong việc phát hiện và theo dõi các tên lửa hành trình bay thấp hoặc các mối đe dọa đến từ những vũ khí siêu âm hiện đại hơn, chẳng hạn như đầu đạn phóng lướt siêu thanh (HGV) nhưng rõ ràng nó là sự bổ sung đáng kể cho tầm phủ sóng của radar ở phía Bắc Cực.
Hệ thống radar di động gần căn cứ quân sự Arctkicheski Trilistnik trên đảo Alexandra thuộc quần đảo Franz Josef phía Bắc Bắc Cực. Ảnh: BQP Nga
"Tóm sống" máy bay tàng hình, vũ khí siêu thanh Mỹ?
Việc Kremlin tập trung sử dụng radar 29B6 để theo dõi các mối đe dọa như vậy từ khu vực này, kết hợp cùng các thiết bị khác, cho thấy Nga ngày càng quan tâm tới các vũ khí siêu âm phóng từ trên không và trên biển của Mỹ, đặc biệt là các tên lửa trang bị cho hạm đội tàu ngầm Hải quân Mỹ ẩn dưới các lớp băng Bắc Cực trước khi khai hỏa tấn công.
Mặc dù Nga không đặc biệt nhấn mạnh tới khả năng này nhưng 29B6 hoàn toàn có thể phát hiện được các tên lửa hành trình và máy bay tàng hình như F-22 đang tấn công.
Nga không phải là quốc gia duy nhất lo ngại tới việc "để lộ sườn" Bắc Cực. Ngày 23/11/2019, tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax tổ chức ở Washington, D.C, tướng Terrence John O’Shaughnessy, chỉ huy Bộ tư lệnh phương Bắc (NORTHCOM) và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gia Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã bày tỏ lo lắng về khả năng nắm bắt tình hình của Mỹ.
"Chúng ta phải biết được rất rõ những gì đang diễn ra trong môi trường đó", tướng O’Shaughnessy phát biểu.
Bản đổ thể hiện vị trí của Hệ thống Cảnh báo Phương Bắc trong kế hoạch năm 1987
Hiện nay, NORAD vẫn chủ yếu phụ thuộc vào Hệ thống Cảnh báo phương Bắc (NWS), tổ hợp gồm 15 radar tầm xa AN/FPS-117 và 39 radar tầm ngắn AN/FPS-124 triển khai dọc phía Bắc Canada.
NWS là sản phẩm kế thừa từ Hệ thống Cảnh báo sớm Tầm xa (DEW) từ thời Chiến tranh Lạnh, và phần lớn đã bị tạm ngưng hoạt động trong tiến trình chuyển giao cuối những năm 1980.
Quân đội Mỹ cũng đang vận hành các radar mảng pha kích cỡ lớn, đặt tại Alaska, Greenland và Anh, chủ yếu được thiết kế để phát hiện và theo dõi các tên lửa đạn đạo và một vài radar trong số đó có khả năng phủ sóng tới Bắc Cực.
Số trạm radar mặt đất này được tiếp thêm sức mạnh nhờ các phương tiện cảnh báo sớm đặt trên không gian, lĩnh vực nếu xét về lịch sử thì Nga ít có khả năng hơn.
Tuy nhiên, môi trường khắc nghiệt khiến cho việc nâng cấp khả năng cảnh báo sớm của Mỹ đặt trên mặt đất ở Bắc Cực trở nên khó khăn hơn, nhất là để phát hiện tên lửa hành trình và vũ khí siêu thanh.
Hiện chưa biết khi nào hệ thống radar 29B6 mà Nga thiết lập để theo dõi Bắc Cực sẽ đi vào hoạt động. Moscow bắt đầu phát triển Konteiner từ năm 2007 và mới chỉ hoàn thành việc xây dựng trạm đầu tiên năm 2013. Sau đó, phải mất thêm 6 năm thử nghiệm và đánh giá nữa thì trạm này mới được đưa vào vận hành đầy đủ.
Thế nhưng, thông báo nêu trên của Nga cho thấy nước này đang ngày càng gia tăng các nỗ lực mở rộng sự hiện diện tiền phương và nâng cao các năng lực quân sự tổng thể ở trên và xung quanh khu vực Bắc Cực.
Radar 29B6 chính thức nhận nhiệm vụ trực chiến ở Mordovia