Các phương tiện truyền thông quốc tế thời gian gần đây thường xuyên bàn tán tới chuyện Kaliningrad - vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga ở châu Âu có thể sẽ bị "chiếm giữ" như thế nào.
Đầu năm nay, Tư lệnh Không quân Mỹ phụ trách Châu Âu và Châu Phi, Tướng Jeffrey Lee Harrigian cho biết Lầu Năm Góc đã xây dựng được kế hoạch đánh bại các hệ thống phòng không của Nga bố trí tại vùng lãnh thổ cực Tây Kaliningrad nếu như Moscow dám mạo hiểm tiến hành bất cứ hành động gây hấn nào.
"Chúng tôi đã huấn luyện thực hiện hành động này và chúng tôi thường trực suy nghĩ về các kế hoạch đó mọi nơi, mọi lúc. Nếu buộc phải làm điều đó, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện", trang mạng Breaking Defense dẫn lời Tướng Harrigian phát biểu với các phóng viên.
Tướng Jeffrey Lee Harrigian cũng nhấn mạnh, đòn đáp trả của Mỹ đối với hành động gây hấn của Nga từ Kaliningrad sẽ là "đa miền, rất kịp thời và hiệu quả".
Xe tăng M1 Abrams trong cuộc tập trận quân sự Justice Eagle 17. Ảnh: Reuters
Richard D. Hooker, chuyên gia nghiên cứu của Quỹ Jamestown ở Mỹ thì nhận định nếu kịch bản xung đột giữa Nga và các nước đồng minh NATO xảy ra tại khu vực Baltic, Moscow chắc chắn sẽ thua cuộc ở Kaliningrad.
Trong khi đó, kênh truyền thông Trung Quốc Eastday.com cũng dẫn lời Thiếu tướng Du Wenlong, một nhà chiến lược quân sự hàng đầu của quân đội nước này nói rằng trong trường hợp xảy ra xung đột giữa NATO và Nga trên vùng biển Baltic, quân đồng minh có thể chiếm giữ được Kaliningrad trong vòng 2 ngày.
Tuy nhiên, theo cựu Đại tá, nhà bình luận quân sự Mikhail Khodarenok của kênh truyền hình RT thì xét tới thực tế các vũ khí thông thường của NATO vượt trội hơn khả năng của Nga, nên Moscow sẽ chẳng thể nào ngồi yên để nhìn các lực lượng của mình ở Kaliningrad bị nghiền nát. Thay vào đó, Nga sẽ đáp trả ngay lập tức bằng cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược.
Nga đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Iskander tại Kaliningrad. Ảnh: Sputnik
Từng là sĩ quan thuộc Cục tác chiến Bộ tổng Tham mưu Quân đội Nga, ông Mikhail Khodarenok cho rằng các chỉ huy và chuyên gia quân sự phương Tây đã sai cơ bản khi suy nghĩ rằng trận chiến ở Kaliningrad sẽ chỉ mang tính cục bộ mà không thể lan rộng. Ngược lại, Nga chắc chắn sẽ nhanh chóng sử dụng tới vũ khí hạt nhân.
Với cuộc chiến dạng này, Moscow sẽ hành động rất quyết đoán với khả năng chính xác cực cao. Nói cách khác, ngay sau phát đạn đầu tiên bắn vào Kaliningrad, Nga sẽ ngay lập tức sử dụng tất cả các vũ khí hủy diệt hàng loạt mà đầu tiên và trước nhất là vũ khí hạt nhân chiến lược.
Tất nhiên, rõ ràng bất cứ hành động sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nào cũng sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc cho cả các bên tham chiến và các quốc gia khác.
Đòn tấn công hạt nhân đầu tiên sẽ gây ra những thương vong cực kỳ to lớn và hậu quả sẽ còn nhân lên gấp nhiều lần do những tác động sau đó để lại. Sẽ không có bất cứ cuộc chiến thông thường nào sau khi đã giao tranh bằng vũ khí hạt nhân.
Còn bình luận trên trang mạng Eastday.com của Trung Quốc cho rằng NATO có thể chiếm được Kaliningrad chỉ trong vòng 2 ngày là sự thiếu hiểu biết về mặt thời gian. Trận chiến trên thực tế không kéo dài lâu đến như thế và kết quả cũng sẽ rất khác. Nga sẽ chỉ mất không nhiều hơn từ 40 - 45 phút để phát động một đòn tấn công hạt nhân.
Nói tóm lại, theo nhà bình luận quân sự Mikhail Khodarenok, Kaliningrad trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phải là cuộc xung đột quân sự cục bộ mà sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu và thậm chí những quốc gia không can sự cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Vì vậy, tất cả các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách nên nhớ kỹ điều này trong đầu khi tính tới một cuộc chiến với Nga ở Kaliningrad.
Hệ thống tên lửa Iskander khai hỏa trong cuộc tập trận Vostok-2018