Có hay không cuộc chạy đua giữa Hải quân Nhật Bản và Trung Quốc?
Tháng 12/2018, Nội các Nhật Bản đã chấp thuận chuyển đổi hai khu trục hạm mang trực thăng 27.000 tấn lớp Izumo thành tàu sân bay có khả năng vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-35B.
Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có hai tàu sân bay trên 60.000 tấn và có thể mang theo mỗi chiếc từ 45 đến 55 máy bay J-15 (nhiều gấp đôi số lượng khoảng 20 máy bay F-35B của một chiếc lớp Izumo).
Không những vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng mới thêm 2 tàu sân bay trong tương lai, biến số lượng tàu sân bay của nước này lên con số 4.
Có thể thấy việc chuyển đổi các tàu lớp Izumo thể hiện sự gia tăng năng lực tác chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), nhưng rõ ràng Trung Quốc đang đi trước Nhật Bản vài năm, không chỉ về số lượng, mà còn về kinh nghiệm vận hành tàu sân bay.
Nhật Bản có thể sẽ không phải đối tượng cạnh tranh trực tiếp của Hải quân Trung Quốc, nhưng ưu thế quân sự trên biển của Trung Quốc dường như ảnh hưởng đến các kế hoạch tăng cường năng lực quân sự của Nhật Bản.
Ưu thế về hải quân của Trung Quốc trước Nhật Bản là không thể phủ nhận.
Rò rỉ phương án nâng cấp tàu sân bay Nhật Bản?
Thời gian gần đây, một slide Powerpoint bị rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy một bản thiết kế của khu trục hạm trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản được nâng cấp trở thành tàu sân bay với máy phóng và bổ sung đường băng hạ cánh với thiết bị móc hãm.
Nói cách khác, slide cho thấy JMSDF dự kiến triển khai CATOBAR (khả năng cất cánh bằng máy phóng và thu hồi bằng cáp hãm đà) cho hai tàu chiến lớn nhất của họ và sẽ mua các máy bay chiến đấu tàng hình F-35C (biến thể cánh gấp dành cho tàu sân bay).
Nhằm xác thực thông tin nói trên, hãy quay trở lại General Atomics, đơn vị được cho là đã thiết kế và trình chiếu slide.
General Atomics là công ty sản xuất vũ khí thuộc sở hữu tư nhân có trụ sở tại Sandiego, Hoa Kỳ. Sản phẩm được biết đến rộng rãi nhất của GA là các máy bay không người lái tấn công (UCAV) MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper.
General Atomics, đơn vị trình chiếu slide về phương án nâng cấp tàu sân bay lớp Izumo là nhà sản xuất vũ khí Mỹ nổi tiếng với các máy bay không người lái tấn công (UCAV).
GA cũng là đơn vị sản xuất hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) và thiết bị móc hãm (AAG) được lắp đặt trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford thuộc lớp Ford.
Dù hai hệ thống nói trên được hứa hẹn sẽ thay thế máy phóng hơi nước và cáp hãm đà thủy lực Mk7 trên tất cả các "siêu tàu sân bay" Mỹ trong tương lai, nhưng tới nay có vẻ Hải quân Mỹ đã phải vật lộn với chúng sau khi phát hiện "một số vấn đề" khi thử nghiệm USS Gerald R. Ford.
Nói cách khác, General Atomics không phải là nhà thầu thiết kế, cơ sở đóng tàu hay một đơn vị tích hợp toàn bộ hệ thống liên quan trên tàu chiến mà chỉ là nhà cung cấp một số giải pháp mới liên quan tới tàu sân bay.
Vì vậy, rất có thể slide nói trên chỉ là một minh họa để các hệ thống EMALS và AAG do GA sản xuất tiếp cận khách hàng Nhật Bản.
"Ước mơ không bị đánh thuế" nhưng phi thực tế?
Nhật Bản đã mua 43 máy bay F-35B STOVL (biến thể cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) và đang nỗ lực nâng cấp các khu trục hạm trực thăng lớp Izumo để phù hợp với loại máy bay này.
Có vẻ như Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tính tới khả năng này ngay từ khi đóng mới lớp tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai và công việc được cho là khá dễ dàng.
Quay trở lại slide thiết kế duy nhất đã bị rò rỉ của GA nói trêm, khu trục hạm trực thăng lớp Izumo đã được nâng cấp trở thành một tàu sân bay thực thụ, nhưng nó sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ.
Việc bổ sung thêm một đường băng mới và các thiết bị CATOBAR sẽ ảnh hưởng lớn đến phân bổ trọng lượng trên con tàu không được thiết kế để trở thành tàu sân bay.
Không chỉ bên trong con tàu sẽ phải thiết kế lại mà trọng lượng nói trên cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề tới tốc độ, khả năng điều khiển và lượng nhiên liệu tiêu thụ của tàu.
Ngoài ra, thiết kế tàu sân bay trong slide là một "cơn ác mộng" đối với sự vận hành của hệ thống CATOBAR. Không gian đường băng hạn chế đồng nghĩa với việc không thể cùng lúc phóng và móc hãm máy bay.
Hải quân Mỹ đã từng nâng cấp tàu sân bay Essex với duy nhất một đường băng thẳng trở thành một tàu sân bay với hai đường băng thẳng và chéo (hạ cánh) trong quá khứ khiến việc nâng cấp lớp Izumo là có thể xảy ra.
Quá trình nâng cấp các tàu sân bay lớp Essex của Hải quân Mỹ.
Lịch sử của các con tàu thuộc lớp Essex trong Hải quân Mỹ cho thấy chúng thực hiện vai trò "người vận chuyển" máy bay cánh cố định nhiều hơn là hoạt động như một tàu sân bay đúng nghĩa.
Hơn nữa, trong thời đại của F-35B STOVL, loại máy bay có khả năng tham chiến ngay từ "cuộc đụng độ đầu tiên", việc các khu trục hạm trực thăng phải trải qua quá trình nâng cấp phức tạp và đối mặt với nhiều rủi ro để đạt được một lợi thế khá nhỏ (hạn chế về lượng máy bay mang theo do kích cỡ) là điều khó có thể chấp nhận.
Ngay cả Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cũng đang "vắt óc" để phân tích về việc họ sẽ đánh mất những lợi thế quân sự gì khi nâng cấp các tàu khu trục hạm trực thăng của họ để trang bị "những chiếc máy bay nặng nề" F-35B.
Nếu Nhật Bản thực sự muốn bổ sung cho lực lượng hải quân của họ các tàu sân bay, phương án tốt nhất là thay vì "xé nát" các khu trục hạm trực thăng đang có, họ nên đóng mới.
Nhưng một lần nữa cần phải nhắc lại, Hiến pháp Nhật Bản ràng buộc lực lượng vũ trang nước này trong việc chế tạo các vũ khí phục vụ mục đích xâm lược như tàu sân bay. Và slide của GA có thể chỉ là một "hình ảnh vui vẻ" và rõ ràng là "không ai đánh thuế ước mơ"?
F-35B có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng trên các Khu trục hạm trực thăng.