Học người Nhật cách 'tắm' tốt hơn cả uống thuốc bổ, giúp hạ huyết áp, chống lại bệnh tật

Lam Chi |

Đây là một kiểu "tắm" đặc biệt, đã được người Nhật áp dụng từ lâu để giải tỏa căng thẳng và phòng ngừa bệnh tật.

"Tắm rừng" trong tiếng Nhật được gọi là "shinrin yoku". Theo National Geographic, đây là phương pháp trị liệu xuất hiện từ năm 1980 tại Nhật Bản, trong đó người tham gia sẽ dành thời gian ở trong một khu rừng, tập trung mọi giác quan để tận hưởng, kết nối với thiên nhiên.

Khi thực hành "tắm rừng", người tham gia không nhất thiết phải đi bộ đường dài hay leo núi. Họ có thể ngồi yên hoặc đi bộ thong dong, hít hà mùi hương, lắng nghe tiếng chim hót hoặc tiếng suối chảy, ngắm nhìn những mảng lá cây xanh mướt,...

Khoa học nói gì về "tắm rừng"

"Tắm rừng" được coi là phương pháp trị liệu gần gũi với thiên nhiên, có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

"Tắm rừng" là một liều "thuốc" giải tỏa căng thẳng. Cleveland Clinic trích dẫn một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy phương pháp trị liệu gần gũi với thiên nhiên này có thể giúp giảm cortisol, một loại hormone gây căng thẳng.

Một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2010 cho thấy những người đi bộ trong rừng 2 lần/ngày (mỗi lần 2 tiếng) có số lượng protein có khả năng tiêu diệt tế bảo ung thư và số lượng tế bào miễn dịch cao hơn. Trong các khu rừng cũng chứa nhiều phytoncides. Đây là những hợp chất kháng khuẩn do thực vật thải ra. Chính vì thế, hít những hợp chất này trong các buổi trị liệu bằng thiên nhiên có thể có lợi cho hệ thống miễn dịch, đồng thời góp phần giải tỏa căng thẳng.

Học người Nhật cách 'tắm' tốt hơn cả uống thuốc bổ, giúp hạ huyết áp, chống lại bệnh tật- Ảnh 1.

Một buổi trị liệu theo phương pháp "tắm rừng" (Ảnh: The Seattle Times)

Một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2011 cho thấy, "tắm rừng" có tác động tích cực đến huyết áp và adiponectin - một loại protein giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.

Theo Susan Albers, một nhà tâm lý học người Mỹ, "tắm rừng" còn có lợi cho não bộ bằng cách tác động tích cực đến lượng oxy trong não.

Thiên nhiên - Liều "thuốc" tốt cho sức khỏe

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về "Không gian xanh và Sức khỏe tinh thần" khẳng định, thời gian dành cho thiên nhiên, kể cả trong đô thị hay ngoại ô, đều có tác dụng cải thiện tâm trạng, khả năng tư duy và sức khỏe tâm thần. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với với không gian xanh như rừng, công viên, vườn hoặc bờ biển đều có tác động tích cực tới sức khỏe tinh thần và thể chất, giúp con người thư giãn và "bỏ lại căng thẳng".

Một nghiên cứu khảo sát hơn 16.000 người ở 18 quốc gia cho thấy, những người sống ở khu vực xanh hoặc gần biển có mức hạnh phúc và trạng thái tích cực cao hơn. Ngoài ra, những người thường xuyên tìm đến những không gian xanh (ven biển hoặc trong đất liền) với mục đích giải trí sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và ít bị căng thẳng hơn.

Học người Nhật cách 'tắm' tốt hơn cả uống thuốc bổ, giúp hạ huyết áp, chống lại bệnh tật- Ảnh 2.

Thiên nhiên luôn là liều "thuốc" tốt cho sức khỏe (Ảnh: NAT GEO IMAGE COLLECTION)

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Occupational & Environmental Medicine cho thấy, những người tìm đến các không gian xanh 5 lần trở lên/tuần có xu hướng sử dụng thuốc điều trị tâm thần, hạ huyết áp và hen suyễn thấp hơn đáng kể so với những người dành ít thời gian hơn cho thiên nhiên.

Marc Berman, nhà thần kinh học môi trường và phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Chicago (Mỹ), cho rằng tiếp xúc với thiên nhiên giúp giảm mệt mỏi về tinh thần và cải thiện khả năng tập trung.

Không chỉ màu sắc và hình ảnh, âm thanh và hương vị của thiên nhiên cũng giúp tạo cảm giác thoải mái. Hasbach, tác giả cuốn "Grounded: A Guided Journal to Help You Reconnect with the Power of Nature - and Yourself", cho biết: "Khi hòa mình vào thiên nhiên, chúng ta thường hoạt động ở một tốc độ khác. Điều này kích thích giác quan, cho phép chúng ta tiếp nhận những gì chúng ta nhìn, nghe, ngửi và cảm nhận".

Một phân tích tổng hợp vào năm 2021 đã xem xét các lợi ích sức khỏe của việc tiếp xúc với âm thanh tự nhiên - tiếng chim và động vật, gió, nước - tại các công viên quốc gia. Kết quả cho thấy các yếu tố này có thể giảm căng thẳng, giảm đau và cải thiện tâm trạng.

Không bao giờ là quá muộn để đưa thiên nhiên vào cuộc sống

Giáo sư Eileen Anderson của Trường Đại học Case Western Reserve (Mỹ) cho biết: "Mặc dù các nghiên cứu khuyến nghị mọi người nên dành ít nhất 2 tiếng/tuần trong các không gian xanh mát hoặc ven biển để cải thiện tâm trạng và chức năng nhận thức, nhưng thực tế, chỉ cần dành vài phút trong các không gian này, chúng ta cũng có thể có được lợi ích. Hãy nhớ nắm bắt từng cơ hội và cố gắng dành thời gian lâu hơn trong những không gian này".

Để đạt được mục tiêu trên, bạn có thể tranh thủ đi bộ trong công viên hoặc khu vườn gần nơi mình làm việc sau khi ăn trưa. Lúc ấy, hãy lắng nghe cảnh vật, âm thanh, mùi hương và những trải nghiệm giác quan khác.

Bạn cũng có thể mang các yếu tố từ không gian xanh vào nhà để có được lợi ích tương tự. Ví dụ, trồng thêm cây xanh trong nhà, cắm hoa, trang trí ngôi nhà với những thứ từ tự nhiên hoặc sử dụng các tinh dầu thiên nhiên.

Nếu nhà của bạn ở gần các khu rừng, công viên hoặc biển, hãy mở cửa sổ thường xuyên để được ngắm, được nghe âm thanh từ thiên nhiên. Sẽ không bao giờ là quá muộn để đưa thiên nhiên vào cuộc sống nhằm cải thiện sức khỏe của chính bạn và gia đình.

(Nguồn: National Geographic, Cleveland Clinic)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại