Hít ối phân su: Mẹ cần làm gì để bảo vệ thai nhi an toàn?

BS Nhàn Lê |

Bé bị hít phân su không nhiều. Chỉ một số ít trường hợp thải phân su trong nước ối; trong 100 ca có nước ối lẫn phân su chỉ có số ít ca hít vào phổi.

Nguyên nhân gây ra tình trạng hít ối phân su ở thai nhi

Các bạn hãy nhìn xuống bụng, có thấy cái rốn của mình không? Đó, nơi ấy là chỗ mà khi còn trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, có cái dây nối với bánh nhau, từ bánh nhau ấy mới trao đổi chất dinh dưỡng từ mẹ.

Chúng ta lấy chất dinh dưỡng từ mẹ và thải ra những chất thải từ trong máu qua bánh nhau và nhờ mẹ thải ra ngoài (gọi là chất thải nhưng không thể phân biệt được bằng mắt thường đâu nhé, các bạn đừng nhầm lẫn).

Dây rốn ấy trung bình dài chừng 60 cm, đặc biệt có cái dài tới hơn 1m. Cũng có cái dây chỉ ngắn chừng 30 cm.

Đặc điểm của dây rốn ngắn là không bị xoắn khi còn trong bụng mẹ, nhưng khi chuyển dạ sinh, đầu em bé bị thúc xuống theo từng cơn gò tử cung của người mẹ thì dây rốn sẽ bị căng và làm giảm sự trao đổi chất giữa mẹ và thai, cho nên nhịp tim thai sẽ bị giảm. Nếu giảm nhiều và bé rơi vào tình trạng nguy hiểm BS sẽ phải mổ để lấy thai ra.

Đặc điểm của dây rốn quá dài là dễ bị xoắn vặn hoặc bị chèn ép. Các bạn hãy tưởng tượng, khi em bé nằm trong bụng mẹ trông như con cá nằm trong một túi nước (như hình phía dưới), cho nên đôi lúc dây rốn bị rớt vào bên cạnh làm cho nó bị kẹp giữa thành tử cung và cơ thể bé, lúc này sự trao đổi chất cũng sẽ bị giảm đi.

Hoặc khi em bé lăn lộn thì dây rốn sẽ bị xoắn, vặn, gây nên giảm quá trình trao đổi chất giữa mẹ và thai.

Hít ối phân su:  Mẹ cần làm gì để bảo vệ thai nhi an toàn? - Ảnh 1.

Một em bé chào đời còn nguyên trong bọc nước ối ở Tây Ban Nha (Ảnh từ internet)

Tất cả những nguyên nhân trên gây nên giảm sự trao đổi chất sẽ dẫn đến việc thiếu oxy. Từ đó tạo nên phản xạ giãn cơ vòng hậu môn và em bé sẽ bài tiết phân su ra ngoài (tức là vào nước ối). Cùng lúc đó em bé cũng sẽ có phản xạ thở dẫn đến việc hít phân su vào phổi.

Đa số những trường hợp này chỉ thoáng qua, khi em bé thay đổi tư thế thì dây rốn hết bị chèn, hết bị căng và bớt vặn xoắn và trở lại bình thường. Một số rất ít trường hợp dây rốn vặn xoắn và không tự giãn ra được thì bé sẽ tử vong (xem bài này).

Mẹ cần làm gì để bảo vệ thai nhi an toàn?

Tùy mức độ dây rốn bị căng, xoắn vặn, chèn ép… mà lượng phân sẽ thải ra nhiều hay ít. Nếu chèn ép thoáng qua thì lượng phân thải ra ít, bị pha loãng trong nước ối thì không nhiều nguy hiểm.

Nhưng nếu chèn ép lâu, em bé thải nhiều phân su thì sự pha loãng sẽ kém, cho nên rất có thể bé sẽ hít vào phổi, gây suy hô hấp khi bé sinh ra.

Lúc còn trong bụng mẹ, em bé an toàn vì không có sự trao đổi không khí, nhưng khi bé được sinh ra ngoài, mọi kết nối với mẹ bị cắt đứt bằng việc cắt dây rốn, bé sẽ tự bú để lấy dinh dưỡng và tự thở.

Phần phân su bị hít vào phổi thì trong nhịp thở đầu tiên, phân su trong phổi tiếp xúc với không khí sẽ gây nên phản xạ phá hủy phổi của bé. Trường hợp nặng phải dùng thuốc hỗ trợ cho phổi có thể hoạt động.

Vấn đề ị phân su trong bụng mẹ hiện tại chưa có biện pháp gì phát hiện và can thiệp trừ khi ối bị vỡ.

Tuy nhiên một điều may mắn là số bé bị hít phân su không nhiều. Chỉ một số ít trường hợp thải phân su trong nước ối; trong 100 ca có nước ối lẫn phân su chỉ có số ít ca hít vào phổi; trong 100 ca bé hít phân su vào phổi chỉ có 3-4 ca nặng (suy hô hấp).

Do vậy các mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ nên tham khảo để biết mà hợp tác với BS cho tốt. Nên đến bệnh viện khám ngay khi cảm thấy thai đạp yếu. Chúc các bạn có thai kỳ khỏe mạnh và cho ra đời những em bé xinh đẹp.

Đau bụng đầy hơi ở trẻ sơ sinh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại