Không chỉ được biết đến nhờ hương thơm đặc trưng dùng để tăng hấp dẫn cho món ăn, hạt mùi già còn sở hữu vô số lợi ích cho sức khỏe con người. Từ việc tăng cường hệ tiêu hóa, giảm đau, hỗ trợ sức khỏe tim mạch cho đến cải thiện hệ hô hấp...
1. Giá trị dinh dưỡng của hạt mùi già
Hạt mùi có màu nâu sậm, nhẹ, có mùi thơm đặc trưng, rất nhỏ, chỉ khoảng 3-4 mm. Theo một nghiên cứu năm 2015 trên Science Direct thì hạt mùi có chứa các hợp chất chính như axit petroselinic (một loại axit béo) và linalool. Loại hạt này cũng giàu quercetin, axit galic, axit caffeic, tannin, sterol và tocopherol.
Theo USDA thì 100g hạt rau mùi có chứa 8,86g nước và 298kcal năng lượng cùng các chất dinh dưỡng khác như:
Thành phần | Giá trị dinh dưỡng trong 100g |
---|---|
Chất xơ | 41,9g |
Canxi | 709mg |
Sắt | 16.3mg |
Ma-giê | 330mg |
Phốt pho | 409mg |
Kali | 1270mg |
Natri | 35mg |
Kẽm | 4,7mg |
Mangan | 1,9mg |
Selen | 26,2mg |
Vitamin C | 21mg |
Vitamin B3 | 2,13mg |
Hạt mùi là nguồn giàu lipid, chiếm 28,4% tổng trọng lượng hạt, có thể có tầm quan trọng lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm.
2. Tác dụng của hạt mùi già đối với sức khỏe
Dưới đây là các tác dụng của hạt rau mùi đối với sức khỏe. Các lợi ích nhận được ở mỗi người khi sử dụng có thể khác nhau.
2.1. Hạt rau mùi tốt cho da, kích sởi ra nhanh
Ngoài mùi thơm đặc trưng khi dùng hạt rau mùi pha nước tắm thì hạt rau mùi còn chứa nhiều axit linolenic (là một axit béo thiết yếu và cần thiết cho sức khỏe, loại axit béo này không thể tổng hợp được trong cơ thể con người). Axit linolenic có đặc tính chống viêm mạnh mẽ hiệu quả trong ngăn ngừa lão hóa da do tác động tiêu cực của tia UV cũng như ban đỏ do tia cực tím này gây ra.
Theo một nghiên cứu năm 2014 trên NCBI thì nhờ tính chất này mà hạt mùi và lá mùi có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị các tình trạng da như chàm, mụn nhọt hay mụn nước.
Bài thuốc trị bệnh về da từ hạt mùi và lá mùi:
- Bài thuốc 1: Rau mùi chữa bệnh sởi ở trẻ em
Rau mùi 40g giã nát, sắc uống (không sắc lâu) cho trẻ uống khi thuốc còn ấm từ 1-2 lần/ngày. Rau mùi có tác dụng thúc sởi nhanh, tăng tuần hoàn ngoại vi cho độc sởi phát ra ngoài, nhờ đó trạng thái nhiễm độc được giảm nhẹ.
- Bài thuốc 2: Hạt rau mùi cho bệnh sởi ở trẻ
Hạt rau mùi ( hoặc cả thân lá) 100 - 150g sắc nước sôi độ 5 phút, giã nát để sắc (không sắc lâu) đem xoa ấn vào tay chân và thân mình trẻ (theo thứ tự lưng trước bụng sau, trên trước dưới sau) không để trẻ bị lạnh. Dân gian còn dùng quả mùi để chữa sởi: giã nhỏ quả, ngâm với rượu và xoa khắp cơ thể, sởi sẽ mọc đều.
Để uống, lấy hạt mùi 12g sắc nuớc uống ấm trong ngày 1 - 2 lần.
- Bài thuốc 3: Viêm, mụn
Dùng nước cốt của rau mùi giã nát rồi đắp trực tiếp lên nốt viêm, mụn.
- Bài thuốc 4: Trị da mặt có những nốt đen
Quả mùi sắc nước rửa luôn, nốt đen sẽ mất dần.
2.2. Giảm lượng đường trong máu
Hạt rau mùi và tinh dầu hạt mùi đã được chứng minh là làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Theo WebMD, các thử nghiệm hiện tại cho thấy thành phần trong hạt mùi giúp kích hoạt các enzyme hỗ trợ cơ thể xử lý lượng đường trong máu một cách hiệu quả, chẳng hạn như insulin. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy loại gia vị này cải thiện quá trình chuyển hóa carbohydrate và tăng tác dụng hạ đường huyết ở chuột.
Tuy nhiên chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa.
2.3. Giảm cholesterol
Hạt rau mùi có đặc tính giúp giảm cholesterol nhờ giàu các thành phần dinh dưỡng như đồng, kẽm, sắt và các khoáng chất thiết yếu khác giúp tăng hồng cầu và cải thiện sức khỏe tim mạch. Theo một nghiên cứu, hạt rau mùi có thể giúp giảm lượng cholesterol “xấu” và tăng lượng cholesterol “tốt” trong cơ thể. Cholesterol tăng cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính chẳng hạn như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp hay các bệnh tim mạch khác.
Ngoài ra, hạt rau mùi cũng giúp tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể, theo Times of India.
2.4. Cải thiện tóc
Hạt rau mùi rất giàu vitamin K, vitamin B và vitamin C cùng với các chất chống oxy hóa như flavonoid có lợi cho sức khỏe của tóc bằng cách thúc đẩy quá trình mọc tóc và làm chậm quá trình tóc bạc sớm do stress oxy hóa, từ đó tóc sẽ chắc khỏe và dài hơn.
2.5. Điều trị cảm lạnh và cúm
Theo Boldsky, nước hãm hoặc trà hạt mùi có thể là một thức uống tuyệt vời giúp chống lại các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm nhờ đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau và kháng khuẩn. Nhờ đó mà hạt mùi già có thể giúp giảm viêm ở đường hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ điều trị khi mắc cảm lạnh hay cảm cúm.
Bài thuốc trị cúm từ hạt mùi:
Chuẩn bị hạt mùi sắc lấy nước uống 2 lần một ngày, sẽ giúp giảm các triệu chứng nhức đầu và sổ mũi.
2.6. Cải thiện các vấn đề tiêu hóa
Hạt mùi già có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa cũng như có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên. Hạt mùi giúp giảm buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày, đầy hơi chướng bụng bằng cách hỗ trợ quá trình phân rã thức ăn và giảm bớt sự hiện diện của vi khuẩn gây hại trong ruột.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học và Bệnh tiêu hóa thực hiện trên nhóm người mắc IBS, đã đánh giá tác động của việc dùng chế phẩm có chứa rau mùi so với dùng giả dược. Sau 8 tuần, những người dùng chế phẩm rau mùi đã giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng cũng như tần suất đau bụng và khó chịu đồng thời có ít mức độ nghiêm trọng và tần suất đầy hơi hơn so với nhóm dùng giả dược.
Ngoài ra, hạt mùi cũng góp phần vào các hoạt động chống oxy hóa, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do và giảm viêm.
Bài thuốc với hạt mùi:
+ Bài 1: Chữa đầy hơi chướng bụng
Hạt mùi 100g sao vàng, tán bột mịn, bảo quản dùng dần. Mỗi ngày 6 - 8g với 10ml rượu để chiêu thuốc. Uống trước bữa ăn.
+ Bài 2: Trị tiêu chảy, đi ngoài ra máu
Chuẩn bị 7g hạt mùi sao thơm, tán nhỏ, pha với nước sôi uống 2 lần trong ngày.
+ Bài 3: Trị giun kim
Lấy hạt mùi tán mịn trộn với bột trứng gà luộc chín và dầu mè liên tục 3 ngày, mỗi ngày một lần trước lúc ngủ.
Bên cạnh các tác dụng của hạt mùi với sức khỏe kể trên thì hạt mùi cũng được ứng dụng hỗ trợ trong bệnh trĩ, viêm kết mạc, hỗ trợ cân bằng nội tiết tố do kinh nguyệt không đều hay giảm nhẹ các triệu chứng tiền kinh nguyệt, giảm sưng nề (do thừa cân, ăn mặn, mang thai, dùng thuốc) như một loại thuốc lợi tiểu..., theo Boldsky.
Ngoài ra, tinh dầu hạt mùi với tên thương phẩm là Coriander oil, là chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm. Thành phần chính của tinh dầu mùi là linalol 63,1 - 75,5%. Tinh dầu hạt mùi được dùng làm chất thơm trong kỹ nghệ thực phẩm, các sản phẩm thuốc, kỹ nghệ hương liệu.
3. Rủi ro và tác dụng phụ
Nếu bạn có tiền sử dị ứng với hoa hồi, thì là, ngải cứu hay các loại cây tương tự thì bạn có thể bị dị ứng với rau mùi và hạt mùi.
Do khả năng giúp giảm lượng đường trong máu một cách tự nhiên nên bạn cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và dùng loại gia vị này.
Ngoài ra, hạt mùi có thể làm giảm huyết áp nên nếu bạn bị huyết áp thấp hay đang dùng thuốc để hạ huyết áp cũng nên cẩn thận khi ăn.
Bạn có thể uống nước hạt mùi hàng ngày, tuy nhiên để tránh tiêu thụ quá mức thì bạn chỉ nên uống một phần tư tới một nửa thìa cà phê bột hạt mùi.
Nhìn chung, hạt rau mùi có nhiều công dụng đối với sức khỏe, nếu đang có các vấn đề mãn tính bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Nguồn: Tổng hợp