Hà Nội đang trong nhưng ngày ô nhiễm không khí ngưỡng xấu.
Đây vẫn là những ngày cả Thủ đô chìm trong ô nhiễm không khí. Đỉnh điểm, ngày 20/1 Thủ đô lại ô nhiễm hơn với chỉ số AQI là 206, nằm ở ngưỡng màu tím (rất xấu).Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, chất lượng không khí của Thủ đô đo lúc 9h ngày 22/1 ở ngưỡng xấu với chỉ số AQI là 185.
Trong số 35 điểm đặt máy đo AQI, 25 điểm cho kết quả nằm ở biên độ đỏ và 1 điểm ở phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng) cho kết quả biên độ màu cam (kém). Đáng báo động là có 9 điểm kết quả nằm ở ngưỡng màu tím (rất xấu) như: Chúc Sơn (Chương Mỹ), Sài Sơn (Quốc Oai), Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Văn Quán (Hà Đông), Tứ Hiệp (Thanh Trì)... chất lượng không khí nằm ở ngưỡng màu đỏ với chỉ số AQI từ 151-199;
Tương tự tại khu vực Xuân Mai (Chương Mỹ), Trung Hoà (Cầu Giấy), Minh Khai (Bắc Từ Liêm), đường Phạm Văn Đồng, Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm), Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hàng Đậu (Hoàn Kiếm), Thành Công, chất lượng không khí nằm ở ngưỡng màu tím với chỉ số AQI từ 201-235.
Với mức chỉ số ô nhiễm cao như trên, mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn, theo ghi nhận tại các bệnh viện tỷ lệ trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tăng lên.
Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ô nhiễm không khí trước hết ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp và các bệnh phổi.
“Những hạt bụi mịn đi vào máu ảnh hưởng não, cơ quan nội tạng khác. Trong đó hạt bụi mịn rất nhỏ PM 2.5 mang theo vi trùng, vi khuẩn bám vào. Cho nên bụi mịn chính là vật chuyên chở chất độc đưa vào cơ thể.
Không khí Hà Nội liên tục được cảnh báo ở mức xấu, rất xấu |
Điều này sẽ ảnh hưởng cơ quan hô hấp, tim mạch, gan thận, não…và những đối tượng người có bệnh lý nền, người già, trẻ nhỏ đặc biệt trẻ bị hen chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nói.
Với những đợt không khí bị ô nhiễm nặng như thời điểm này, theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, người bị phổi tắc nghẽn (COPD), bệnh nhân bị hen đêm sẽ xuất hiện các cơn co rút, khó thở thậm chí kết hợp với không khí lạnh cũng khiến gia tăng người bị đột quỵ.
“Những người có bệnh lý nền như phổi tắc nghẽn, tim mạch, huyết áp cần phải lưu ý”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Để phòng bệnh, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân nếu không có việc cần thiết thì tốt nhất không đi ra khỏi nhà.
“Trong trường hợp người dân cần phải đi ra ngoài thì phải đeo khẩu trang chống bụi mịn. Khẩu trang thông thường không có tác dụng.
Đặc biệt người dân không nên tập thể dục ngoài trời với cường độ nặng. Vì việc tập nặng sẽ khiến chúng ta phải hít nhiều, hít mạnh. Thậm chí người đi bộ nhanh cũng phải hít mạnh sẽ hít phải lượng lớn bụi mịn vào cơ thể.
Đặc biệt, trẻ em không nên cho ra ngoài trời chơi, nếu phải ra đường tốt nhất cho ngồi trong ô tô”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cảnh báo.
Đối với những người mắc các bệnh lý nền, vị chuyên gia về môi trường lưu ý “cần phải cảnh giác”, “nếu có triệu chứng khó thở, tức ngực …phải đi bệnh viện ngay”.
Ông Nga cho rằng đây là những giải pháp tức thời, còn về lâu về dài vẫn cần phải có những giải pháp căn cơ như là không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, sử dụng năng lượng điện tái tạo; quy hoạch tổng thể đô thị; xử phạt nghiêm minh những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường và trồng nhiều cây xanh (có tác dụng chống bụi rất hiệu quả).
Theo thống kê của WHO, trên thế giới, ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người chết mỗi năm, gấp nhiều lần tai nạn giao thông và gấp 5 lần chiến tranh. Tình trạng ô nhiễm gây tử vong gấp nhiều lần so với các nguyên nhân khác như béo phì (4,0 triệu), rượu (2,3 triệu) và tai nạn giao thông (1,4 triệu).
Đáng lưu ý, bụi mịn (PM 2.5) kết hợp với khí CO hay SO2, NO2 có trong không khí sẽ gây kích ứng niêm mạc đồng thời cản trở hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxi dẫn đến suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim. Tổ chức WHO cũng chỉ ra rằng, cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micron, với bụi có kích thước từ 0,01 đến 5 micron sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang.
Do đó, bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) rất dễ xâm nhập sâu vào phổi gây nên tình trạng khó thở, đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Hơn thế, ngay cả đối với người khoẻ mạnh bình thường, việc tiếp xúc với 6 chất chính gây ô nhiễm không khí dù trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe ngắn hạn tại mắt, mũi, họng, phổi.
Nếu tiếp xúc lâu dài với các chất trên sẽ gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi; tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi, thúc đẩy bệnh xơ gan; tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng, tiểu đường.