Những hiểu lầm về giấc ngủ (P1)

Làm thế nào để tăng chất lượng giấc ngủ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của con người.

Tuy nhiên, một số hiểu lầm lại cản trở chúng ta đến gần hơn với quan điểm thống nhất về hoạt động tự nhiên này.

Ai cũng cần 8 giờ cho mỗi đêm

Theo tiến sĩ Michael Decker, hiện là giảng viên Đại học bang Georgia, đồng thời là phát ngôn viên của tổ chức American Academy of Sleep Medicine: “Một số người ngủ nhiều, số khác lại ngủ ít hơn, nhu cầu ngủ của mỗi người phụ thuộc vào các gen xác định. Nhiều người cho rằng một giấc ngủ đạt chất lượng là khi chúng ta chìm vào nó một cách gần như ngay lập tức khi đầu chạm gối.

Trên thực tế, giấc ngủ đến sau 15 phút đặt mình xuống giường và cảm giác sảng khoái, tràn đầy năng lượng sau khi thức dậy mới thực sự là giấc ngủ đạt tiêu chuẩn. Nhiều người nói rằng họ ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm mà vẫn thấy cơ thể hoạt động một cách bình thường, hiệu quả. Trên thực tế, tình trạng thiếu ngủ kéo dài có thể gây nên một số vấn đề sức khỏe về lâu dài như tăng nguy cơ đột quỵ, tiểu đường, loãng xương, đau tim và một số tác dụng phụ đáng lo ngại khác.

Càng ngủ nhiều càng tốt

Những người ngủ quá nhiều cũng có thể phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe”, đó là lời khẳng định của Tiến sĩ Michael A. Grandner, hiện là giảng viên tâm thần học tại Đại học Pennsylvania. Béo phì, tiểu đường, đau đầu, đau lưng, trầm cảm hoặc nguy hiểm hơn cả là chứng ngưng thở trong khi đang ngủ.

Hiểu lầm về giấc ngủ (P1) 1
Những người ngủ quá nhiều cũng có thể phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe

Ngủ nướng vào cuối tuần sẽ bù đắp lại thời gian thiếu ngủ

Rất nhiều người coi cuối tuần là thời điểm lý tưởng để bù đắp lại sự thiếu thốn thời gian ngủ vào các ngày bận rộn trong tuần. Một vài giờ ngủ nướng có thể giúp các triệu chứng thiếu ngủ tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, về lâu dài, việc thiếu kiểm soát thời gian ngủ vào những ngày nghỉ sẽ phá vỡ nhịp sinh học, gây rối loạn nội tiết. Thói quen này cũng gây đảo lộn lịch trình sinh hoạt, khiến chúng ta trở nên khó khăn khi phải thiết lập lại kỷ luật cá nhân vào tuần mới.

Nếu không ngủ được, hãy nằm trên giường và nghỉ ngơi

Việc nằm lì trên giường, nhìn chăm chăm vào đồng hồ và hi vọng giấc ngủ sẽ đến là một trong những điều tồi tệ nhất mà bạn có thể làm. “Nằm trên giường và suy đi nghĩ lại về lý do tại sao mình không ngủ được có thể làm tăng sự lo lắng và càng khó khăn hơn để đi vào giấc ngủ”, tiến sĩ Michael Decker nói. Việc lặp đi lặp lại thói quen chong mắt trên giường cũng khiến bộ não mất dần khả năng hoạt động tích cực khi chúng ta đang thức.

Cách tốt nhất để tìm lại cảm giác với giấc ngủ trong trường hợp này là hãy ra khỏi giường và làm một việc gì đó để cảm thấy thư giãn ở một nơi có ánh sáng dịu nhẹ, tương đồng với bóng đêm. Sự thay đổi môi trường có thể dứt bạn ra khỏi cảm giác căng thẳng trên giường. Nửa giờ sau đó, quay lại giường, giấc ngủ tự nhiên sẽ dễ dàng đến hơn.

Hiểu lầm về giấc ngủ (P1) 2
Nằm trên giường và suy đi nghĩ lại về lý do tại sao mình không ngủ được có thể làm tăng sự lo lắng, và càng khó khăn hơn để đi vào giấc ngủ

Xem truyền hình là cách tốt để thư giãn trước khi đi ngủ

Sự phân tâm và thư giãn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khi thư giãn, hơi thở và nhịp tim chậm lại, các cơ bắp được thả lỏng, chúng ta cũng bình tĩnh hơn. Tất cả những điều này không xảy ra khi chúng ta xem truyền hình.

Việc lạm dụng truyền hình để lôi kéo giấc ngủ có thể gây phản tác dụng do ánh sáng mạnh truyền đến bộ não, khiến con người trở nên tỉnh táo, hồi hộp, gia tăng cảm giác cảnh giác, và những điều này không giúp thúc đẩy một giấc ngủ ngon. Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm chúng ta nên ngừng xem truyền hình và sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.

Ngáy gây khó chịu, nhưng vô hại

Tiếng ngáy không chỉ gây phiền nhiễu cho những người xung quanh mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe của chính khổ chủ. Những rung động mạnh khi ngáy gây tổn thương và làm sưng các mô mềm, từ đó, thu hẹp đường hô hấp, khiến oxy dẫn vào phổi và lên não bị hạn chế. Khi không được cung cấp đủ oxy, não sẽ “đánh thức” người đang ngủ ngáy thức dậy.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết những người ngáy ngủ hoặc được phát hiện ngưng thở khi ngủ, thường lập tức chìm vào giấc ngủ ngay khi đặt lưng xuống giường. Và hiện tượng ngáy ngủ kéo dài có thể gây tổn thương cho trái tim, tăng nguy cơ bệnh tim.

Hiểu lầm về giấc ngủ (P1) 3
Những rung động mạnh khi ngáy gây tổn thương và làm sưng các mô mềm, từ đó, thu hẹp đường hô hấp, khiến oxy dẫn vào phổi và lên não bị hạn chế

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại