Giải mã chuyện MiG-29 xuất hiện ở Libya: Vì sao Nga quan tâm tới khu vực này?

Anh Minh |

Cuối tuần qua, có tiết lộ rằng quân đội Nga đã triển khai máy bay chiến đấu tới sân bay Al Jufra ở Libya. Quốc gia này hiện đang bị lôi kéo vào một cuộc nội chiến, chứng kiến các lực lượng được LHQ hậu thuẫn lẫn lính đánh thuê Nga trong một cuộc cạnh tranh bí mật như thời Chiến tranh Lạnh.

Hình ảnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội là các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư được triển khai đến Libya.

Tạp chí Sandboxx của Mỹ tường thuật rằng các báo cáo từ AFRICOM (Bộ Tư lệnh Châu Phi) của Mỹ nói các máy bay phản lực Nga hạ cánh ở Syria để sơn lại màu nhằm giấu tung tích. AFRICOM hiện đang theo dõi tới 14 máy bay quân sự của Nga ở Libya.

Các máy bay phản lực được phái tới Libya dường như là MiG-29 và Su-24. MiG-29 được Liên Xô phát triển thành một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không nhằm chống lại các máy bay chiến đấu F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon của Mỹ. Sukhoi Su-24 là máy bay tấn công mặt đất được đưa vào sử dụng từ những năm 1970.

Cả hai máy bay phản lực này đều phục vụ trong quân đội các quốc gia khác ngoài Nga, điều này có thể đã khiến chúng được sơn lại trước khi triển khai tới Libya.

Theo chuyên gia Mỹ Alex Hollings viết trên Sandboxx, những chiếc máy bay này chắc chắn tới hỗ trợ trên không cho những người lính đánh thuê thuộc nhóm Wagner Group, một công ty quân sự tư nhân do một cựu sĩ quan tình báo Nga điều hành.

Nga ngày càng phụ thuộc vào lực lượng lính đánh thuê trong các hoạt động chiến đấu ở những nơi như Libya, Mozambique và Syria. Bằng cách sử dụng các nhà thầu bên thứ ba, Nga có thể tự bảo vệ trước các chỉ trích quốc tế liên quan đến các hoạt động tác chiến ở nước ngoài.

Nga thậm chí chưa xác nhận sự hiện diện của lính đánh thuê từ công ty Wagner ở Libya, nhưng đầu tháng này, một báo cáo do LHQ chuẩn bị nêu rõ làm thế nào đã có hàng trăm lính đánh thuê Nga hoạt động tại Libya bị rò rỉ ra báo chí.

Nga lần đầu tiên triển khai lính đánh thuê đến Libya vào tháng 9/2019. Lính đánh thuê Nga đã được phái đến để hỗ trợ tướng Haftar, chỉ huy Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA), trong sự phản đối của Chính phủ Hòa giải dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, đứng đầu bởi Thủ tướng Fayez al-Sarraj.

Giống như Syria, sự tham gia của Nga vào Libya không phải là dựa trên nền tảng chung về lý tưởng với chính phủ Haftar, mà dựa trên giá trị chiến lược của một chính phủ thân thiện với Nga ở Bắc Phi, ngay phía nam châu Âu.

“Nếu Nga có căn cứ trên bờ biển Libya, bước hợp lý tiếp theo là họ triển khai các năng lực chống tiếp cận khu vực dài hạn”, tướng Keith Harrigian, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu - châu Phi nói.

Michael Kofman, giám đốc chương trình Nga thuộc Trung tâm Phân tích hải quân (Mỹ) nói, không chỉ có thể thay đổi sự cân bằng quân sự ở Libya, mà đây còn là bước đầu tiên trong sự leo thang để Nga triển khai quân lực lâu dài ở nước này.

Mối quan hệ lịch sử Nga với cựu lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi, cho thấy rõ giá trị mà Moscow nhìn thấy ở Libya.

“Cuộc đấu tranh được ăn cả, ngã về không với phương Tây về địa chiến lược và việc tiếp cận các nguồn năng lượng và cảng tiếp tục định hướng suy nghĩ của điện Kremlin”, học giả Anna Borshchevskaya của Viện Washington đã viết trong bài phân tích về sự can thiệp của Nga vào Libya.

Ông Putin bắt đầu hồi sinh mối quan hệ với Libya sau khi trở thành tổng thống Nga từ năm 2000 và quan hệ được cải thiện đáng kể sau khi ông gặp Gaddafi tại Tripoli vào năm 2008.

Ngay sau đó, Moscow đã xóa nợ gần 5 tỷ đô la cho Libya để đổi lấy hợp đồng dầu khí, vũ khí, và đường sắt. Gaddafi cũng cho hạm đội Nga tiếp cận cảng Benghazi.

Vào năm 2011, NATO làm gián đoạn những thỏa thuận của Nga với Libya khi Gaddafi bị giết, và khi cuộc đấu tranh quyền lực ở Libya xảy ra, Nga bắt đầu thực hiện các bước để cố gắng đảm bảo cả lợi ích chiến lược và kinh tế của quan hệ đối tác Libya.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại