Mất mặt vì tàu dầu Iran, Mỹ tính châm ngòi thùng thuốc súng "sát nách" Venezuela?

DK |

Việc Mỹ dự kiến cơ động một số lượng chưa xác định đặc nhiệm tới Colombia, quốc gia láng giềng của Venezuela cùng thời điểm tàu dầu Iran cuối cùng cập bến đặt ra rất nhiều câu hỏi.

Lính Mỹ sẽ "ngay trước cửa" Venezuela cùng thời điểm tàu dầu Iran cuối cùng cập cảng?

Sáng 28/5, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Colombia cho biết một nhóm lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ được triển khai tới quốc gia Nam Mỹ này trong một chiến dịch tiễu trừ "các băng đảng ma túy" kéo dài 4 tháng.

Cũng theo nguồn tin nói trên, Lữ đoàn Hỗ trợ lực lượng an ninh (SFAB) sẽ tới Colombia vào đầu tháng 6/2020 - tuy nhiên vẫn chưa rõ quân số của đơn vị này là bao nhiêu.

Cùng ngày, Tư lệnh Bộ chỉ huy miền nam của Mỹ (SOUTHCOM), Đô đốc Craig Faller đưa ra bình luận:

"Sứ mệnh của SFAB tại Colombia nhằm thể hiện cam kết của Mỹ trong các hoạt động chống ma túy, đồng thời duy trì hòa bình trong khu vực".

Mất mặt vì tàu dầu Iran, Mỹ tính châm ngòi thùng thuốc súng sát nách Venezuela? - Ảnh 1.

Một người lính Colombia giám sát việc phá bỏ một đồn điền trồng cây coca.

Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trùng với thời điểm 3 tàu chở dầu Iran đã cập cảng Venezuela, hiện vẫn còn 2 tàu dầu Iran khác đang trên hành trình hướng tới quốc gia Nam Mỹ này, một động thái được Hãng thông tấn Tasnim của Iran bình luận rằng:

"Đây là cú tát vào mặt chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, là bằng chứng cho thấy chính sách bao vây Venezuela của Mỹ đang sụp đổ".

Dự kiến thời điểm tàu chở dầu cuối cùng Clavel tới Venezuela vào ngày 2/6 và động thái bố trí lực lượng SFAB nói trên nhiều khả năng là tín hiệu cho một hành động nhằm trả đũa Caracas và Tehran của Washington.

Mất mặt vì tàu dầu Iran, Mỹ tính châm ngòi thùng thuốc súng sát nách Venezuela? - Ảnh 2.

Cuộc khủng hoảng tàu dầu Iran được cho là một động thái "nắn gân" Mỹ của Tehran và Caracas.

"Chống ma túy" là cái cớ châm lửa "thùng thuốc súng" Colombia?

Colombia phải đối mặt với áp lực liên tục của Mỹ trong việc giảm diện tích đất nông nghiệp đang bị kiểm soát do các băng đảng ma túy cũng như các nhóm bán vũ trang chống chính phủ.

Theo bài viết được đăng tải trên tờ The New Humanitarian vào đầu tháng 5/2020, khu vực biên giới Venezuela - Colombia đang nổ ra một "cuộc chiến" giữa các băng đảng vũ trang nhằm tranh giành nguồn lợi thu được trong việc vận chuyển hàng lậu, buôn người và buôn bán ma túy.

Song song với cuộc xung đột nói trên là các cuộc đụng độ diễn ra hằng ngày giữa lực lượng an ninh hai quốc gia Nam Mỹ.

Theo thống kê của cảnh sát Colombia, trong 3 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 2.795 vụ giết người trên khắp lãnh thổ nước này - tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý hơn là 4/5 "nạn nhân" nói trên có liên hệ với các băng đảng ma túy hoặc các nhóm vũ trang.

Mất mặt vì tàu dầu Iran, Mỹ tính châm ngòi thùng thuốc súng sát nách Venezuela? - Ảnh 3.

Khu vực lãnh thổ Colombia hiện bị kiểm soát bởi các nhóm bán vũ trang.

Các nhóm bán vũ trang cánh tả tồn tại sau nội chiến Colombia như Quân đội giải phóng Quốc gia (ELN) và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đang cố gắng mở rộng vùng kiểm soát dọc theo biên giới Venezuela - Colombia nơi dân cư đa phần là các nhóm thổ dân.

Đối thủ của họ trong nội chiến, các nhóm bán vũ trang cánh hữu Colombia nay đã chuyển sang buôn bán ma túy để "nuôi" hoạt động quân sự cũng đang khởi động lại các hoạt động quân sự nhằm đối đầu với những kẻ thù cũ.

Theo một báo cáo vào năm 2018, các nhóm vũ trang đã hoạt động tại 22 trong số 32 quận của Colombia trong đó ELN là "nổi bật nhất" và vị trí thứ hai được cho là của Paracos, một nhóm bán vũ trang cánh hữu.

Vào năm 2019, tờ Insight Crime nhận xét về mối quan hệ giữa Venezuela và các nhóm cánh tả Colombia như sau: "Cố Tổng thống Hugo Chávez đã bật đèn xanh cho các nhóm cánh tả Colombia vào lãnh thổ Venezuela với phần thưởng là chuyến "dưỡng lão" ở nước này.

Nhưng ông Maduro thì khác, ông ta tạo cho họ một "công việc". Đó là tái tổ chức các nhóm bán vũ trang này dưới hình thức các công ty khai thác tài nguyên, sau đó vận chuyển và bàn giao cho chính phủ Venezuela".

Có thể thấy rằng các nhóm cánh tả nhiều khả năng không dính líu tới ma túy như Mỹ cáo buộc (trớ trêu thay lại là các nhóm cánh hữu do CIA từng huấn luyện) nhưng việc họ mở rộng vùng kiểm soát là có thật và đây là lý do chính cho việc Mỹ quyết triển khai đặc nhiệm ở Colombia.

Nhóm vũ trang ELN hiện vẫn tiếp tục hoạt động quân sự chống lại chính phủ Colombia.

"Nhân vật số 1" ở Venezuela là mục tiêu?

Tháng 3/2020, tờ The Newyork Times đưa tin các công tố viên Liên bang Mỹ đã truy tố Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro với cáo buộc tiến hành "khủng bố ma túy" trong nhiều thập kỷ kể từ sau khi ông lên nắm quyền.

Bản cáo trạng cáo buộc ông Maduro là chủ mưu buôn lậu "hàng trăm tấn cocaine" vào nước Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố trao thưởng 15 triệu USD cho những người cung cấp thông tin giúp bắt giữ ông Maduro với cáo buộc ông là "chủ mưu" khiến nền kinh tế Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn và khiến hàng triệu người phải đi tị nạn.

Phản ứng lại, Tổng thống Venezuela đã lên án các cáo buộc nói trên và cáo buộc ngược lại rằng Mỹ và Colombia đang cố gắng sử dụng bạo lực để bắt cóc hoặc ám sát ông và tuyên bố rằng ông sẽ "không bị đánh bại".

Theo Chỉ huy trưởng của Quân đội Colombia, Tướng Luis Fernando Navarro Jiménez, đơn vị SFAB của Mỹ sẽ phụ trách công tác huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm Colombia - đơn vị chuyên trách trong việc truy lùng các băng đảng ma túy.

Thông tin nói trên làm dấy lên nghi ngờ rằng không như những "nỗ lực vụng về" trước đây, ngoài việc tái kích hoạt nội chiến ở Colombia, có thể Washington đang quyết "ra tay" nhằm vào "nhân vật số 1" ở Venezuela.

Lính đặc nhiệm Mỹ trong một đơn vị SFAB tiến hành huấn luyện bắn đạn thật vào tháng 2/2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại