QĐ Nga dưới thời Tướng Shoigu: Cơ động, hiện đại, hiệu quả nhưng có một điều đi sai hướng

Vy Lam |

Cuộc thảo luận mới đây về hình ảnh của lực lượng vũ trang Nga được gói gọn trong 3 cụm từ: Cơ động, hiện đại và hiệu quả.

Cơ động, hiện đại, hiệu quả

Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (JF), ngày 21/5 vừa qua là ngày sinh nhật của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Song, đây cũng là dịp bất ngờ mở ra một diễn đàn công khai để thảo luận về phương hướng hiện tại của lực lượng vũ trang Nga.

Sau khi được bổ nhiệm vào tháng 11/2012, ông Shoigu đã thiết lập sự ổn định và nâng cao vị thế của quân đội Nga, đồng thời xây dựng "quyền lực cứng" (có được dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế) thông qua nhiều đợt hiện đại hóa liên tiếp.

Cuộc thảo luận mới đây về hình ảnh của lực lượng vũ trang Nga được gói gọn trong 3 cụm từ: Cơ động, hiện đại và hiệu quả.

Thành tựu chính, dưới sự lãnh đạo của ông Shoigu, là tới cuối năm nay, quân đội Nga sẽ có gần 70% vũ khí-thiết bị mới hoặc hiện đại trong trang bị. Hiện nay con số này đang ở mức 68,2% và Bộ Quốc phòng Nga tự tin rằng mục tiêu của họ đã nằm trong tầm tay.

Theo JF, nhiều hệ thống được hứa hẹn vẫn chưa có mặt hoặc chưa được trang bị rộng rãi, tiêu biểu như xe tăng T-14 Armata, tiêm kích tàng hình thế hệ năm Su-57, bên cạnh đó là các đợt trì hoãn trong chương trình đóng mới tàu ngầm.

Tuy nhiên, thành tựu thực sự kể khi ông Shoigu được bổ nhiệm là mức độ số hóa cấu trúc lực lượng mà quân đội Nga đã đạt được thông qua việc mua sắm radar, thiết bị liên lạc hiện đại, các loại robot, máy bay không người lái (UAV) và phương tiện tấn công có độ chính xác cao.

QĐ Nga dưới thời Tướng Shoigu: Cơ động, hiện đại, hiệu quả nhưng có một điều đi sai hướng - Ảnh 2.

Dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, Quân đội Nga được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. (Ảnh minh họa. Nguồn: RT)

Ông Shoigu cho rằng Nga cần "phát triển và tiến hành những phương thức triển khai quân đội mới hơn, hiệu quả hơn trong các chương trình huấn luyện chiến đấu", đồng thời "tiếp tục nỗ lực tăng cường an ninh xã hội và duy trì chế độ sống ở mức khá đối với quân nhân".

Trước khi đại dịch COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực đối với Nga và quân đội nước này, ông Shoigu từng tuyên bố rằng, chương trình huấn luyện tác chiến năm nay sẽ tập trung vào việc tổ chức các hoạt động chung giữa các lực lượng lục quân, không quân vũ trụ, hải quân và vận tải đường không tại nhiều khu vực khác nhau, trong đó có Bắc Cực.

Trọng tâm của chương trình là nhằm nâng cao chất lượng của các đơn vị huấn luyện có lính hợp đồng, đào tạo họ phương thức đối phó với tên lửa hành trình, máy bay không người lái, cũng như các nhóm đổ bộ đường không, đường biển, trinh sát, phá hoại; phòng thủ trước các loại vũ khí chính xác; làm chủ thiết bị tác chiến điện tử; tổ chức đợt huấn luyện chung các đơn vị UAV và các kíp vận hành không quân lục quân, không quân chiến thuật-chiến lược.

Thế nhưng hiện tại, cả ông Shoigu và Bộ Quốc phòng Nga phần lớn đều đang giữ im lặng về mức độ tiến triển của kế hoạch này trong thời gian diễn ra đại dịch, làm dấy nên nhiều nghi ngờ rằng 2020 sẽ là một năm thiệt hại đối với quân đội Nga.

Nói về những kết quả thực tế mà Nga đã đạt được dưới nhiệm kỳ của ông Shoigu, các bình luận nhấn mạnh tới việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 và chiến dịch quân sự của Nga tại Syria trong năm 2015, đồng thời đánh giá cao việc quân đội đã hỗ trợ, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Nga. Bất chấp cuộc khủng hoảng trong nước, Nga vẫn gửi trang thiết bị hỗ trợ Italia và Serbia trong đại dịch.

Song, JF cho rằng, số liệu về sự lây lan của COVID-19 trong lực lượng vũ trang Nga vẫn chưa thực sự đáng tin cậy. Nga vẫn nỗ lực duy trì sự hiện diện như thường lệ bằng cách tổ chức các cuộc tập trận cấp chiến thuật với quy mô nhỏ hơn thông thường nhưng điều đó không cho thấy chúng được thực hiện ở mức độ an toàn như thế nào trong bối cảnh có nhiều hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Sai lầm mang tính lịch sử

Theo JF, mặc dù Tổng thống Putin ủng hộ đường hướng của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, thậm chí gần đây còn tuyên bố một cách chưa sát thực tế rằng Nga đang là quốc gia đứng đầu toàn cầu về lực lượng không quân chiến đấu, nhưng vẫn có những câu hỏi quan trọng chưa có lời giải về chương trình hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của Nga.

Trong một bài phân tích chi tiết về những thách thức mà hạm đội tàu ngầm/tàu mặt nước của Nga phải đối mặt trong quá trình hiện đại hóa, thuyền trưởng cấp 1 (tàu ngầm) Vadim Kulinchenko đã nhấn mạnh những sai lầm mang tính lịch sử của Nga trong chính sách hàng hải.

"Theo học thuyết phòng thủ, chúng ta cần duy trì vị thế thống trị tại các vùng biển gần, như biển Barents – Kara, Okhotsk, Japanese và Bering. Đầu tiên, việc đảm bảo khả năng ổn định chiến đấu của các SSBN (tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo) là vô cùng cần thiết. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần cứu chúng khỏi nguy cơ bị phá hủy.

Thứ hai, Biển Đen và Biển Baltic bắt buộc phải có lực lượng tàu ngầm. Như khi trả lời câu hỏi của nhà lãnh đạo Joseph Stalin về việc liệu chúng ta có cần tàu ngầm ở Biển Đen hay không, Ủy viên Nhân dân Liên Xô Nikolai Kuznetsov đã nói rằng: Nếu chúng ta có 15-20 tàu ngầm ở Biển Đen, chúng ta sẽ giành được vị thế thống trị trên biển".

QĐ Nga dưới thời Tướng Shoigu: Cơ động, hiện đại, hiệu quả nhưng có một điều đi sai hướng - Ảnh 4.

Chương trình hiện đại hóa tàu ngầm của Nga đang đi sai hướng? (Ảnh minh họa. Nguồn: Al Masdar News)

Ông Kulinchenko cho rằng trọng tâm trong chương trình của Bộ Quốc phòng Nga nhằm hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm nên bao bao quát cả các tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tàu ngầm diesel-điện, cũng như các mẫu tàu ngầm nhỏ hơn dùng để bảo vệ đường ống ngầm, giàn khoan và các cơ sở xa bờ khác.

"Thật không may, chương trình đóng tàu hiện nay không phản ảnh hết nhu cầu của lực lượng tàu ngầm", ông Kulinchenko nói.

Theo JF, nếu đánh giá của ông Kulinchenko là chính xác thì chương trình hiện đại hóa tàu ngầm của Nga đang đi sai hướng.

Chương trình phát triển tàu ngầm của Nga đang cố gắng bù đắp các thiếu sót khác bằng cách nỗ lực phát triển và đưa vào trang bị phương tiện không người lái dưới nước Poseidon, nó có thể được triển khai từ các tàu ngầm hạt nhân như một phần của hệ thống đa nhiệm đại dương.

Hệ thống này từng được ông Putin nhắc đến trong thông điệp liên bang vào ngày 1/3/2018. Theo đó, Poseidon sẽ mang theo cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, có khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng, các nhóm tàu sân bay và nhiều mục tiêu khác của đối phương.

Nó được cho là có tầm bắn ngang với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có thể lặn sâu tới 1km, và mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá lên tới 2 megaton. Cuộc thử nghiệm phóng đầu tiên của Poseidon được dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm nay, nó sẽ được triển khai từ tàu ngầm Belgorod.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại