Theo trang mạng Sohu (Trung Quốc), Nga đã biến vùng Kaliningrad trở thành một pháo đài quân sự với năng lực phòng thủ và tấn công mạnh mẽ. Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander bố trí tại đây có khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân.
Các thành phố lớn của châu Âu như Berlin hay Warsaw đều nằm trong tầm tấn công của Iskander, và Mỹ đã phát hiện ra rằng tầm bắn thực sự của phiên bản Iskander-K lên tới hơn 1.000 km, vượt xa mức giới hạn 500km theo hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung.
Đó cũng là nguyên do khiến Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước này. Washington cho rằng Nga thực sự đã vi phạm các điều khoản nên Mỹ không còn lý do để ở lại hiệp ước mà chỉ có một phía tuân thủ.
Trong bài phát biểu hôm 24/5 (theo giờ địa phương), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã kêu gọi Nga để Kaliningrad giao lưu thương mại với châu Âu. Việc Nga biến Kaliningrad trở thành pháo đài quân sự tối tân đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu và trở thành mũi dao đâm vào trái tim của NATO.
Trinh sát cơ tham gia hiệp ước Bầu trời mở Boeing OC-135B của Mỹ tại sân bay quốc tế Halifax - Robert L Stanfield, Nova Scotia, Canada, tháng 1/2015. Ảnh: Airliners.
Theo Sohu, đối với sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai phía, NATO cho rằng mình có quyền xác minh lực lượng mà Nga triển khai tại Kaliningrad theo Hiệp ước Bầu trời mở, nhưng không may, Nga đã ngăn cản máy bay trinh sát của NATO tiếp cận vùng này để thực hiện nhiệm vụ theo hiệp ước.
NATO không rõ Nga đã triển khai bao nhiêu vũ khí tại Kaliningrad, điều đó đã không đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về lòng tin quân sự giữa hai phía.
Sohu cho biết, việc Nga nhiều lần bác bỏ đề nghị thực hiện các chuyến bay trinh sát đường không của Mỹ "đã vi phạm trắng trợn hiệp ước". Moscow rõ ràng đã vi phạm nhưng lại từ chối sửa lỗi, do đó Mỹ sẽ không tiếp tục chấp nhận hiệp ước một phía này.