Nếu từng được hoàn thành, siêu tàu sân bay Ulyanovsk có thể trở thành gã khổng lồ trên biển với chiều dài hơn 300 mét, lượng giãn nước 85.000 tấn và đủ sức chứa tới 70 máy bay cánh cố định hoặc cánh xoay.
Tuy nhiên, Liên Xô chưa bao giờ hoàn thành dự án siêu tàu sân bay này, lý do là vì thiếu tiền. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô rơi vào khó khăn kinh tế suốt nhiều năm liền, khiến việc chế tạo tàu mới trở nên bất khả thi.
Siêu tàu sân bay Ulyanovsk đã “kết thúc cuộc đời” trong bãi phế liệu năm 1992. Tuy nhiên, giờ đây, nước Nga đang muốn chi hàng tỷ ruble để hiện đại hóa quân đội, và muốn có một siêu tàu sân bay để đối trọng với Mỹ.
Đúng mục đích, sai thời điểm
Ulyanovsk được chính thức khởi đóng từ năm 1986, và đến năm 1988, Liên Xô bắt đầu tan rã. Dự án xây dựng con tàu này lại quá lớn và các nhà chế tạo dự kiến phải đến giữa những năm 1990 mới có thể hoàn thành
Việc xây dựng diễn ra ở Xưởng đóng tàu Biển Đen ở Ukraine – thường được gọi là Nikolayev South 444. Đó là một cơ sở cũ kỹ từ thời thế kỷ 18, khi Hoàng tử Grigory Potemkin ký sắc lệnh vào năm 1789 cho phép xưởng này sửa chữa tàu hải quân Nga bị hư hỏng trong Chiến tranh Nga-Thổ.
Chiến hạm nổi tiếng của Nga Potemkin cũng được vận hành từ xưởng đóng tàu Nikolayev South 444 này.
Ở giai đoạn đầu của Liên Xô, xưởng Nikolayev South 444 này chuyên đóng các chiến hạm. Trong giai đoạn những năm 1960 và những năm 1970, tàu sân bay trực thăng lớp Moskva và tàu sân bay lớp Kiev cũng được đóng ở đây. Tuy nhiên, những con tàu này vẫn chưa đạt tới quy mô như Ulyanovsk.
Được đặt theo tên của thành phố quê hương của Vladimir Lenin, mọi thứ về siêu tàu sân bay này đều rất “khủng”, kể cả theo các tiêu chí của Nga ngày nay.
Ulyanovsk được trang bị 4 lò phản ứng hạt nhân KN-3, mẫu từng được sử dụng trên các tuần dương chiến hạm lớp Kirov, tương tự tàu khu trục tên lửa dẫn đường hạng nặng như chiếc Frunze. Con tàu có thể dễ dàng đạt tốc độ 30 hải lý/giờ khi di chuyển.
Ulyanovsk có thể mang được ít nhất 44 tiêm kích – bao gồm cả Su-33 và MiG-29. Các nhà thiết kế con tàu dự định bố trí 3 trục nâng – mỗi trục có thể nâng được 50 tấn – dùng để vận chuyển máy bay từ nhà chứa lên boong tàu hoặc ngược lại. Ngoài ra, siêu tàu sân bay có thể triển khai cả trực thăng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn và các nhiệm vụ tác chiến săn ngầm.
Liên Xô dự kiến triển khai 3.400 thủy thủ - tương đương gần một nửa số thủy thủ trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, nhưng tương đối lớn so với các con tàu của Liên Xô.
Lý do Liên Xô chế tạo siêu tàu Ulyanovsk
Việc Liên Xô muốn có một siêu tàu sân bay là điều dễ hiểu. Các con tàu quy mô lớn chưa bao giờ chiếm số lượng đáng kể trong Hải quân Liên Xô hay Nga.
Hiện tại, Nga chỉ có 1 tàu sân bay duy nhất – tàu Đô đốc Kuznetsov tương đối nhỏ - vận hành năm 1985. Tuy nhiên, con tàu này phát sinh các vấn đề về máy móc kể từ thời điểm đó và nó không thể đi bất cứ đâu mà không có 1 tàu kéo đi kèm.
Tuy nhiên, có một sự logic đằng sau dự án Ulyanovsk. James Holmes, một giáo sư về chiến lược tại Đại học chiến tranh hải quân Mỹ, giải thích rằng, Liên Xô từng muốn tạo một “vành đai xanh” phòng vệ trên các vùng biển xa bờ của mình.
“Vành đai xanh” là sự kết hợp của sức mạnh trên không, trên biển và trên bộ để răn đe tàu sân bay và tàu ngầm Mỹ. Liên Xô có thể bảo vệ đất mẹ trong khi đảm bảo các khu vực tuần tra an toàn cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo thực hiện các nhiệm vụ răn đe hạt nhân”, theo Giáo sư Holmes.
Theo Holmes, “Siêu tàu sân bay Liên Xô có thể hỗ trợ với các thành phần tác chiến trên không và trên mặt nước của vành đai xanh, xua đuổi các lực lượng Hải quân Mỹ muốn đi vào các vùng biển Á Âu”.
Bên cạnh đó, niềm tự hào và danh dự quốc gia cũng thúc đẩy Liên Xô quyết định chế tạo Ulyanovsk.
“Khi đó, có yếu tố chạy đua trong phát triển tàu sân bay. Nếu Mỹ là siêu cường thế giới và Liên Xô muốn bắt kịp Mỹ, thì các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng muốn có một phương tiện tương tự để chứng tỏ mình đang bắt kịp đối thủ. Nghe có vẻ trẻ con, nhưng trong trường hợp này, đó là động lực cơ bản”, Homes nói.
“Vai trò và sứ mệnh mà tàu sân bay sẽ đảm nhiệm không phải là yếu tố quyết định tất cả, mà nó còn bao gồm danh dự và vận mệnh của quốc gia”, Giáo sư Holmes cho biết thêm.
Vào giữa những năm 1990, các tàu hải quân Nga nằm rỉ sét ở nơi neo đậu, các thủy thủ phải làm việc mà không được trả lương. “Nếu bạn không đủ khả năng duy trì hạm đội hiện tại, bạn sẽ lấy đâu ra tiền để hoàn thành siêu tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên, một con tàu thậm chí đòi hỏi nhiều nhân lực hơn mức mà bạn có thể đáp ứng?”, Holmes nói.
Làm sống lại giấc mơ siêu tàu sân bay?
Tuy nhiên, Nga giờ đây dường như sẵn sàng hồi sinh giấc mơ siêu tàu sân bay của mình. “Hải quân sẽ có thêm tàu sân bay. Các công ty nghiên cứu đang làm việc về vấn đề này”, Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov đã tuyên bố như vậy năm 2015.
Thời điểm đó, theo một số báo Nga cho biết, các đơn vị thiết kế đang trong giai đoạn đầu chế tác một mẫu tàu sân bay mới, có kích cỡ lớn hơn một chút so với tàu lớp Nimitz của Mỹ và có khả năng chở 100 máy bay.
Tuy nhiên, các vấn đề kinh tế - bao gồm cả sự suy thoái đang diễn ra – và chi phí bảo trì cũng như hiện đại hóa toàn bộ hạm đội đang lỗi thời khiến nhiều người nghi ngờ liệu Nga có thể xây dựng một con tàu đắt đỏ tới vậy hay không.
Giáo sư Holmes ước tính chi phí cho một tàu sân bay mới của Nga có thể tới 8,5 tỷ USD và phải mất tới 7 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, giáo sự này cũng nói rằng, việc Nga đang tìm kiếm một con tàu sân bay mới là hoàn toàn nghiêm túc.
Các nước lớn đều có tàu sân bay, Nga coi mình là một nước lớn, và do đó, con tàu có thể sẽ là một biểu tượng cho vận mệnh và sức mạnh quốc gia. Nói cách khác, một con tàu sân bay mới sẽ là một lý do để quên đi những ngày đen tối trước kia khi Liên Xô tan rã. Đối với hải quân Nga, sự thất bại của dự án Ulyanovsk là một trong những ký ức tồi tệ nhất.