F-35 đắt đỏ nhưng "vô dụng", Quân đội Mỹ đang muốn níu kéo cường kích A-10 ở lại?

Trịnh Ngọc Tiến |

A-10 Thunderbolt II hiện là máy bay cường kích theo đúng nghĩa nhất của Quân đội Mỹ, còn vai trò của nó trên chiến trường đến cả F-35 cũng không sánh bằng.

Phương tiện hỗ trợ hỏa lực mạnh mẽ

Hiện nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm, vai trò của các loại máy bay cường kích trong Quân đội Mỹ đang dần được thay thế bởi các máy bay như F-15E Strike Eagle và F-16 Fighting Falcon, và gần đây nhất là máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 Lightning II và thậm chí là cả những loại máy bay không người lái như MQ-9 Reaper.

Khả năng đa nhiệm của các dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 5 khiến Quân đội Mỹ cho rằng, họ không cần phải phát triển thêm các mẫu cường kích mới.

F-35 đắt đỏ nhưng vô dụng, Quân đội Mỹ đang muốn níu kéo cường kích A-10 ở lại? - Ảnh 1.

Ở thời điểm hiện tại khó có mẫu máy bay chiến đấu nào của Mỹ thay thế được vị trí của A-10. Ảnh: Business Insider.

Do đó, A-10 Thunderbolt II hiện là máy bay cường kích theo đúng nghĩa nhất có trong biên chế Quân đội Mỹ. Có lẽ vì vậy mà Lầu Năm Góc quyết định kéo dài thời gian phục vụ của dòng chiến đấu cơ này dù nó đã phục vụ hơn 40 năm.

Và để làm được điều này, Quân đội Mỹ phải tiến hành đại tu và sửa chữa lớn toàn bộ số A-10 mà họ có trong vòng 10 năm tới.

Theo Tạp chí Quốc phòng Mỹ, trong tổng số 282 chiếc A-10 của Không quân Mỹ thì chỉ mới có khoảng 173 chiếc được thay thế cánh mới, con số này chiếm khoảng 60%. Việc này có thể giúp những chiếc A-10 có thể phục vụ thêm ít nhất được 20 năm.

Trong Quân đội Mỹ A-10 còn được mệnh danh là "sát thủ diệt tăng" bởi khả năng tiêu diệt các phương tiện chiến đấu bọc thép của nó.

Khi thực hiện các nhiệm vụ yểm trợ trên mặt đất, A-10 có thể mang theo 18 quả bom MK82 (trọng lượng 227kg), hoặc sử dụng tên lửa không đối đất, hoặc pháo tự động 30mm nòng xoay GAU-8 Avenger 7 nòng, có tốc độ bắn đến 4.200 phát/phút, tầm bắn tối đa 3.660m.

GAU-8 Avenger 7 cũng là niềm tự hào của A-10, bởi với đầu đạn bằng uranium nghèo đạn 30mm của GAU-8 có thể "xé đôi" nhiều mẫu xe thiết giáp trên thế giới chỉ với một "cú đảo người". Từ khoảng cách 500m, nó có thể bắn xuyên qua lớp thép dày tới 69mm, hoặc 38mm ở khoảng cách 1.000m.

Khả năng sống sót cao trên chiến trường

Một trong những ưu điểm lớn nhất của cường kích A-10 đó là nó có phần thân được thiết kế cực kỳ chắc chắn, giúp bảo vệ phi công trước nhiều loại vũ khí phòng không của đối phương.

Một số bộ phận quan trọng như buồng lái và bụng máy bay được trang bị lớp giáp làm bằng hợp kim titan, độ dày có vị trí đạt tới 50mm, do đó nó có thể chịu được cuộc tấn công trực tiếp của các loại súng, pháo phòng không cỡ nòng từ 23mm trở xuống.

F-35 đắt đỏ nhưng vô dụng, Quân đội Mỹ đang muốn níu kéo cường kích A-10 ở lại? - Ảnh 3.

Với khẩu pháo 30mm GAU-8 Avenger 7 tốc độ bắn 4.200 phát/phút, A-10 có thể dễ dàng "xé đôi" xe bọc thép của đối phương.

Mẫu cường kích này sử dụng hai động cơ phản lực TF34-GE-100 do công ty General Motors phát triển riêng cho A-10, được đặt ở phần trên của thân sau máy bay.

Việc A-10 lắp đặt động cơ ở hẳn phía thân sau máy bay, làm cho khả năng trúng tên lửa phòng không tầm nhiệt của đối phương giảm hơn so với các loại máy bay lắp động cơ hai bên góc cánh, do cửa xả của động cơ được che chắn bằng 2 cánh đuôi đứng, đồng thời cũng thuận lợi trong việc thay thế, bảo dưỡng nhanh động cơ trong thời chiến.

Với việc bố trí hai động cơ, nếu xảy ra trục trặc ở một động cơ trong chuyến bay, cường kích A-10 vẫn đủ sức bay trở lại căn cứ với động cơ còn lại, từ đó tăng khả năng sống sót của máy bay.

Tại Triển lãm hàng không Dubai ở UAE, Mỹ đã gửi một cường kích A-10 đã tham chiến ở chính ngay chiến trường Trung Đông với đầy vết đạn trên mình, để tham dự triển lãm? Đây là sự quảng bá cho chiếc A-10 về sự an toàn và hiệu quả, mặc dù bị trúng nhiều vết đạn của đối phương, nhưng máy bay vẫn có thể tiếp tục chiến đấu và trở về căn cứ an toàn.

Chi phí khai thác rẻ

Trong tương lai, những máy bay chiến đấu thế hệ 5 như F-22 hoặc F-35, mặc dù có khả năng tàng hình, cũng như khả năng tấn công mặt đất, nhưng giá cả và chi phí bay của chúng lại quá đắt đỏ. Trong khi đó, một giờ bay của A-10 được đánh giá kinh tế hơn hẳn.

Theo những thông tin mở cho thấy, chi phí cho một chiếc A-10 khi thực hiện nhiệm vụ chỉ khoảng 100.000 USD, trong khi con số này đối với F-35 có thể lên tới hàng triệu USD.

F-35 đắt đỏ nhưng vô dụng, Quân đội Mỹ đang muốn níu kéo cường kích A-10 ở lại? - Ảnh 4.

Nếu tính đến bài toán kinh tế rõ ràng A-10 rẻ và hiệu quả hơn nhiều so với F-35 cho nhiệm vụ tấn công mặt đất. Ảnh: Business Insider.

Ngoài ra, những loại máy bay như F-35 cũng thiếu lớp giáp bảo vệ trực tiếp, và rõ ràng nó sẽ chịu nhiều tổn thất lớn hơn A-10 khi thực hiện một nhiệm vụ tấn công mặt đất, và phải đối mặt với lực lượng phòng không dày đặc của đối phương.

Đối với các máy bay chiến đấu không tàng hình như F-16, F-15 và các mẫu máy bay chiến đấu khác, những máy bay chiến đấu này trước hết không được bảo vệ như A-10 và thứ hai không có khả năng tàng hình.

Ngoài ra, giá và chi phí bay của các máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 4 cao hơn nhiều so với A-10. Do đó, để những máy bay này thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất, chắc chắn nguy hiểm và chịu nhiều "rủi ro" hơn.

Có thể nói rằng trước khi quân đội Mỹ có phương án lựa chọn được máy bay tấn công mặt đất mới, không có phương án nào khả thi hơn là kéo dài thêm thời gian phục vụ của phi đội A-10, vừa đảm bảo tính kinh tế, vừa đảm bảo tính hiệu quả.

Đó cũng là lý do Không quân Mỹ quyết định kéo dài thêm thời gian phục vụ của loại máy bay tấn công mặt đất này thêm khoảng 20 năm nữa, đưa tuổi đời của các máy bay cường kích này đến khi nghỉ hưu đến 70 năm.

Máy bay cường kích A-10 "Warthog" trong một hoạt động huấn luyện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại