Hải quân Trung Quốc đã "tăm tia" được nhiều điều từ Hải quân Mỹ khi phát triển lực lượng không quân trên hạm. Nước này đang tìm kiếm các tàu sân bay boong phẳng, tương tự như tàu sân bay Mỹ. Bắc Kinh cũng đã phát triển các máy bay cảnh báo sớm đường không và máy bay tác chiến điện tử tương tự các mẫu E-2D Hawkeye và EA-18 Growler của Mỹ.
Tuy nhiên, hướng đi này cũng có thể đem lại kết quả trái với mong đợi. Có thể thấy Hải quân Mỹ đang bị "bủa vây" bởi các khoản đội chi phí và trì hoãn trong quá trình triển khai siêu tàu sân bay thế hệ mới Gerald Ford do những lỗi dai dẳng ở hệ thống máy phóng, cáp hãm đà, radar và thang máy chở vũ khí.
Những vấn đề tương tự có vẻ cũng đang ảnh hưởng tới chương trình tàu sân bay của Trung Quốc. Hôm 28/11, phóng viên Minnie Chan của tờ South China Morning Post (Hong Kong) cho biết, Bắc Kinh sẽ hủy bỏ kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân thứ 5 và thứ 6 một khi hoàn tất chế tạo 2 chiếc tàu mới chạy bằng năng lượng thông thường.
Lý do là gì? Theo SCMP, đó là "các thách thức về kỹ thuật và chi phí cao", bao gồm cả những vấn đề liên quan tới chương trình phát triển các hệ thống phóng điện tử cho 2 con tàu mới - hệ thống này cũng đang khiến Hải quân Mỹ bối rối.
Chương trình tàu sân bay bị cắt xén của Trung Quốc
Trong hơn 1 thập kỷ qua, Trung Quốc đã dần xây dựng kế hoạch triển khai 6 tàu sân bay với năng lực tăng dần.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Type 001 Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - thực chất là "tàu tuần dương chở máy bay" cũ được Liên Xô chế tạo, và do một cựu ngôi sao bóng rổ mua về từ Ukraine. Vốn dĩ theo kế hoạch ban đầu con tàu sẽ được sử dụng như một sòng bạc nổi, nhưng sau đó nó đã được cải tạo thành tàu sân bay.
Với kích cỡ nhỏ hơn khá nhiều so với tàu sân bay Mỹ, tàu sân bay Liêu Ninh trang bị hệ thống phóng kiểu "nhảy cầu", làm hạn chế khả năng mang nhiên liệu và vũ khí của các tiêm kích hạm J-15 Flying Shark.
Chiếc tàu sân bay thứ hai, hạ thủy vào năm 2017, có nhiều định danh khác nhau (Type 001A hoặc Type 002), là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Nó được xem là bản cải tiến nhẹ của tàu Type 001.
Tàu sân bay Type-001A ở cảng Đại Liên hôm 28/7. Ảnh: SCMP.
Tàu sân bay thứ 3 (Type 002 hoặc Type 003) và thứ 4 của Trung Quốc có kích cỡ lớn hơn đáng kể so với tàu sân bay thứ 2. Nó cũng có nhiều khả năng hơn, với boong tàu trang bị hệ thống máy phóng cho phép triển khai các tiêm kích hạm mang được tối đa lượng vũ khí.
Giai đoạn cuối trong chương trình tàu sân bay của Trung Quốc sẽ là 2 tàu sân bay boong phẳng, với kích cỡ lớn hơn nữa. Hệ thống đẩy hạt nhân được kỳ vọng sẽ mang lại cho chúng năng lực tương đương các siêu tàu sân bay Mỹ.
Tuy nhiên, thay vì trang bị hệ thống máy phóng hơi nước - loại phổ biến trên hầu hết các tàu sân bay boong phẳng, Bắc Kinh quyết định đánh cắp một bước đi công nghệ bằng cách trang bị cho tàu sân bay hệ thống phóng điện từ thế hệ mới (EMAL) - loại mới chỉ có trên 2 tàu sân bay lớp Ford của Mỹ.
Trong một thời gian dài, các nhà hoạch định của Hải quân Mỹ đã tán tụng rằng hệ thống EMAL sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí vận hành khi so sánh với hệ thống máy phóng hơi nước, tăng tốc các hoạt động của máy bay thêm 25%, và giảm độ bào mòn của máy bay bằng cách cho phép điều chỉnh lực đẩy theo nhu cầu hoạt động.
Nhưng thật không may, các báo cáo thử nghiệm của Lầu Năm Góc cho thấy hệ thống EMAL vẫn còn rất non nớt, biểu hiện qua tỷ lệ thất bại cao hơn đáng kể và cần rất nhiều thời gian để khắc phục, do vấn đề với hệ thống phân phối năng lượng trên tàu Ford.
Các hệ thống máy phóng trên tàu sân bay thứ 3 và thứ 4 của Trung Quốc cũng đang gặp phải những vấn đề nan giải. Theo phóng viên Chan: "các cuộc thử nghiệm máy phóng điện từ dùng để triển khai J-15, mẫu tiêm kích hạm duy nhất của Trung Quốc hiện nay, vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra".
Chan tiếp tục dẫn một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc đề cập tới 2 yếu tố khác tác động tới việc Trung Quốc cắt giảm kế hoạch đóng các siêu tàu sân bay hạt nhân.
Một vấn đề trong số đó là nhu cầu phát triển mẫu tiêm kích tàng hình trên hạm thế hệ mới để kế tiếp các tiêm kích J-15 của Hải quân Trung Quốc hiện nay.
Quả thực, đã có nhiều báo cáo khác nhau về việc liệu Trung Quốc sẽ phát triển mẫu tiêm kích tàng hình hạng nhẹ J-31 (hiện chưa sẵn sàng hoạt động) cho tàu sân bay, hay phát triển biến thể trên hạm của tiêm kích tàng hình J-20 (loại đã được Bắc Kinh đưa vào biên chế).
Nguồn tin của Chan cho biết thêm rằng, "Trung Quốc hiện chưa có công nghệ hạt nhân cần thiết, mặc dù nước này đã phát triển nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân". Có vẻ như các yêu cầu của tàu sân bay đặt ra thách thức kỹ thuật lớn hơn.
Thanh thế hay sức mạnh chiến đấu?
Theo nhà phân tích Sébastien Roblin trên tạp chí National Interest, Bắc Kinh có thể đang xem xét lại về việc liệu các khoản đầu tư lớn dành cho tàu sân bay có phải là cách sử dụng ngân sách quốc phòng hiệu quả nhất hay không.
Giá trị lớn nhất của các tàu sân bay Trung Quốc vẫn nằm nhiều hơn ở vai trò phô trương thanh thế, triển khai lực lượng chống lại các đối thủ yếu hơn, và tích lũy kinh nghiệm phát triển năng lực, thay vì đóng vai trò răn đe hiệu quả chống lại Hải quân Mỹ.
Nói chung, hạm đội gồm 6 tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ cân bằng trước hạm đội gồm 11 tàu sân bay của Mỹ. Trong quá khứ, sự mất cân bằng trong năng lực hải quân thường khiến các tàu chiến có giá trị cao nhất của bên yếu hơn phải bám trụ ở cảng, thay vì xông pha về phía trước để có nguy cơ chuốc lấy thất bại.
Hãy nhìn vào 17 thiết giáp hạm khổng lồ Kaiser Wilhelm được chế tạo trước Thế chiến I. Chúng có hoạt động rất hạn chế do bị kiềm chế bởi 29 thiết giáp hạm của Hải quân Hoàng gia Anh.
Trong cuộc xung đột cường độ cao với Mỹ, Hải quân Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn khi phải triển khai các tàu sân bay của mình mà không để chúng gặp phải rủi ro cao ở mức không chấp nhận được.
Các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, với chi phí rẻ hơn nhưng mạnh mẽ, cùng tên lửa trên bộ và các loại máy bay ném bom chống tàu tầm xa sẽ mang lại cho Hải quân Trung Quốc các phương tiện chiến đấu có thể sử dụng ngay lập tức để chống lại một đối thủ ngang tầm ở Tây Thái Bình Dương.
Đáng chú ý là những loại vũ khí tầm xa như vậy lại đe dọa khả năng tồn tại trong tương lai của hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Việc điều chỉnh các siêu tàu sân bay để chúng tăng khả năng sống sót trước các loại vũ khí này đòi hỏi phải phát triển các hệ thống không người lái tầm xa mới khác biệt hoàn toàn với các loại tiêm kích Super Hornet và Lightning hiện nay trong lực lượng không quân trên hạm của Mỹ.
Do đó, việc Trung Quốc quyết định giảm bớt tham vọng đối với tàu sân bay sẽ cho nước này nhiều thời gian hơn để đánh giá xem các tàu sân bay trong tương lai sẽ trông như thế nào, và liệu chúng có "đáng đồng tiền bát gạo" hay không.