Theo tạp chí National Interest, lực lượng tàu ngầm là lý do khiến Iran tự tin rằng họ có hải quân mạnh thứ 4 thế giới.
Có lẽ khía cạnh nổi bật nhất trong đội hình tàu ngầm Iran là quy mô của nó, đặc biệt là khi so sánh với các bộ phận còn lại của hải quân Iran. Trong khi số lượng tàu hộ tống, khinh hạm và tàu khu trục của Tehran khó vượt qua con số 10 tàu, thì họ lại có trong tay tới 34 tàu ngầm.
Phần lớn trong số này là tàu ngầm diesel-điện "ven bờ hoặc tàu ngầm mini, với khoảng 20 tàu thuộc lớp tàu ngầm nội địa Ghadir của Iran và một số chiếc khác thuộc lớp Yogo, Triều Tiên.
Theo nhà phân tích Mark Episkopos, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ, Triều Tiên và Iran là hai quốc gia bị Mỹ và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận.
Khi cả hai quốc gia này đều bị "đá" ra khỏi thị trường vũ khí toàn cầu, không dễ dàng tìm nguồn cung cấp, họ sẽ có xu hướng trao đổi, giao dịch nhiều mặt hàng với nhau, trong đó có vũ khí. Đó có lẽ là lý do khiến các tàu ngầm lớp Yugo hiện hữu trong trang bị của Hải quân Iran.
Tàu ngầm lớp Ghadir của Hải quân Iran. Nguồn ảnh: Wiki
Các tàu ngầm Ghadir khá ấn tượng khi chúng có kích cỡ nhỏ nhưng năng lực tấn công lại rất mạnh mẽ. Các tàu lớp Ghadir trang bị ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, tương tự như các tàu ngầm Kilo (với kích cỡ lớn hơn) ít ỏi của nước này.
Iran có đội hình tập trung vào các tàu ngầm mini với sức mạnh thua kém so với các hạm đội tàu ngầm của Mỹ và Nga. Tuy nhiên, chúng lại có ý nghĩa rất lớn khi xét tới các mục tiêu chiến lược của Iran.
Cụ thể, Tehran không có nhu cầu triển khai sức mạnh hải quân đi khắp thế giới, thậm chí là đi khắp Trung Đông. Thay vào đó, hải quân Iran được thành lập và tổ chức xoay quanh mục tiêu là bảo vệ Vịnh Ba Tư và đặc biệt là eo biển Hormuz.
Phạm vi hoạt động hạn chế của các tàu ngầm diesel-điện Iran không gây ảnh hưởng gì khi vùng Vịnh là nơi khá nông và cũng có diện tích hạn chế. Khả năng rải mìn "gần như không bị phát hiện" khiến những con tàu này trở thành ứng viên lý tưởng cho các hoạt động tuần tra và phục kích chống tàu mặt nước tại đây.
Gần đây, Iran đã bắt đầu đa dạng hóa ngành công nghiệp tàu ngầm nội địa của mình. Lớp Fateh mới dự kiến sẽ hoàn thiện đội hình không cân xứng của Iran, nó sẽ có lượng giãn nước 600 tấn, ở mức giữa tàu ngầm lớp Ghadir và Kilo.
Ngoài các ống phóng ngư lôi cỡ 533mm là trang bị tiêu chuẩn trên tàu ngầm Iran, truyền thông nước này cho biết, các tàu ngầm lớp Fateh còn có thể bắn tên lửa hành trình chống tàu khi lặn.
Cho đến nay, lực lượng tàu ngầm là bộ phận đông đảo và có năng lực kỹ-chiến thuật mạnh nhất trong hải quân Iran, nó dự kiến sẽ được duy trì trong tương lai gần do sự đầu tư địa-chính trị của Tehran vào vùng Vịnh.
Mặc dù khó có khả năng sánh được với các tàu của Hải quân Mỹ trong bất cứ cuộc xung đột nào nhưng các tàu ngầm của Iran chắc chắn sẽ là mũi nhọn trong chiến dịch chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của nước này để phong tỏa eo biển Hormuz hoặc tiến tới giai đoạn phát động một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào các tuyến phóng thủ của Mỹ ở Vịnh Ba Tư.