Vui lòng bấm F5 để liên tục cập nhật
21h47: Tình hình chiến sự Syria 8/12:
- Quân đội Syria tiếp tục chiến dịch truy quét tàn dư IS tại Đông Homs, đẩy đám tàn quân về phía sa mạc Badiya Al-Sham.
- Không quân Nga tiếp tục không kích nhiều vị trí của phiến quân Kafr Nabl, al-Bara, Ehsim, Baluon, Maarzita và Talmenes ở Idlib.
- Mỹ tiếp tục chiến dịch "ám sát" các thủ lĩnh phiến quân thánh chiến ở Bắc Syria thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái với tên lửa AGM-114R9X.
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong một cuộc họp báo hôm 7/12 đã úp mở về khả năng đưa thêm quân tới Syria, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi điểm nóng Trung Đông.
- Một trạm kiểm soát của Tổng cục Tình báo Quân đội Syria nằm giữa Jbeb và Kharaba bị những kẻ lạ mặt tấn công, làm một binh sĩ thiệt mạng và hai người khác bị thương.
- SDF và các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đấu pháo gần Zur Mughar.
Ảnh: South Front
20h41: Theo Al-Masdar News, trong hôm 7/12 Quân đội Syria (SAA) đã mở lại chiến dịch càng quét tàn dư phiến quân IS ở vùng Badiya Al-Sham ở miền đông Homs.
Được sự hỗ trợ tình báo của Lực lượng Phòng vệ Quốc gia (NDF), SAA đã tiến hành pháo kích vào một loạt vị trí được cho là nơi các tay súng IS đang ẩn nấp bên trong khu vực trạm bơm T-2.
Xe tăng của Quân đội Syria tại tỉnh Homs.
Một số nguồn tin địa phương cho biết, bị tấn công ở Badiya Al-Sham đã buộc các tay súng IS phải ra khỏi nơi ẩn náu của chúng. Ngay sau đó nhóm này đã chạm mặt với một đơn vị SAA đang đi tuần tra, cuộc đấu súng giữa hai bên diễn ra trong nhiều giờ liền.
Cuối cuộc giao tranh phiến quân IS chịu tổn thất nặng, số chạy thoát được liền trốn vào trong sa mạc Badiya Al-Sham.Sau các cuộc đụng độ này, Không quân Syria (SAAF) cũng tiến hành không kích một số vị trí nghi ngờ là nơi IS ẩn nấp ở Badiya Al-Sukhnah và Palmyra của tỉnh Homs.
20:04: Cả ba quốc gia châu Âu là Pháp, Đức và Anh vừa bày tỏ quan ngại về chương trình phát triển tên lửa của Iran trong một bức thư vừa được hãng tin AP công bố. Các nước này cho rằng, những nỗ lực của Iran trong việc phát triển các mẫu tên lửa đạn đạo mới trong thời gian gần đây là nhằm phát triển một loại tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Được biết, bức thư trên được đại sứ của Pháp, Đức và Anh gửi tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào hôm 3/12, đồng thời cũng nhấn mạnh việc Iran phát triển và phóng tên lửa đạn đạo mới đang gây bất ổn ở Trung Đông và làm gia tăng những căng thẳng không đáng có.
Một số mẫu tên lửa đạn đạo do Iran phát triển được giới thiệu tới công chúng của nước này. Ảnh: The Times of Israel
Trong thư cảnh báo gửi lên Liên Hợp Quốc, các nước châu Âu chỉ ra vụ phóng vệ tinh Dousti vào ngày 6/2 và nói rằng tên lửa Safir dùng để phóng vệ tinh này có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Các nước này cũng viện dẫn việc một tên lửa đạn đạo khác của Iran là Dezful được cho là đáp ứng các tiêu chí mang vũ khí hạt nhân. Và hình ảnh về một biến thể của tên lửa đạn đạo Khorramshahr được Tehran công bố vào đầu năm nay, sở hữu năng lực tương tự như Dezful.
19h01: Truyền thông nhà nước Iran đưa tin cho biết, Hải quân Iran sẽ sớm đưa vào trang bị các máy bay tấn công không người lái (UCAV) mới có tên Simorgh. Được biết, đây là biến thể hải quân của UCAV Shahed-129 đang được Không quân và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sử dụng.
Theo Thông tấn xã TASnim của Iran, Simorgh có khả năng bay liên tục 24 giờ trên không, tầm hoạt động hơn 1.500km và có trần bay hơn 7.000m.
Chuẩn Đô đốc Khanzadi của Hải quân Iran tiết lộ, UCAV Simorgh có thể được sử dụng trong các hoạt động tác chiến, trinh sát, chiến thuật và chiến tranh điện tử trên không và trên biển.
UCAV Simorgh trong buổi lễ giới thiệu tại một căn cứ không quân ở Konarak, Đông Nam Iran. Ảnh: DEFA
15h52: Sputnik dẫn lời Phó Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Asghar Zarean cho biết, nước này sẽ sớm công bố "50 thành tựu hạt nhân".
Theo ông Zarean, trong tổng cộng 50 thành tựu hạt nhân mà Iran sắp công bố, có "15 thành tựu hạt nhân thuộc mảng máy ly tâm, nhà máy điện hạt nhân, nước nặng thế hệ mới".
"Cuộc trưng bày này sẽ cho thấy một phần nhỏ các thành tựu hạt nhân nổi bật mà các kỹ sư nội địa thực hiện được…", ông Zarean nói.
Một kỹ thuật viên tại một cơ sở làm giàu uranium ở TP Isfahan, cách thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: AP
Từ tháng 7 Iran bắt đầu cắt giảm cam kết thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm P5+1 năm 2015, sau khi chính phủ Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt lên Iran hồi năm 2018. Động thái này của Iran nhằm làm áp lực lên các nước châu Âu cùng ký thỏa thuận phải giúp đỡ mình đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mỗi tiến trình cắt giảm kéo dài 60 ngày, cho tới chừng nào các nước trong nhóm P5+1 bảo vệ quyền lợi cho Iran. Hiện Iran đang trong giai đoạn 4 của tiến trình cắt giảm cam kết này.
15h17: Trang Avia.Pro đưa tin, hệ thống phòng không S-400 của Nga ở Syria đã "nổ phát súng" đầu tiên đánh chặn một tên lửa Israel trong hôm 6/12 vừa qua.
Cụ thể, tên lửa S-400 đã được triển khai để đánh chặn một tên lửa đạn đạo Israel phóng đi từ hướng Địa Trung Hải nhằm vào căn cứ Nga tại Syria. Vụ đánh chặn được hệ thống S-400 thực hiện ở khoảng cách gần như tối đa - khoảng 370km.
Tuy nhiên, Avia.Pro lại không đưa ra được bằng chứng rõ ràng cho thông tin trên, đồng thời cũng không cho biết tên lửa S-400 vừa được Nga sử dụng bắn đi từ căn cứ không quân Khmeimim hay căn cứ hải quân Tartus.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga tại căn cứ không quân Khmeimim, Syria. Ảnh: Sputnik.
Đoạn video Avia.Pro đăng tải mô tả cảnh tên lửa S-400 của Nga được bắn lên thực chất là video ghi lại cảnh Israel thử nghiệm tên lửa đạn đạo Jericho hôm 6/12 gần Tel Aviv.
Trong khi đó, nguồn tin quân sự tại Syria cũng như Trung Đông không ghi nhận được bất cứ cuộc tấn công nào từ Israel nhắm vào các căn cứ của Nga ở Syria.
Hiện tại cả Nga và Israel đều chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về bài viết của Avia.Pro.
14h09: Các nguồn tin địa phương cho biết, trong hôm 7/12, Không quân Nga đã thực hiện ít nhất 20 vụ không kích xung quanh thị trấn Kafar Takharim ở Bắc Idlib.
Trong khi đó ở phía Nam Idlib, Quân đội Syria vẫn tăng cường đánh phá các mục tiêu của phiến quân khủng bố xung quanh các làng Kafr Rumah và Kafarnbel.
13h26: Truyền thông Israel vừa cho đăng tải đoạn video được cho là ghi lại khoảnh khắc tên lửa đạn đạo Jericho của nước này được phóng lên trên không trong cuộc thử nghiệm hôm 6/12 từ căn cứ không quân Palmachim.
Trước diễn biến trên, Tehran đã thẳng thừng tuyên bố rằng tên lửa mà Israel vừa bắn từ một căn cứ ở phía Nam Tel Aviv thực sự là một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được nhắm vào Iran.
"Hôm nay, Israel đã thử nghiệm một tên lửa hạt nhân nhằm vào Iran", Ngoại trưởng IranMohammad Javad Zarif phát biểu trong một tweet đăng vào tối thứ ngày 6/12.
Ông Zarif than thở rằng phương Tây không bao giờ phàn nàn về kho vũ khí hạt nhân duy nhất ở Tây Á (Israel), nhưng lại luôn có thái độ quá mức cần thiết với những chương trình phòng thủ của Iran.
Quả tên lửa đạn đạo bí ẩn gây ra nhiều thắc mắc cho truyền thông quốc tế đã được Quân đội Israel phóng đi cách đó vài ngày, nhưng hiện tại Tel Aviv vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Tên lửa đạn đạo Jericho của Israel được phóng đi từ căn cứ không quân Palmachim, phía nam Tel Aviv sáng 6/12 (theo giờ địa phương).
12h03: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/12 đã bất ngờ lên tiếng cảm ơn Iran về cuộc trao đổi tù nhân giữa hai nước được tiến hành cùng ngày.
Bình luận trên tài khoản Twitter, Tổng thống Mỹ viết: "Cảm ơn Iran về một cuộc đàm phán rất công bằng. Hãy nhìn xem, chúng tôi có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận!"
Nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá cao việc nước này và Iran có thể đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh quan hệ song tiếp tục căng thẳng.
Sau đó, phát biểu trước báo giới tại Washington, Tổng thống Trump bày tỏ vui mừng trước kết quả trao đổi tù nhân với Iran. Ông Trump cho rằng cuộc trao đổi có thể là "điềm báo trước" và chứng tỏ hai bên có thể đạt được "một điều gì đó."
Ngày 7/12, Mỹ và Iran đã tiến hành trao đổi tù nhân. Theo thỏa thuận, Iran đã phóng thích nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa Xiyue Wang, bị Tehran bắt giữ từ năm 2017 và tuyên án 10 năm tù với tội danh gián điệp. Đổi lại, Mỹ đã trả tự do cho giáo sư người Iran Massoud Soleimani , vốn đang đối mặt với các cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran.
11h02: Theo trang tin Avia.pro của Nga, một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do tàu sân bay hạt nhân USS Harry Truman (CVN-75) dẫn đầu đã di chuyển qua eo biển Gibraltar và hiện hướng về phía các căn cứ quân sự của Nga nằm dọc bờ biển Syria.
Các nhà quan sát quân sự nhận định, sự xuất hiện của của một trong những tàu sân bay lớn nhất của Mỹ ở Địa Trung Hải có thể là hành động nhằm khiêu khích Syria và Iran.
Tàu sân bay hạt nhân USS Harry Truman (CVN-75) của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ."
Hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry Truman còn có một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường, một vài tàu khu trục, một tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình Tomahawk thuộc Hạm đội 6 của hải quân Mỹ", Avia.pro cho biết thêm.
Cũng theo Avia.pro, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry Truman cùng các tàu hộ tống sẽ hoạt động ở khu vực ngoài khơi Syria để thực hiện một số nhiệm vụ. Sau đó, tàu USS Harry Truman sẽ di chuyển tới vịnh Péc-xích.
Tại đây, tàu sân bay USS Harry Truman sẽ được thay thế bằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln do kế hoạch hoạt động ở Trung Đông bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu.
Hiện hải quân Mỹ chưa đưa ra lời bình luận về hoạt động triển khai tàu sân bay USS Harry Truman.
10h10: Trong một tuyên bố hôm 7/12, lực lượng vũ trang thuộc Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) cho biết họ vừa bắn rơi một chiến đấu cơ của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) bằng tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) trên bầu trời thành phố Zawiya, phía tây thủ đô Tripoli.
Cũng theo thông báo của GNA, chiến đấu cơ mà họ vừa bắn hạ là một chiếc MiG-23, hình ảnh về hiện trường nơi chiếc máy bay này rơi cũng cho thấy thông tin trên là chính xác.
Xác chiếc MiG-23 của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) bị GNA bắn rơi hôm 7/12 vừa qua. Ảnh: South Front.
Hình được cho là của Thiếu tướng Aamer al-Jagam - phi công điều khiển chiếc MiG-23 vừa bị GNA bắn hạ. Ảnh: South Front
Được biết, dù phi công chiếc MiG trên đã kịp nhảy dù ra ngoài nhưng lại rơi xuống đúng khu vực do GNA kiểm soát và bị bắt ngay sau đó, danh tính viên phi công này được xác định là Thiếu tướng Aamer al-Jagam.
09h10: Theo Middle East Eye, Không quân Israel đã được lệnh xuất kích tấn công vào một loạt mục tiêu do Hamas kiểm soát ở Dải Gaza vào sáng sớm nay (8/12), chỉ vài giờ sau khi phòng không Israel đánh chặn thành công 3 quả rocket được bắn đi từ khu vực này.
Hình ảnh rocket được bắn đi từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel. Ảnh: Israelnationalnews
Các cuộc không kích của Israel nhắm vào hai mục tiêu thuộc Lữ đoàn Al-Qassam của phong trào vũ trang Hamas ở phía bắc Gaza. Hiện chưa có báo cáo về thương vong.
Trước đó, vào tối muộn 7/12, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo, có ít nhất 3 rocket được phóng đi từ Dải Gaza hướng về phía Nam Israel. Tất cả chúng đều bị hệ thống phòng Iron Dome của Israel đánh chặn thành công.
Theo truyền thông Israek thống kê, từ năm 2005 cho tới nay đã có khoảng 15.000 rocket các loại được các nhóm vũ trang Hồi giáo sử dụng tấn công Israel.
Hệ thống Iron Dome đánh chặn thành công ba rocket được phóng đi từ Dải Gaza nhắm vào các thành phố phía Nam Israel.
08h25: Theo South Front, hôm 7/12 ba phiến quân không chưa rõ lai lịch đã bị Mỹ tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được cho là nhắm vào chiếc xe của nhóm này ở khu vực Afrin do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng ở miền Bắc Syria.
Theo các nguồn tin địa phương, các chiến binh đang đi trên một con đường ở miền Nam Afrin, thì chiếc SUV của chúng bất ngờ bị tên lửa của máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tấn công.
Cuộc không kích không gây ra bất kỳ vụ nổ nào. Các nhà quan sát địa phương suy đoán rằng tên lửa AGM-114R9X (biệt danh bom Ninja) đã được UCAV của Mỹ sử dụng trong cuộc tấn công lần này.
Chiếc SUV của phiến quân bị máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tấn công. Ảnh: South Front
08h15: Sputnik đưa tin, hôm 7/12, tại sự kiện thường niên có tên Diễn đàn Quốc phòng quốc gia Reagan được tổ chức tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở thành phố Simi Valley thuộc bang California, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã nhắc tới nhiều vấn đề nóng của quân đội Mỹ bao gồm hoạt động quân sự của nước này ở Syria.
"Tôi cho rằng, chúng ta đã có đủ binh sĩ hoạt động ở Syria và nếu như không đủ, chúng ta sẽ cho triển khai thêm binh sĩ. Đây là một trong những vấn đề mà tôi vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân", Bộ trưởng Esper cho biết.
Hồi đầu tuần này, ông Esper từng cho biết quân đội Mỹ ở phía đông bắc Syria đã hoàn thành hoạt động điều động và tổng số binh sĩ Mỹ có mặt trên lãnh thổ Syria là khoảng 600 người.
"Liên quân đang một lần nữa tiến hành thảo luận về vấn đề trên rất nhiều. Chúng tôi nhận thấy một vài đồng minh muốn đóng góp thêm binh sĩ. Nếu một quốc gia đồng minh của Mỹ trong khối NATO quyết định giao cho chúng tôi thêm 50 người, tôi sẽ cho quân đội Mỹ rút đi 50 người", Bộ trưởng Esper phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm 3/12.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ lệnh rút quân đội Mỹ khỏi Syria hồi tháng 10, nhưng cho tới nay, quá trình rút quân vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí, quân đội Mỹ còn cho thành lập các trại giám sát nằm ngay sát những bãi khai thác dầu được lực lượng người Kurd mà Mỹ hậu thuẫn nắm giữ.
Cập nhật diễn biến chiến trường Syria trong ngày 6/12.