Kết quả của Viện kiểm nghiệm: Cả nguyên liệu và sản phẩm đều có hàm lượng chì vượt ngưỡng
Dư luận xã hội đang rất hoang mang trước thông tin về kết quả kiểm nghiệm liên quan đến 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam có hàm lượng chì vượt ngưỡng, được đăng tải trên một số trang báo và mạng xã hội.
Cụ thể, phiếu kiểm nghiệm đang được lan truyền là do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC, Bộ Y tế) thực hiện, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo ký ngày 21/4/2016.
Kiểm nghiệm được thực hiện đối với Acid Citric do công ty TNHH URC nhập về để sản xuất thành phẩm.
Acid Citric là chất dùng để tạo vị chua cho các sản phẩm thực phẩm, chất điều vị và bảo quản trong thực phẩm và giải khát. Chất này được URC dùng để sản xuất 2 sản phẩm nước giải khát trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ.
Sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC. Nguồn: Internet
Kết quả kiểm nghiệm của NIFC cho thấy: Hàm lượng chì trong nguyên liệu ở mức 0,84mg/l (trong khi ngưỡng cho phép trong nguyên liệu ở mức không quá 0,5mg/l và ở mức 0,05mg/l trong sản phẩm).
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 9/5, chính URC Việt Nam cũng công nhận mẫu kiểm nghiệm đối với nguyên liệu là đúng.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thiên Hương, phụ trách truyền thông của URC Việt Nam, giải thích: Kết quả nêu trên của NIFC là thực hiện trên mẫu nguyên liệu, không phải là kết quả mẫu sản phẩm.
Số liệu này đang bị hiểu nhầm là kết quả kiểm nghiệm sản phẩm.
Trong một diễn biến khác, bà Hương cho biết, trước đó, ngày 22/2/2016 và 24/3/2016, URC Việt Nam cũng lần lượt gửi mẫu trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ lần 1 và lần 2 cho NIFC để kiểm nghiệm.
Theo phía công ty, đây là kiểm nghiệm định kỳ 6 tháng 1 lần theo quy định của pháp luật.
Kết quả kiểm nghiệm của NIFC đối với 2 sản phẩm này cho thấy hàm lượng chì đều cao hơn mức cho phép.
Như vậy, với kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC, Bộ Y tế), cả nguyên liệu và sản phẩm của URC Việt Nam đều vượt ngưỡng về hàm lượng chì.
Doanh nghiệp không "phục", tự đem sản phẩm đi kiểm nghiệm để đối chứng
Trước kết quả đó, để đối chứng, URC Việt Nam đã chủ động đem sản phẩm đi kiểm nghiệm tại 5 trung tâm khác nhau bao gồm Quartest 1, Quartest 3, Eurofin, SGS, ASE.
Theo phía URC Việt Nam cho hay, cả 5 mẫu sản phẩm kiểm nghiệm ở các trung tâm này đều cho thấy hàm lượng chì trong 2 sản phẩm dưới mức cho phép, khác với kết luận của NIFC.
Sau đó, URC Việt Nam tiếp tục gửi mẫu của 2 sản phẩm đi Trung tâm kiểm nghiệm Quốc tế tại Singapore và đã có kết quả. Kết quả này được URC gửi cho Trí Thức Trẻ tối 11/5.
Kết quả xét nghiệm 2 sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ tại Setsco - Singapore.
Bên cạnh đó, ngày 10/05, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết chiều tối 9/5, Cục An toàn thực phẩm đã lấy mẫu nguyên liệu tại nhà máy và mẫu nước giải khát C2 và Rồng đỏ trên thị trường để kiểm tra.
Tuy nhiên, việc lấy mẫu nguyên liệu và sản phẩm này được giao cho 1 đơn vị khác của TP Hà Nội thực hiện đồng thời sẽ gửi mẫu này đến các viện xét nghiệm khác chứ không phải NIFC, để đảm bảo tính khách quan.
Hiện tại, kết quả xét nghiệm của Bộ y tế về 2 mẫu sản phẩm này vẫn chưa có dù ông Phong có hứa sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
Những bất cập từ vụ chai nước giải khát bị nghi nhiễm chì
* Bất cập thứ nhất: Người tiêu dùng phải tin ai?
Như vậy, chuyện 2 sản phẩm của URC Việt Nam là trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì ở mức nào đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
NIFC đưa ra kết quả thì doanh nghiệp lại lấy 5 kết quả độc lập trong nước và 1 kết quả độc lập ở nước ngoài (do doanh nghiệp tự tiến hành) để làm đối chứng.
Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, đơn vị được coi là cơ quan đưa ra kết luận cuối cùng về sản phẩm để người tiêu dùng an tâm và tin tưởng thì lại chưa có kết luận cuối cùng.
* Bất cập thứ 2: Đến Thanh tra Bộ cũng "không nắm rõ", người dân trông cậy vào đâu?
Điển hình như thái độ bàng quan của Bộ Y tế trước nguy cơ những nguyên liệu bị kết luận chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép rất cao được đưa vào sản xuất thực phẩm, đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nếu thực sự sản phẩm chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép, nguy cơ cho người tiêu dùng không nhỏ, nhất là sản phẩm lại được trẻ em tiêu thụ rất nhiều.
Tuy vậy, ông Đặng Văn Chính - Chánh Thanh tra Bộ Y tế vẫn cho rằng "cái này chỉ có thể phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp"- theo tờ Pháp luật xã hội dẫn lời ông Chính.
Đồng thời, cũng theo ông Chính, kể từ sau khi có kết quả kiểm nghiệm nguyên liệu mang độc tố lớn trên, Công ty TNHH URC có điều chỉnh công thức sản xuất để giảm độc tố chì trong sản phẩm hay không thì phía thanh tra Bộ Y tế không nắm rõ.
Như vậy, việc kiểm tra nêu trên chỉ thuần túy mang tính hình thức chứ không đứng trên quan điểm bảo vệ người tiêu dùng? Ngay cả Thanh tra Bộ cũng "không nắm rõ", người dân biết trông cậy vào đâu?