Đái tháo đường là bệnh do rối loạn hoặc mất khả năng tiết insulin của tế bào beta ở tụỵ. Bệnh một khi đã phát sẽ dần chuyển mạn tính và kéo theo nhiều biến chứng gây suy giảm sức khỏe, thậm chí tử vong nếu không được chữa trị. Một thế kỷ trước, Frederick Banting nhận giải Nobel cho phát hiện ra insulin, loại thuốc giúp cứu sống vô số người khỏi căn bệnh từng được xem là án tử này. Tuy nhiên, chính ông cũng đánh giá insulin chỉ là cách để trì hoãn chứ không trị dứt điểm hay đảo ngược bệnh.
Một thế kỉ sau, TS. Heiko Lickert, Giám đốc Viện nghiên cứu đái tháo đường, giáo sư Đại học Kĩ thuật Munich, Đức và cộng sự đã đạt được cột mốc lớn tiếp theo với việc tìm ra receptor (thụ thể) ức chế insulin mà họ đặt tên là “inceptor”.
Thụ thể ức chế insulin (“inceptor”, màu đen) nằm cạnh và gây giảm nhạy cảm thụ thể insulin (nhiều màu) trên bề mặt tế bào beta với insulin (màu xanh nước biển).
Trong nghiên cứu trên chuột, nhóm nhận thấy inceptor có vai trò làm giảm nhạy cảm của các thụ thể insulin trên bề mặt tế bào beta đối với các tín hiệu gây tiết insulin. Tức là, inceptor hạn chế sự tăng tiết insulin; bởi vậy nhóm đặt ra giả thuyết là nếu các thụ thể này bị ức chế thì sẽ cho phép tế bào beta hoạt động bình thường.
Để kiểm chứng giả thuyết, nhóm đã thử dùng một loại kháng thể đơn dòng đặc hiệu để khóa các inceptor.
TS. Ansarullah, đồng tác giả vui mừng thông báo “Kết quả đúng như chúng tôi dự đoán, cả tín hiệu insulin lẫn số lượng tế bào beta còn hoạt động đều tăng lên cho thấy việc chẹn inceptor sẽ giúp trì hoãn và đảo ngược được hiện tượng mất chức năng của tế bào beta, hay nói cách khác là trì hoãn và đảo ngược bệnh đái tháo đường.”
“Nhóm hy vọng đây sẽ là hướng tiếp cận mới để bổ sung hoặc thậm chí là thay thế cho các phương pháp truyền thống. Một khi đã xác định được đích điều trị, chúng tôi có thể tiến hành các nghiên cứu tiếp nối để phát triển thuốc điều trị mới” TS. Lickert phát biểu.