Đấu thầu thuốc bất cập, bệnh viện đang làm miễn phí

Vũ Hường-CTV Kim Chi/VOV-TPHCM |

Nhiều bất cập trong cơ chế đấu thầu thuốc, tình trạng thiếu nhân sự ngành y tế là những vấn đề được thảo luận trong buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tại một số bệnh viện công lập trên địa bàn.

Đấu thầu thuốc khiến bệnh viện bù lỗ

Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, hiện nay các bệnh viện đang tốn rất nhiều công sức đối với công tác đấu thầu, thậm chí khi mua sắm những vật dụng hành chính, quản trị...Trong khi đó, những người làm công tác chuyên môn như bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng không được đào tạo về kinh tế nên khi thực hiện việc đấu thầu lại phải đi học.

Đấu thầu thuốc bất cập, bệnh viện đang làm miễn phí - Ảnh 1.

Buổi làm việc của Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM và Sở Y tế về những bất cập trong ngành y hiện nay.

Thực tế cho thấy, thời gian qua có những sai sót về đấu thầu khiến nhiều người tài trong lĩnh vực y tế sai phạm, bị xử lý, rất lãng phí nhân lực. Vì vậy theo BS. Tuyết, cần có những đột phá trong việc đấu thầu, để y bác sĩ dành thời gian tập trung chuyên môn, chăm sóc sức khỏe người dân.

Việc kê khai giá trang thiết bị hiện nay cũng còn bất cập. Bác sĩ Tuyết nêu ví dụ, máy siêu âm 2D có nhiều tính năng và được sử dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau, nhưng khi đấu thầu chưa kê khai đủ các modul của máy, việc áp một khung giá để đấu thầu sẽ dẫn đến sai sót. Đối với công tác thẩm định giá, sau nhiều vụ án đã xảy ra, việc tìm được cơ quan thẩm định giá rất khó khắc, hoặc nếu tìm được thì chưa chắc đạt mức tin cậy.

Đối với công tác mua sắm thuốc, bà Tuyết kiến nghị, hiện nay việc xác định giá không được vượt giá trong vòng 12 tháng, điều này bất hợp lý vì giá cả thị trường có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nếu số bệnh nhân gia tăng, nhu cầu sử dụng thuốc nhiều hơn so với hợp đồng đã ký, khi sử dụng hết thuốc thì theo quy định chỉ được ký thêm không vượt quá 20%.

Đấu thầu thuốc bất cập, bệnh viện đang làm miễn phí - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, do thiếu điều dưỡng trầm trọng, TPHCM đề xuất có thêm chức danh trợ lý điều dưỡng.

Nếu muốn mua mà không nằm trong kế hoạch mua sắm thì phải sử dụng hết số thuốc cùng nhóm, trong đó có nhiều loại thuốc kỹ thuật cao, khiến giá bị đẩy lên cao, gây lãng phí. Ngoài ra, theo quy định ở các bệnh viện, giá thuốc mua vào bao nhiêu thì phải bán cho bệnh nhân bấy nhiêu, trong khi quy trình cung ứng thuốc đòi hỏi rất nhiều thứ.

“Bệnh viện Hùng Vương thuốc đưa đến tận tay bệnh nhân trước khi bệnh nhân xuất viện. Công của nhân viên chia thuốc từ kho, đóng gói, ghi hướng dẫn sử dụng thuốc,… tất cả đều làm miễn phí. Chưa kể những thuốc lưu trữ trong kho cũng tốn kém, hao hụt mà hoàn toàn không có chi phí nào hết, đặc biệt khi giao việc tự chủ tài chính cho các bệnh viện thì hoàn toàn các phần đó chúng tôi phải bù lỗ", BS. Tuyết nói.

Đề xuất chức danh trợ lý điều dưỡng

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện nay trên thế giới ngoài chức danh điều dưỡng thực hành, có chứng chỉ hành nghề thì còn có chức danh trợ lý điều dưỡng được đào tạo ngắn hạn, chỉ cần giấy chứng nhận. Hiện nay Việt Nam chưa có chức danh này nên toàn bộ công việc từ hành chính, thủ tục giấy tờ đến chăm sóc người bệnh đều do điều dưỡng thực hiện, khiến công việc của họ rất vất vả.

Đấu thầu thuốc bất cập, bệnh viện đang làm miễn phí - Ảnh 3.

Sở Y tế TP. HCM dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn, khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp lại số đã nghỉ việc…

Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng tại các bệnh viện, phụ trách hỗ trợ người bệnh vệ sinh cá nhân, giường bệnh, ăn uống, di chuyển... dưới sự giám sát của điều dưỡng. Trợ lý điều dưỡng cũng có thể tiếp nhận ban đầu, đánh giá các chỉ số về chiều cao, cân nặng...của bệnh nhân.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh thì phải đạt tỷ lệ 3 điều dưỡng/1 bác sĩ. Hiện nay tỷ lệ này tại TP.HCM là 1,86/1; hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2. Điều này cho thấy số lượng điều dưỡng tại TP.HCM bị thiếu hụt nghiêm trọng, dẫn tới chất lượng chăm sóc người bệnh đang bị giảm sút.

"Trong lộ trình phát triển của hệ thống y tế, chúng ta đang tiến dần tới chăm sóc toàn diện. Việc người bệnh vào bệnh viện được chăm sóc không cần thân nhân đi kèm, thân nhân yên tâm giao phó việc chăm sóc người nhà cho bệnh viện, thế giới đã làm được thì chúng ta phải có lộ trình này. Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào đội ngũ điều dưỡng cao đẳng, đại học thì đến khi nào mới làm được?”, ông Nguyễn Anh Dũng băn khoăn.

Thời gian qua, TP.HCM có hơn 1.000 điều dưỡng nghỉ việc, các bệnh viện gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự mới. Nguyên nhân là do thu nhập của điều dưỡng, hộ sinh chưa phù hợp so với áp lực công việc mà họ phải đảm trách, đồng thời cũng chưa có chế độ, chính sách nhằm giữ chân được nguồn nhân lực có tay nghề, đang làm việc tại các đơn vị y tế công lập./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại