Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 11:
• Tin vui 6% người Việt nhiễm viêm gan C
• Hà Nội tiêu huỷ hơn 2 tấn thịt bẩn
• Dầu ăn giá rẻ đóng can tràn lan trên thị trường
• Người nuôi lợn chịu thiệt, lợi nhuận vào hết thương lái
• Tưởng quả ngô đồng là quả óc chó, hàng loạt học sinh nhập viện
• Công thức vàng tuần này: Bài thuốc hay từ mỡ lợn
Giá biệt dược điều trị viêm gan C sẽ rẻ bằng 1% giá bán tại Mỹ
Viêm gan C là bệnh lây nhiễm, chủ yếu qua đường máu từ mẹ sang con, một số ít lây qua đường tình dục. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu người mắc chiếm khoảng 6% dân số. Khoảng 30% người mắc mãn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Bệnh không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi bệnh nhân bước vào giai đoạn nặng như xơ gan hoặc ung thư gan.
Thông tin trên Vietnamnet, Bộ Y tế vừa thoả thuận với công ty dược lớn của Mỹ để mua thuốc biệt dược điều trị viêm gan C với giá chỉ bằng 1% giá bán tại Mỹ. Theo đó, công ty này sẽ sản xuất và cung cấp đủ 3 thuốc biệt dược điều trị viêm gan C cho Việt Nam với giá thấp nhất, chỉ bằng 1% giá thuốc biệt dược đang bán cho thị trường Mỹ.
Công ty cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc điều trị viêm gan C để có giá thuốc thấp hơn giá nhập khẩu và hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các thuốc generic tương đương sinh học so với thuốc sản xuất tại Mỹ.
Viêm gan C được chia thành 6 type chính từ 1 đến 6. Theo các báo cáo điều tra thì viêm gan C type 6 và type 1 là 2 loại hay mắc nhất tại Việt Nam.
Cách tốt nhất để biết mình có bị nhiễm vi rút viêm gan C hay không là đi xét nghiệm tầm soát, nhất là những người có nguy cơ cao (truyền máu chưa sàng lọc tốt, dùng chung dụng cụ tiêm chích, có nhiều bạn tình…). Để giữ lá gan khỏe mạnh, mọi người cần tránh uống rượu, giảm hút thuốc lá, ăn uống điều độ và tập thể dục vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý.
Hà Nội buộc tiêu huỷ hơn 2 tấn thịt bẩn
Có lẽ do luật pháp chưa nghiêm và chế tài răn đe chưa đủ mạnh nên vấn đề về thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm ôi thiu, thực phẩm bẩn vẫn diễn biến phức tạp. Các vụ bắt giữ của cơ quan chức năng vẫn liên tiếp diễn ra.
Thông tin trên Giadinh.net.vn, ngày 27/4, Phòng Cảnh sát Môi trường (CATP Hà Nội) phối hợp cùng đội Quản lý thị trường số 11 tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm của ông Kim Văn Tuấn (Đội 6 – Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có khoảng hơn 2 tấn thịt các loại nhưng không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh cũng như tài liệu khác chứng minh nguồn gốc của số hàng trên.
Ông Tuấn thừa nhận vì lợi nhuận kinh tế nên đã đi thu gom số thực phẩm trên từ nhiều nơi khác để về sơ chế bán lại kiếm lời. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tuấn, buộc tịch thu tiêu hủy toàn bộ hơn 2 tấn (2.058 kg) hàng hóa sản phẩm động vật không có giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Trước đó một ngày, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, tổ công tác liên ngành Hà Tĩnh phát hiện, thu giữ 1.180 kg thực phẩm quá hạn sử dụng đang được lưu giữ trong kho của HTX Hà Hương, khối phố Văn Thịnh, Phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh.
Lô hàng bị thu giữ bao gồm: chân giò lợn, cá basa phi lê, cá trứng, cánh gà và nội tạng của gà đã quá hạn sử dụng, biến đổi màu sắc, ôi thiu.
Lô thực phẩm đã bốc mùi ôi thiu. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành HTX Hà Phương khai: Hàng hóa trong kho đông lạnh có nhiều loại khác nhau, chủ yếu được mua từ Hà Nội về bán trong khu vực TP Hà Tĩnh. Đối với lô hàng hóa hết hạn sử dụng trên được mua từ năm 2015 và 2016.
Nếu không bị phát hiện thì số thực phẩm quá hạn kia ung dung nằm trên bàn nhậu hoặc trong những món bồi bổ sức khỏe của một gia đình nào đó. Vấn đề thực phẩm bẩn không mới nhưng chưa bao giờ cũ trên thị trường nước ta thời gian qua.
Dầu ăn giá rẻ như nước lã: Mua bao nhiêu cũng có
Thực phẩm bẩn thật là đáng sợ, có mặt ở hầu như tất cả những loại hàng hóa mà hàng ngày chúng ta đang phải chứng kiến ngoài thị trường. Ghi nhận của kênh truyền hình VTC16, dầu ăn giá rẻ, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thậm chí nhái các thương hiệu nổi tiếng đang được bán tràn lan trong các chợ trên địa bàn TP. HCM.
Một tiểu thương cho biết, loại có dãn nhãn mác bán từ 20.000 – 24.000 đ/ lít, mua cả can giá còn rẻ hơn. Với loại không có nhãn mác giá còn rẻ hơn nữa, chỉ hơn chục nghìn/ lít. Tiểu thương này cũng tiết lộ vì sao dầu ăn có giá rẻ như vậy là vì hầu hết là dầu ăn cũ thải ra được cho hóa chất vào cho trong trở lại rồi bán.
Loại này không có nhãn niêm phong trên nắp can, không có tem nhãn của nhà sản xuất nên không biết chúng có xuất xứ từ đâu. Nếu muốn có nhãn mác của các hãng sản xuất dầu ăn nổi tiếng cũng không khó, tiểu thương có thể đóng dầu kém chất lượng vào bao bì của các hãng là xong.
Ngoài ra, dầu ăn loại này còn được đóng trong các túi li lông buộc dây chun. Do vậy, muốn trở thành người tiêu dùng thông thái cũng không phải chuyện đơn giản.
Theo tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, ăn các loại thực phẩm được chế biến từ dầu thải, thậm chí được hớt lên từ cống rãnh, cơ thể con người sẽ bị đầu độc dần dần.
Nếu con người ăn trực tiếp dầu này sẽ rất nguy hiểm. Nó là dung môi hòa tan các chất độc hại nằm trong nước thải, cống rãnh (từ các hóa chất tẩy rửa tới cặn kimloại nặng, thuốc nhuộm, dầu mỡ dùng bôi trơn máy móc...). Khi tiêu thụ, cơ thể con người sẽ tích tụ không biết bao nhiêu chất độc này có thể gây các bệnh nguy hiểm.
Xem chi tiết phóng sự tại đây.
Người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt, chỉ "béo" thương lái
Đây là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp nào. Không chỉ thịt lợn, mà các sản phẩm khác cũng chung cảnh ngộ như rau củ, trái cây…
Các biện pháp vẫn được đưa ra như liên kết 2-3 nhà, thậm chí 4 nhà như Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà chăn nuôi, Nhà phân phối nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Mối liên kết "4 nhà" vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, trong đó mối liên kết giữa Doanh nghiệp với Nhà chăn nuôi vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau và chỉ nhà chăn nuôi là thu được ít nhất giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa.
Thông tin trên báo VietQ, gần 2 tháng nay những người chăn nuôi heo đang khóc ròng vì giá heo hơi bán tại chuồng xuống thấp. Tuy nhiên giá thịt lợn được bán ngoài chợ vẫn không hề giảm. Giá heo xuất chuồng đang giảm ở mức kỷ lục chỉ còn 27.000-28.000 đồng/kg.
Thậm chí, tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi có nơi giảm còn 22.000-25.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò bán được 80.000 đồng/kg, thăn 90.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg, thịt tai, má 75.000 đồng/kg, móng giò 70.000 đồng/kg.
Nếu trừ giá mua tại chuồng thì thương lái lãi 3,5 triệu đồng. Song, dù mua lợn ở ngoại thành Hà Nội cũng phải qua ít nhất 3 khâu trung gian. Những khâu trung gian đầu không giảm giá thì tiểu thương cũng không thể giảm được.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi thừa nhận thực trạng trên và cho hay, nông dân không thể tự đem sản phẩm của mình ra chợ bán được, thế nên, muốn bán phải thông qua khâu trung gian. Song, trong chuỗi phân phối, khâu trung gian đang ăn lãi quá nhiều.
Vì thế, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát thương lái, cơ sở giết mổ cũng như các siêu thị. Vấn đề này Bộ Công thương cần phải làm rõ.
Từ chuyện giá thịt heo, ngẫm xa hơn là giá bán các loại nông sản đến tay người tiêu dùng ở nước ta hiện nay mà buồn cho người sản xuất!
Ảnh minh họa
Lại ngộ độc do ăn quả ngô đồng ở miền Trung, 37 học sinh nhập viện
Chưa năm nào mà ngộ độc do ăn quả ngô đồng lại nhiều như năm nay, và đến giờ chỉ tập chung ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Liên tiếp các vụ học sinh phải nhập viện cấp cứu do ăn hạt quả ngô đồng như vụ 9 em học sinh Trường Tiểu học Tân Giang, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, đến vụ hơn 50 học sinh của trường Tiểu học Nghi Hoà, TX Cửa Lò.
Và giờ là 37 em học sinh khối 6 và 7, trường THCS Quỳ Châu, Nghệ An nhặt quả ngô đồng ăn thì có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Khi được hỏi vì sao lại ăn quả ngô đồng thì các em rất hồn nhiên đúng với lứa tuổi trả lời rằng cứ tưởng trái ngô đồng là quả óc chó nên đã rủ nhau ăn cho... thông minh. Rất may mắn, tất cả các vụ ngộ độc trái ngô đồng nói trên cho đến nay đều không có trường hợp nào tử vong.
Bác sĩ thăm khám cho một nam sinh bị ngộ độc do ăn phải quả ngô đồng ở Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thế Kiên/Zing.vn
Theo ThS-BS Nguyễn Trương Minh Thế, giảng viên khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM, loại trái mà người dân hai địa phương trên gọi là ngô đồng thật ra có tên là ba đậu tây hoặc vông đồng, tên khoa học là Hura crepitans, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.
Cây ba đậu tây to, thân có gai, lá hình tim hơi ba cạnh, mép có răng cưa. Nhựa và hạt của cây chứa chất dầu, có độc, có thể gây chết người.
Ở Việt Nam, loại này ít được dùng làm thuốc, chỉ thấy dùng ở châu Phi và Indonesia nhưng cũng hạn chế do có tính tẩy xổ mạnh, gây tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí tử vong. Ngoài hạt có chứa độc, nhựa cây ba đậu tây cũng có thể làm sưng đỏ mắt nếu vô ý để nhựa bắn vào mắt.
Sở GD&ĐT Nghệ An đã gửi công văn khuyến cáo: Quả cây ngô đồng có chất độc, khi ăn vào sẽ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của các học sinh, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Sở yêu cầu các trường trên địa bàn tỉnh khuyến cáo, tuyên truyền rộng rãi đến các em không được ăn quả ngô đồng cũng như hoa quả khác để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.