Những nôi dung chính có trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 10:
• Một tuần sóng gió của son môi
• Thịt lợn, thịt gà nhập khẩu giá rẻ không thể tin nổi
• Ngộ độc vì ăn bánh tét
• Thực phẩm bẩn khiến người dân cảm thấy bất an
• Công thức vàng cuối tuần: Hạt đu đủ
"Ăn" son hàng ngày nhưng chị em đừng vội hoang mang!
Bên lề hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017 vừa diễn ra tuần qua, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai kể về trường hợp một nữ MC của VTV bị nhiễm độc chì vì thường xuyên tô son môi màu đậm.
Câu chuyện của PGS.TS Phạm Duệ cùng với cảnh báo liên tiếp sau đó của lãnh đạo BV Da liễu trung ương, các chuyên gia hóa thực phẩm về tác hại của chì, đã khiến rất nhiều chị em phụ nữ băn khoăn lo lắng: vậy dùng son thế nào mới an toàn?
Thực tế, chỉ cần đọc kỹ trong hầu hết cảnh báo nêu trên thì câu trả lời đã rõ: đừng chọn loại son có màu quá đậm, mua son của các nhãn hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Minh chứng cho độ "an toàn" của loại son "có nguồn gốc rõ ràng" là việc một số tờ báo dẫn tên 10 thương hiệu nổi tiếng thế giới từng được khảo sát và có hàm lượng chì thấp hơn rất nhiều ngưỡng cho phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Bên cạnh đó, trong buổi đối thoại trực tuyến với Trí Thức Trẻ, chuyên gia Vũ Thế Thành đã đưa ra thêm cái nhìn đa chiều về vấn đề này. Theo ông, không nên lo lắng thái quá vì nguy cơ nhiễm độc chì từ son môi (có nguồn gốc rõ ràng) là rất thấp, thậm chí chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh son môi gây nhiễm độc chì cả! Mời xem clip bên dưới:
Thịt lợn, thịt gà nhập khẩu giá rẻ khó tin nổi!
Thông tin từ Giadinh.net.vn, Tổng cục Hải quan cho biết, người Việt tiêu thụ rất nhiều các phụ phẩm chế biến mà những nước xuất khẩu không dùng đến vì lý do sức khỏe hoặc văn hóa. Các phụ phẩm được nhập về như chân gà, cánh gà, móng giò, nội tạng lợn…
Sẽ chẳng có gì đáng phải bàn vì mỗi dân tộc có những khẩu vị ăn uống khác nhau, nhưng ngoài phụ phẩm ra, thời gian vừa qua các loại chính phẩm cũng về rất nhiều. Đặc điểm chung của chúng đều là hàng đông lạnh và giá siêu rẻ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm, thị trường Việt nhập gần 7.800 tấn thịt lợn, tính bình quân mỗi kg thịt lợn có giá 27.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bình quân thịt lợn trong nước giá 90.000 đồng/kg. Ví dụ móng giò có xuất xứ Ba Lan, giá nhập khẩu ghi rõ là 0,8 USD/kg, quy ra tiền Việt là hơn 17.000 đồng/kg. Trong khi giá móng giò lợn do người trong nước sản xuất ra có giá là 40.000 đồng/kg.
Tim và sườn lợn đông lạnh giá rẻ được rao bán online. Ảnh: H.P
Giá thịt gà nhập khẩu cũng chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi giá gà công nghiệp trong nước 60.000 đồng/kg, thịt gà ta có giá lên đến 120.000 đồng/kg. Như vậy, thịt gà nhập khẩu rẻ hơn từ 2 - 6 lần thịt gà trong nước!
Người Việt thường có câu "của rẻ là của ôi" hay "tiền nào của ấy", nhưng đây là hàng đông lạnh nên cũng chẳng ngửi được để phân biệt. Điều mà các bà nội trợ băn khoăn nhất là "sao giá của chúng rẻ thế?".
Cứ cho là hàng nhập khẩu đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng thông tin từ các cơ quan chức năng cảnh báo các loại thịt kém chất lượng đang mượn danh hàng đông lạnh nhập khẩu vẫn tung hoành trên thị trường trong khi cơ quan chức năng không kiểm soát hết do lực lượng quá mỏng.
"Tử thần" lại ngấp nghé trong cỗ đám tang
Ngoài lời khuyên ăn chín uống sôi, giờ đây bác sỹ còn khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trong những bữa ăn tập thể.
Các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn bánh tét. Ảnh: V.T.
Bài học đau lòng về 8 người tử vong do ngộ độc thực phẩm khi ăn cỗ trong đám tang tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu chưa nguôi thì tuần qua, gần 20 người lại vào viện cấp cứu khi ăn bánh tét trong đám tang tại Thừa Tiên-Huế.
Thông tin trên Zing.vn, một đội âm công đến đưa đám cho bà của ông Hồ Đắc Hiếu tại thôn Phú Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc vào trưa 19/4 thì được tang chủ tặng cho bánh tét ăn. Đội âm công này cùng với người nhà đã ăn các đòn bánh tét thì bắt đầu đau bụng, tiêu chảy.
Đến sáng 20/4, khá nhiều người đã bị đau bụng dữ dội phải đi nhập viện tại Trung tâm Y tế Thị xã Hương Thủy. Vào trưa 21/4 vẫn còn 19 bệnh nhân trong đó có 3 em nhỏ đang điều trị tại khoa Lây - Lao và khoa Nội nhi của Trung tâm.
Hơn 3 triệu cuộc kiểm tra, chỉ 1 vụ rượu độc được khởi tố
Trong phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội chiều ngày 20/4 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, mức độ nguy hại của thực phẩm bẩn ngày càng nhiều, làm người ta cảm thấy cuộc sống không yên bình.
"Ti vi hàng ngày mở ra thấy tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, thấy cuộc sống của dân không yên bình, quá nhiều rủi ro rình rập" - Chủ tịch QH băn khoăn. Theo: Vietnamnet
Vietnamnet dẫn Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết: Trong 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc với gần 31.000 người mắc, 25.600 người phải nhập viện, 164 người chết. 70.000 người chết/năm vì bệnh ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm tỷ lệ 26,6%).
Trong giai đoạn 2011-2016, kết quả kiểm nghiệm rau quả cho thấy, tỷ lệ tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là gần 8,5%. Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ được giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ, tình trạng chung là không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ…
Đáng lưu ý, trong 5 năm, có hơn 150.000 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành được thành lập, kiểm tra được trên 3,3 triệu cơ sở, phát hiện gần 680.000 cơ sở vi phạm (tương đương 20,3%). Dù vậy, theo thống kê của Bộ công an, trong thời gian đó, chỉ có 1 vụ việc được khởi tố hình sự, 9 vụ khác được đề nghị truy tố.