Có phải ăn nhiều cơm sẽ "ôm bệnh" vào người? Chuyên gia nói: Đừng ăn sai lại đổ vạ cho cơm

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia cơm (carbohydrat ) là thực phẩm thiết yếu đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Ăn thừa hay thiếu carbohydrat đều ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

Cơm trắng, ảnh minh hoạ.

Cơm trắng, ảnh minh hoạ.

Đừng vội đổ tội cho cơm

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội mọi người chia sẻ rầm rộ thông tin ăn nhiều cơm sẽ làm tăng đường huyết, dư thừa năng lượng gây lên căn bệnh đái tháo đường và các căn bệnh rối loạn chuyển hoá khác. Với thông tin này đưa ra đã kiến cho nhiều người rất lo sợ và bối rối không biết nên ăn cơm như thế nào để tốt cho sức khoẻ.

Liên quan tới vấn đề ăn cơm nhiều có khiến mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh rối loạn chuyển hoá khác hay không, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: "Chúng ta cần phải nhìn nhận khách quan, ngày xưa khi thực phẩm khan hiếm cơm là nguồn năng lượng chính. Do vậy, một người trưởng thành mỗi bữa cơm có thể ăn từ 3-4 bát nhưng không có chuyện gia tăng bệnh lý rối loạn chuyển hoá.

Còn hiện nay, dù số lượng tinh bột của mọi người ăn vào ít hơn xưa nhưng các bệnh rối loạn chuyển hoá vẫn gia tăng trong đó có đái tháo đường.

Gốc rễ của vấn đề chính là ở việc ít vận động và ngoài cơm thì con người còn ăn nhiều chất đạm, chất béo. Do vậy, chúng ta không nên đổ lỗi cho cơm".

Có phải ăn nhiều cơm sẽ ôm bệnh vào người? Chuyên gia nói: Đừng ăn sai lại đổ vạ cho cơm - Ảnh 1.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, ảnh Ngọc Minh.

Để ăn cơm tốt cho sức khoẻ, vị chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích, mỗi người cần phải xem lại cách ăn cơm hàng ngày đã hợp lý chưa.

Ví dụ như, người sợ béo ăn giảm cơm nhưng lại tăng cường chất béo chất đạm, ăn nhiều hoa quả, đồ uống thì là chưa đúng vì đây đều là các thực phẩm có chứa năng lượng, đường.

Hiện rất nhiều người nghĩ hoa qủa tốt nên ăn nhiều. Nhưng theo khuyến nghị cũng chỉ nên ăn 200gram/ngày. Nếu ăn hoa quả nhiều sẽ bổ sung quá nhiều đường vào cơ thể.

"Khi chúng ta ăn sai không cân bằng các nhóm chất thì không thể đổ lỗi cho cơm được.Tại Bệnh viện Nội tiết TƯ, khi tôi tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân, tôi vẫn khuyên bệnh nhân đái tháo đường không được kiêng cơm.

Các bác sĩ vẫn cho bệnh nhân đái tháo đường ăn 2 miệng bát cơm. Do vậy, không thể đổ tội mắc đái tháo đường là do ăn cơm. Chúng ta phải kiểm soát tất cả nguồn thực phẩm đưa vào cơ thể. Người bình thường nếu chỉ ăn cơm, không có điều kiện ăn bún phở thì ăn đủ 4-5 bát cơm/ngày. Chúng ta đừng sợ cơm, mà nên ăn đủ.

Tùy theo nhu cầu và tính chất công việc của mỗi người để quyết định ăn bao nhiêu là đủ. Ví dụ người chỉ nạp 1.600kcal/ngày thì ăn 4 bát cơm, nhưng với người hoạt động thể lực nhiều, cần nạp 2.000kcal/ngày thì phải ăn 5 bát", bác sĩ Hưng nói.

Cách ăn khoẻ mạnh chính là cân đối

Bác sĩ Hưng khuyến cáo, điều quan trọng nhất trong dinh dưỡng đó là phải ăn cân bằng và đa dạng các nhóm chất thiết yếu như đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Việc ăn mất cân đối sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Vào mùa hè thời tiết oi nóng, cộng thêm với việc hoạt động thể lực nhiều mỗi khi di chuyển hay vui chơi. Vì thế, việc bổ sung vitamin và khoáng chất từ nguồn rau xanh và quả chín là vô cùng quan trọng nhằm bổ sung lượng nước, khoáng chất đã bị tiêu hao.

Theo khuyến cáo, mỗi người trưởng thành nếu không có bệnh lý thì nên ăn từ 200-300 gram quả chín mỗi ngày là hợp lý. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ hoạt động nhiều có thể bổ sung tăng số lượng lên một chút, nên ăn những loại quả giúp cơ thể bổ sung nhiều nước và các loại vitamin C…

Còn theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, mọi người không nên quá tập trung vào ăn cơm quá nhiều mà cần phải đa dạng các món ăn đi kèm.

Cần lưu ý ăn rau trước khi ăn cơm và thức ăn. Chất xơ có trong rau sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào cơ thể. Lượng carbohydrate mà bạn nạp vào sẽ mất nhiều thời gian hơn để chuyển hóa thành glucose. Điều này giúp đường huyết không tăng cao và hạn chế áp lực cho quá trình tổng hợp đường của cơ thể.

Nên chọn các loại ngũ cốc thô nguyên hạt sẽ giữ được vitamin và chất xơ: gạo lứt, yến mạch, ngô, lúa mì, mè đen, đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ…. Những loại carbohydrate phức hợp trong ngũ cốc giúp điều hòa sự hấp thụ đường đồng thời thúc đẩy sự chuyển hóa chất béo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại