Chuyện đau lòng ở phòng bệnh ám ảnh các bác sĩ: Đừng để bạn trở thành nạn nhân tiếp theo!

Trần Quỳnh |

Nhiều năm qua đi, những vị chuyên gia này vẫn không khỏi trầm ngâm mỗi khi nhắc tới một số câu chuyện đau lòng trước kia...

1. Không kiểm soát được cơn giận: Cơ thể sẽ phải "chịu trận"

Đến từ Bệnh viện Trung y dược Bắc Kinh, chuyên gia tiêu hóa, giáo sư Hách Vạn Sơn từng có kỷ niệm khó quên về ca bệnh của một phụ nữ bị tái phát sau 30 năm chỉ vì… tức giận.

Giáo sư Hách chia sẻ:

"40 năm về trước, tôi từng tiếp nhận ca bệnh của một cô bé 14 tuổi. Cô bé ấy vốn sở hữu thân thể khỏe mạnh, chẳng mấy khi ốm đau.

Duy chỉ có một lần, vì không được lọt vào top học sinh xuất sắc trong lớp, cô bé cho rằng giáo viên chủ nhiệm đã trù dập mình.

Kết quả là bữa cơm trưa hôm đó, cô bé vô cùng tức giận, ăn cơm cũng nuốt không trôi, khiến thức ăn trào ngược lên thực quản và dẫn tới tình trạng đau ngực, khó nuốt.

Sau khi chẩn đoán, tôi xác định cô bé 14 tuổi ấy đã bị mắc chứng co thắt tâm vị achalasia. Tôi cũng đề nghị gia đình làm phẫu thuật cho cháu bé và đã được chấp nhận.

Kết quả là ca phẫu thuật diễn ra rất thành công, cô bé có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường trở lại.

Không ngờ 30 năm sau, cô bé năm nào, giờ đã là một phụ nữ 44 tuổi lại tìm tới tôi để chữa bệnh. Hóa ra, chỉ vì một lần tức giận vì chuyện trong gia đình, căn bệnh năm nào của cô lại bị tái phát".

Giáo sư Hách phân tích, chứng bệnh này bắt nguồn từ việc hô hấp quá mạnh do kích động, khiến cơ vòng thực quản bị co thắt. Co thắt tâm vị achalasia có thể gây ra tình trạng khó nuốt, đau ngực, buồn nôn, sụt cân và một số bệnh lý về hô hấp.

Khi bệnh nhân hỏi có thể trị tận gốc căn bệnh này được hay không, giáo sư Hách chỉ nhẹ nhàng hỏi lại:

"Cô có biết căn nguyên của bệnh này nằm ở đâu không? Lần đầu tiên phát bệnh là do cô tức giận, lần thứ hai tái phát cũng là do cô nóng giận. Đó chính là "cái gốc". Có thể trị bệnh tận gốc hay không còn tùy thuộc vào việc cô có tức giận nữa hay không".

Theo thống kê được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Atlanta tại Hoa Kỳ công bố, 90% các bệnh lý đều có nguyên nhân liên quan tới tình trạng căng thẳng tinh thần, đặc biệt là nhóm bệnh về tim mạch.

Trung y cũng quan niệm "đa sân thượng căn", có nghĩa là tức giận sẽ làm tổn thương gan. Vì vậy, muốn hạn chế mắc bệnh, điều mấu chốt nhất chính là phải học được cách kiểm soát cơn giận. Càng ít nóng giận, cơ thể sẽ càng khỏe mạnh, tinh thần cũng càng minh mẫn, con người nhờ vậy mới có thể trường thọ.

Chuyện đau lòng ở phòng bệnh ám ảnh các bác sĩ: Đừng để bạn trở thành nạn nhân tiếp theo! - Ảnh 1.

Giáo sư Hách Vạn Sơn cho rằng, kiểm soát cơn giận là cách tốt nhất để bảo vệ hệ tiêu hóa nói riêng và toàn cơ thể nói chung. (Ảnh: Nguồn Internet).

Kiến nghị: Mỗi khi cảm thấy tức giận, bạn hãy thường xuyên xoa bụng. Động tác này vừa giúp điều hòa tâm tình, vừa bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi các hậu quả từ việc nóng giận, đồng thời cũng có lợi cho giấc ngủ.

2. Không quan tâm tới cơ thể: Sức khỏe sẽ "lãnh đủ"!

Trải qua hàng chục năm công tác, nhưng cho tới tận bây giờ, Trưởng khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Ung bướu Đại học Bắc Kinh, bác sĩ Cố Tấn vẫn không thể nào quên được trường hợp đáng buồn của một vị cán bộ qua đời vì… giấu bệnh!

Trưởng khoa Cố chia sẻ, nhiều năm về trước, ông từng tiếp nhận trường hợp của một bệnh nhân làm cán bộ cấp tỉnh.

Vị này lúc đó tuổi đời mới ngoài 40, đường quan lộ thênh thang, rộng mở. Nhưng đúng vào lúc này, ông lại phát hiện ra mình mắc ung thư.

Vì sự nghiệp của mình, vị cán bộ ấy đã quyết định giấu bệnh, ban ngày tới đơn vị công tác bình thường, chỉ tranh thủ thời gian nghỉ hè ngắn ngủi để bí mật tiến hành phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật, ông cũng không nói với bất kỳ ai, trở về đơn vị đi làm như bình thường.

Trưởng khoa Cố không khỏi trầm tư:

"Khi đó, tôi khuyên ông ấy hãy tạm gác lại công việc để chuyên tâm điều trị, nếu không nỗ lực chạy chữa sẽ trở về con số không.

Nhưng ông ấy kiên quyết từ chối và nói: ‘Bác sĩ có biết, cái ghế tôi đang ngồi có bao nhiêu người muốn tranh đoạt không? Họ mà biết tôi bị bệnh, chẳng vui như Tết mới là lạ. Nếu để lộ tin này ra ngoài, tiền đồ phía trước của tôi coi như đổ sông đổ bể’.

Và cứ như vậy, ông ấy tiếp tục giấu bệnh đi làm, từ chối tiến hành hóa trị. Kết quả là tế bào ung thư nhanh chóng di căn. Vị cán bộ ấy chưa kịp thăng quan tiến chức đã qua đời vì bệnh tật…"

Trong cuộc sống, nhiều người luôn vì các lý do khác nhau mà lựa chọn giấu diếm bệnh tật của bản thân.

Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, bệnh tật vốn chẳng biết chờ. Nếu bạn không thương tiếc thân thể, thân thể sẽ phải "lãnh đòn" cho bạn.

Chuyện đau lòng ở phòng bệnh ám ảnh các bác sĩ: Đừng để bạn trở thành nạn nhân tiếp theo! - Ảnh 2.

Bác sĩ Cố Tấn vẫn không khỏi trầm tư mỗi lần tâm sự về câu chuyện của người cán bộ ông từng chạy chữa năm nào... (Ảnh: Nguồn Internet).

Kiến nghị: Khi thấy cơ thể đột nhiên xuất hiện các triệu chứng bất thường như nhức đầu, choáng váng, tiêu chảy, táo bón, đi ngoài ra máu, trướng bụng, sút cân không rõ lý do… bạn nên nhanh chóng tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện.

Trong trường hợp phát hiện bệnh trạng, dù ở mức độ nặng hay nhẹ, bạn cũng cần chuyên tâm điều trị để tránh bệnh tình tiến triển theo chiều hướng xấu.

3. Quá cầu toàn: Nguyên nhân "tưởng như vô tội" nhưng lại gây ra nhiều bệnh!

Đến từ Đại học Trung y dược Thượng Hải, Giáo sư Hà Dụ Dân cũng có một kỷ niệm khó quên trong nhiều năm hành nghề chữa bệnh cứu người. Ông chia sẻ:

"Trước kia, có một người từng tìm đến tôi chữa bệnh. Cô là hiệu trưởng một trường tư thục, bị phát hiện mắc ung thư vú. Điều đáng nói nằm ở chỗ, tình trạng bệnh tình của cô ấy vốn đã được khống chế rất tốt, nhưng lại đột ngột chuyển nặng chỉ vì cô quá… cầu toàn!

Người bệnh này từng chia sẻ với tôi rằng:

‘Mỗi khi về nhà, chỉ cần nhìn thấy bàn có chút bụi bặm, tôi lập tức muốn nổi nóng. Chỉ cần nhìn thấy bụi bẩn là trong lòng tôi vô cùng khó chịu, phải lau sạch ngay lập tức mới có thể thoải mái. Tôi biết như vậy là bất thường, tôi cũng cho rằng mình mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế’.

Cô ấy còn tâm sự thêm:

‘Tôi làm hiệu trưởng một trường tư, lăn lộn 40 năm trong ngành giảng dạy, chưa bao giờ phạm bất kỳ một lỗi nào, luôn là cá nhân được khen thưởng thành tích. Đời sống hằng ngày của tôi cũng hết sức khoa học. Kỳ thực tôi không biết đâu là lý do khiến mình mắc căn bệnh này’.

Nghe xong tâm sự của vị nữ hiệu phó ấy, tôi trả lời:

‘Đó là vì cô theo đuổi sự cầu toàn, mà cái gì quá cũng không tốt. Cô bị ung thư vú là hệ quả của một chuỗi những áp lực lâu dài. Cô quá chú ý những chi tiết nhỏ nhặt, nên hệ thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng, dẫn tới rối loạn bài tiết, sinh ra bệnh tật".

Chuyện đau lòng ở phòng bệnh ám ảnh các bác sĩ: Đừng để bạn trở thành nạn nhân tiếp theo! - Ảnh 3.

Giáo sư Hà Dụ Dân khẳng định, thay vì cứ cố gắng gồng mình lên làm tốt mọi thứ, hãy để bản thân bạn được thanh thản, an nhiên, sống như vậy ắt sẽ phòng được bách bệnh. (Ảnh: Nguồn Internet).

Kiến nghị: Trong cuộc sống, chúng ta không nên quá câu nệ tiểu tiết, cũng không nên quá cầu toàn.

Trung y có quan niệm, muốn thân thể khỏe mạnh, đôi khi phải sống hồ đồ một chút, qua loa một chút. Càng muốn trường thọ thì hãy càng sống sao cho đơn giản. Muốn có hạnh phúc thì tốt nhất nên có chút thoải mái.

Cuộc sống thoải mái, tự tại, an lạc như vậy sẽ khiến bệnh tật cách xa chúng ta.

*Theo Sina Health

Xem thêm:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại