Chuẩn bị cho nước Mỹ trước những "cú sốc": Một điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra?

DK |

Cựu CEO Google, Eric Schmidt từng tuyên bố với Tư lệnh Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt của Mỹ: "Nếu ở trong lều của ông chỉ 1 ngày, tôi có thể giải quyết hầu hết các vấn đề".

Mới đây trang War on the Rock đăng bài viết "Why you can't call in an air strike with an iPhone" (tạm dịch: Tại sao bạn không thể yêu cầu không kích bằng một chiếc iPhone) của nhà phân tích Jonathan Wong, chúng tôi lược dịch nhằm mang tới cho độc giả một cái nhìn tổng quan về thực tế áp dụng công nghệ viễn thông trong Quân đội Mỹ.

Từ thất bại của dự án Tactical Radio tới máy thông tin PRC-117G

Trong vòng 15 năm (từ 1996 đến 2011) Lục quân Mỹ đã chi số tiền lên tới 6 tỷ USD để nghiên cứu và chế tạo một "tactical radio" (tạm dịch: máy thông tin vô tuyến chiến thuật) mới.

Đây được đánh giá là khoản tiền khá lớn hòng đem lại lợi thế quan trọng trên chiến trường nếu so sánh với khoản chi chỉ khoảng 3 tỷ USD cho máy bay không người lái tấn công (UCAV) MQ-1 Predator.

Trong khi MQ-1 đã mở ra một kỷ nguyên mới của cái gọi là "chiến tranh không người lái" thì dự án tốn kém nói trên của Lục quân Mỹ đã bị hủy bỏ trước khi có thể tạo ra một sản phẩm thực sự.

Harris Communications (HC), một trong những công ty theo đuổi tham vọng trên, đã đầu tư tới 200 triệu USD cho quá trình nghiên cứu và phát triển một hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến quân sự và đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Lầu Năm Góc.

Vào năm 2008, HC đã thành công với sự ra đời của PRC-117G, một "máy thông tin vô tuyến chiến thuật" hỗ trợ kết nối mạng dữ liệu và được cho là phù hợp cho yêu cầu của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.

Chuẩn bị cho nước Mỹ trước những cú sốc: Một điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra? - Ảnh 1.

Lính Mỹ liên lạc bằng PRC-117G.

PRC-117G là một sản phẩm nổi bật, minh chứng rằng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ dân sự vào quân sự mà vẫn đảm bảo độ tin cậy. Đồng thời, khẳng định việc các công ty thương mại có thể chế tạo các sản phẩm hiệu quả hơn nhiều so với những dự án tương tự được triển khai bởi bộ máy với những quy trình "rườm rà" của Lầu Năm Góc.

So với những năm 1990, tiềm năng của việc đưa các công nghệ thông tin - thương mại vào ứng dụng quân sự đã rõ ràng hơn bao giờ hết.

Ví dụ như Pivotal, một công ty phần mềm đã tham gia chương trình Kessel Run của Không quân Mỹ nhằm chuyển đổi các chương trình phục vụ việc tiếp nhiên liệu trên không sang giao diện dễ sử dụng.

Hãy thử tưởng tượng các UCAV được vận hành bởi trí thông minh nhân tạo (AI) có khả năng áp đảo phòng không đối phương cũng như việc ứng dụng các cảm biến lượng tử để phát hiện các tàu ngầm đang ẩn mình dưới lòng biển bằng những "bất thường" do chúng tạo ra trên mặt nước.

Tiềm năng ứng dụng vào quân sự cho những thứ được miêu tả nói trên và các công nghệ khác được phát triển với mục đích thương mại là rất lớn. Tuy nhiên, phản ứng của Quân đội Mỹ với các đề xuất này được cho là "tiêu cực".

Lưỡng viện Mỹ đã từng đặt câu hỏi với Bộ Quốc phòng Mỹ về lý do tại sao họ không muốn vận hành phần mềm phân tích tình báo Palantir được phát triển bởi các tổ chức thương mại.

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Google đã từng tuyên bố với người đứng đầu Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt của Mỹ (USSOCOM) rằng "nếu tôi ở "trong lều" của ông chỉ 1 ngày, tôi có thể giải quyết hầu hết các vấn đề".

Vào đầu năm 2020, CEO của Tesla, Elon Musk đã tự tin tuyên bố rằng một tiêm kích tàng hình F-35 sẽ "không thể so sánh được" với một máy bay không người lái (UAV) bán tự hành (được AI điều khiển một phần) trong các cuộc đối đầu trên không.

Một điểm chung giữa các "ông lớn" công nghệ Mỹ là những đột phá trong công nghệ phục vụ thương mại sẽ rất quan trọng trong chiến tranh tương lai và rằng các quy trình quá "cứng nhắc" của Lầu Năm Góc đang là trở ngại cho tương lai đó.

Chuẩn bị cho nước Mỹ trước những cú sốc: Một điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra? - Ảnh 3.

Các nguyên mẫu robot được thử nghiệm trong một cuộc tập trận.

"Nói thì dễ hơn làm"

Trong cuốn "The Kill Chain: Defending America in the Future of High-Tech Warfare" (Chuỗi giết chóc: Phòng thủ nước Mỹ trong Chiến tranh công nghệ cao tương lai), tác giả Christian Brose cho rằng các ưu đãi của Lầu Năm Góc đối với các nhà sản xuất vũ khí truyền thống đang ngăn cản công nghệ thương mại "bám rễ" vào quân đội.

Ông Brose lập luận rằng các công nghệ thương mại như AI sẽ xác định tương lai của xung đột và Mỹ đang thua kém các "đối thủ". Các đối thủ của Mỹ đã theo dõi, học hỏi và "đánh cắp" một lượng lớn công nghệ mới, bao gồm AI, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học và không gian.

Ông cũng cho rằng chính sự kiêu ngạo của nước Mỹ đã khiến cho hành động này ngày càng trở nên chậm chạp - bên cạnh các cuộc một cuộc phiêu lưu "chống khủng bố" kéo dài gần 2 thập kỷ khiến Mỹ "mất tập trung".

Brose tin rằng, khi phải đối đầu với những cường quốc mới nổi "với những con chip trên vai" và tham vọng công nghệ quân sự nghiêm túc, thì quân đội Mỹ sẽ không thể lặp lại những gì mà họ đã làm trong Chiến tranh Lạnh (trong cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô).

Tuy nhiên vào những năm 2020 đã có "một điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra" với đại dịch Covid-19 và ưu tiên ngân sách cho các chương trình chi phí thấp. Theo Brose, việc cạnh tranh công bằng có thể chuẩn bị cho nước Mỹ trước những "cú sốc" từ các đối thủ.

Chuẩn bị cho nước Mỹ trước những cú sốc: Một điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra? - Ảnh 4.

Với động cơ tên lửa đẩy BE-4 của Blue Engine đang được hoàn thiện, Mỹ kỳ vọng sẽ thay thế động cơ tên lửa RD-180 của Nga.

Những lời chỉ trích về bộ máy quân sự quan liêu liệu có phải là lý do duy nhất khiến những người lính Mỹ không thể yêu cầu các cuộc không kích từ những chiếc iPhone hay sử dụng AI để vận hành UCAV?

Vẫn còn có tới 2 lý do ảnh hưởng tới điều này. Thứ nhất, nói về việc chuyển đổi các công nghệ thương mại cho mục đích quân sự thì dễ hơn làm, và thứ hai là quân đội có thể chưa thực sự được thuyết phục rằng các công nghệ thương mại đang có sẵn là những gì họ mong muốn.

Những bước tiến trên AI của xe lái tự động Tesla là đáng khích lệ, tuy nhiên theo nhà phân tích Maaike Verbruggen, những kỳ vọng đối với AI quân sự nên được "tiết chế" do chúng chưa đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự.

Rõ ràng việc biến AI trở nên hiệu quả với chi phí thấp để sử dụng trong quân sự vẫn sẽ tồn tại nhiều trở ngại đáng kể. Xây dựng một mạng lưới chiến thuật duy nhất, đủ mạnh để liên kết các nền tảng vũ khí cũng vẫn là một thách thức khó khăn hơn nhiều so với lý thuyết.

Công nghệ thương mại được điều chỉnh cho mục đích quân sự có thể ít rủi ro về mặt kỹ thuật hơn vì đã tương đối hoàn thiện, nhưng tiêu chuẩn quân sự bao giờ cũng khắt khe hơn để đối mặt với việc bị đối phương khai thác các điểm yếu.

Chuẩn bị cho nước Mỹ trước những cú sốc: Một điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra? - Ảnh 6.

Lính Mỹ yêu cầu yểm trợ đường không nhằm vào vị trí các tay súng Taliban tại làng Layadira, tỉnh Kandahar, Afghanistan tháng 2/2013 (Nguồn: The New York Times).

Công nghệ là "con dao hai lưỡi" trong chiến tranh tương lai?

Trong cuốn sách của mình, Brose "vẽ" ra một bức tranh chi tiết về các cảm biến xác định vị trí của đối phương mà không bị phát hiện, một chiến trường tràn ngập các hệ thống không người lái sử dụng một lần và các hệ thống mạng sẽ đẩy nhanh tốc độ của các trận chiến.

Một mạng lưới liên kết chiến trường bằng các cảm ứng có thể hoạt động tốt nhưng chỉ khi chúng được vận hành. Điều gì sẽ xảy ra khi một kẻ địch nguy hiểm tấn công thẳng vào đó và biến lợi thế thành yếu điểm chết người?

Các chỉ huy sẽ tận dụng các kết nối như thế nào? AI sẽ đóng vai trò gì? Công nghệ sẽ tăng cường tính chủ động và quản lý vi mô hay tự hạn chế nó?

Một số nhà phân tích như Laura Schousboe, BA Friedman và Olivia Garard đã kêu gọi sự thận trọng hơn đối với "sự mê hoặc" của "chiến tranh mạng", và rằng vai trò cuối cùng của công nghệ vẫn chưa rõ ràng.

"Sự tương tác của con người (cả địch lẫn ta) đối với các hệ thống nói trên nên được cân nhắc một cách nghiêm túc. Công nghệ thương mại có thể đóng một vai trò quan trọng trong xung đột tương lai, nhưng Lầu Năm Góc không nên quá lạc quan ở chúng.

Tầm nhìn về cuộc chiến tranh mạng trong tương lai được cho là hấp dẫn, nhưng nước Mỹ sẽ không thực sự biết kịch bản này sẽ diễn ra như thế nào cho đến khi khủng hoảng thực sự bùng nổ.

Cảm nhận này cũng xảy ra tương tự với các đối thủ của Mỹ. Công nghệ thương mại sẽ đóng một vai trò nhất định, nhưng quân đội vẫn phải xem xét các bước đi bổ sung để việc áp dụng chúng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả".

Theo nhà phân tích Richard Danzig, các dự đoán về cách thức tiến hành chiến tranh tương lai trước các cuộc chiến thường là sai lầm.

Kết luận

Vào thời điểm tổ hợp "máy thông tin vô tuyến chiến thuật" mà Harris Communications ra đời, nó không hoàn hảo và cũng không phải là thiết bị liên lạc tốt nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng ở thời điểm đó, nó thiếu rất nhiều tính năng.

Các nhà thiết kế đã hoàn thiện nó bằng cách kết hợp những gì có thể về mặt công nghệ với các yêu cầu về hiệu suất, điều quan trọng nhất đối với "người dùng" - ở đây là Quân đội Mỹ.

Khi Lầu Năm Góc và các nhà sản xuất tiếp tục khám phá tiềm năng của các công nghệ thương mại và hướng tới việc áp dụng nhiều hơn cho quân sự, họ có thể sẽ tập trung "phân loại" những công nghệ nào sẽ có lợi nhất và cách ứng dụng chúng trong quân sự ra sao.

Một video được đăng lên Mạng xã hội VK của Nga hôm 21/7/2019 cho thấy một nhóm Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ bị Taliban phục kích tại Afghanistan và phải tháo chạy bằng trực thăng Mi-17.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại