"TQ có thể dùng gậy đá giá rẻ chống Ấn Độ nhưng sẽ khuynh gia bại sản nếu đối đầu Mỹ"

QS |

Theo học giả Salvatore Babones, cuộc đối đầu với Mỹ dường như là một kế hoạch ‘xa xỉ’ mà Trung Quốc với tốc độ phát triển chậm chạp thời hậu COVID khó lòng kham được.

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, căng thẳng đang dâng cao gần Đài Loan khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự quanh khu vực này.

Màn "khoe cơ bắp" của Bắc Kinh ở Biển Đông đã diễn ra trong một thời gian dài, cùng với đó là những xáo trộn trong khu vực do tình hình bất ổn ở Hong Kong, tranh chấp đảo Trung-Nhật và gần đây nhất là cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Tất cả những bước leo thang này đều diễn ra trong bối cảnh chung là cả thế giới đang phải chống lại sự hoành hành của đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia mới đây nhận định, giấc mơ siêu cường của Trung Quốc có thể sẽ không trở thành hiện thực khi nước này đang đối đầu với một cường quốc toàn cầu, đó là Mỹ.

"Trung Quốc dùng công cụ giá rẻ là gạch đá và gậy gộc để đối phó với Ấn Độ ở cao nguyên Ladakh, nhưng cuộc đối đầu với Mỹ ở tây Thái Bình Dương sẽ vô cùng tốn kém"- Salvatore Babones, một học giả tại Trung tâm các Nghiên cứu Độc lập ở Sydney nhận định.

"Đây dường như là một kế hoạch ‘xa xỉ’ mà Trung Quốc với tốc độ phát triển chậm chạp thời hậu COVID khó lòng kham được. Trung Quốc tỏ ra rất giàu có và sẵn sàng vung tiền cho kế hoạch đó nhưng trên thực tế, số dư ngân hàng của Bắc Kinh không tương xứng với những gì họ thể hiện" – ông Babones cho hay.

Tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đã chững lại ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo số liệu chính thức, tốc độ phát triển của Trung Quốc đã giảm từ 6,6% vào năm 2018 xuống 6,1% trong năm 2019.

"Trong khi đó, Mỹ nổi tiếng với khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng lớn hơn khoản chi của 10 nước cộng lại, nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng quân đội Mỹ chưa được đầu tư và trang bị đầy đủ cho vai trò siêu cường toàn cầu" – ông Babones nói.

Với tiềm lực như vậy nhưng "đến Mỹ còn khó lòng duy trì vị thế siêu cường toàn cầu, thì Trung Quốc làm thế nào có thể đủ tiềm lực để trở thành siêu cường?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Các nhà phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế dự đoán chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong năm 2020. Do Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự ở một số khu vực biên giới nên việc hạn chế chi tiêu sẽ gây áp lực cho ngân sách mua sắm.

"Trung Quốc được cho là mới chỉ sản xuất khoảng 50 tiêm kích tàng hình thế hệ năm J-20. Chương trình này dường như đang gặp phải các vấn đề phát triển nghiêm trọng, làm hạn chế sản xuất trong tương lai gần. Trong khi đó, Mỹ đã có trong kho vũ khí 195 tiêm kích F-22 và 134 tiêm kích F-35, đồng thời đang tiếp tục kế hoạch sản xuất thường niên hơn 100 chiếc F-35 nữa, mặc dù chương trình của họ đã có một số trì hoãn do đại dịch COVID-19" - ông Babones cho hay.

Ông Babones cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc ít nhất có thể tránh bẽ mặt bằng cách từ bỏ các mục tiêu GDP và đổ lỗi cho COVID-19 về những khó khăn không thể tránh khỏi. Vị chuyên gia dự đoán khi đại dịch COVID-19 qua đi, Mỹ vẫn sẽ là một siêu cường toàn cầu, trong khi giấc mơ của Trung Quốc có thể vẫn còn rất xa vời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại