Theo tờ Forbes, trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã tận hưởng một vùng lợi thế chiến lược so với Trung Quốc, đó là: Ngành công nghiệp của Trung Quốc phải phụ thuộc vào các tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa và dầu mỏ qua eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia.
Vùng nước hẹp này hóa ra lại là một "nút thắt" hoàn hảo. Vị trí địa lý của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, cùng với tiềm lực của họ ở quần đảo Andaman và Nicobar nằm tại cửa ngõ eo biển Malacca, sẽ cho phép Hải quân Ấn Độ chặt đứt lối đi này trong trường hợp nổ ra khủng hoảng hoặc chiến tranh.
Tuy nhiên, với thế lực đang dần lớn mạnh, Trung Quốc cũng có thể tìm ra cách ứng phó.
Cảng biển Gwadar
Trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao giữa hai nước, các chuyên gia phân tích hải quân hoàn toàn hiểu được mối đe dọa ấy. Trao đổi trên đài Tac Ops, tác giả nổi tiếng, đồng thời là nhà sáng tạo series game chiến tranh Harpoon – Larry Bond cho rằng, Trung Quốc thực sự lo ngại Ấn Độ có thể sẽ đóng cửa eo biển Malacca.
"Nếu Ấn Độ muốn cắt đứt giao thương với Trung Quốc, tất cả những gì họ phải làm là đậu một loạt tàu tại eo biển Malacca. Và thế là không thứ gì có thể đi qua con đường đó được" – Ông Bond nói.
Trung Quốc đang xây dựng cảng biển ở Gwadar. Ảnh: Economic Times
Trong lịch sử, phần lớn các chuyến hàng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc từ Vịnh Ba Tư, Venezuela và Angola đều phải đi qua tuyến đường này. Thế nhưng, Trung Quốc đang có những động thái có thể khiến bất cứ nỗ lực nào của Ấn Độ nhằm phong tỏa eo biển Malacca đều trở nên không hiệu quả.
Trong khuôn khổ "Sáng kiến Vành đai và Con đường", Trung Quốc hiện đang xây dựng một cảng biển mới ở Pakistan, và việc mở cửa tuyến Đường Biển Bắc ở Bắc Cực có thể tạo ra một "con đường tơ lụa địa cực" cho Bắc Kinh.
Cảng biển mới được đặt tại Gwadar, phía tây Pakistan. Những kiện hàng được bốc dỡ tại đây sẽ được vận chuyển bằng đường bộ tới Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).
Hôm 8/6, chính phủ Pakistan đã phê chuẩn dự án 7,2 tỷ USD để nâng cấp tuyến đường sắt nối Gwadar với Kashgar, Trung Quốc.
Tất nhiên, Gwadar có thể trở thành mục tiêu tấn công của Không quân Ấn Độ nhưng sẽ kéo theo những rủi ro về chính trị và quân sự do nơi này nằm trên lãnh thổ của nước thứ ba.
New Delhi cũng có thể cân nhắc khả năng phong tỏa cảng biển ở Gwadar, tương tự như eo Malacca, nhưng nếu làm điều đó, họ sẽ buộc phải huy động các phương tiện của Hải quân Ấn Độ đang làm nhiệm vụ tại Malacca hoặc các nơi khác.
Ngoài ra, khả năng của Ấn Độ trong việc tạo ra mối đe dọa đối với các tàu hàng đi qua Gwadar có thể sẽ bị phức tạp hóa bởi sự hiện diện gia tăng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Điều tương tự cũng có thể diễn ra ở Malacca. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ mạnh ở Djibouti, sừng châu Phi, và có vẻ như Hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ thiết lập thêm hạm đội trọng yếu ở đó. Các tàu ngầm Trung Quốc cũng có thể sẽ trở thành mối đe dọa thường trực trong khu vực.
Con đường tơ lụa địa cực
Một tuyến đường khác quanh Malacca là tuyến Đường Biển bắc. Tầm quan trọng của tuyến đường này đã được nhấn mạnh trong chính sách Bắc Cực 2018 của Trung Quốc, trong đó khẳng định "Về mặt địa lý, Trung Quốc là một ‘quốc gia rìa Bắc Cực’, một trong những quốc gia lục địa gần nhất với Vòng Bắc Cực".
Cũng theo tuyên bố về chính sách này, Trung Quốc "hy vọng sẽ hợp tác với tất cả các bên để xây dựng một ‘con đường tơ lụa địa cực’ thông qua việc phát triển các tuyến đường biển Bắc Cực".
Trong bối cảnh băng ở Bắc Cực đang tan, nhiều tàu thuyền có thể đi lại qua khu vực này hơn. Trung Quốc đã điều con tàu đầu tiên của họ tới đây vào năm 2013 và hiện Bắc Kinh đang đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cảng biển ở Bắc Cực nối tới châu Âu.
Tàu phá băng Xue Long 2 của Trung Quốc. Ảnh: ABB News
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hạ thủy tàu phá băng nội địa đầu tiên mang tên Xue Long 2 vào năm 2018. Con tàu này được chế tạo với sự hỗ trợ thiết kế đến từ các chuyên gia Phần Lan của công ty Aker Arctic. Các nhà máy đóng tàu Trung Quốc hiện cũng đang đề xuất chế tạo một con tàu phá băng khác với kích cỡ lớn hơn.
Bắc Kinh còn phát triển tuyến đường bộ dẫn thẳng tới châu Âu, chủ yếu để phục vụ xuất khẩu hàng hóa. Cơ sở hạ tầng này cũng đóng vai trò nhất định trong việc giảm tầm quan trọng của các tuyến đường biển mà Trung Quốc đang phải phụ thuộc vào.
Do đó, theo Forbes, tầm quan trọng chiến lược của eo biển Malacca đối với Trung Quốc cũng sẽ giảm đi theo thời gian. Ấn Độ vẫn sẽ ở một vị thế có thể bóp nghẹt các tuyến đường cung ứng của Trung Quốc tại đó nhưng họ sẽ không thể tạo được tác động lớn như trước đây.