Chiến thuật mới để giảm thiểu xương máu cho bộ đội
Tháng 6 năm 1978, tiểu đoàn 2 trung đoàn 866 sư đoàn 31 Quân đoàn 3 chốt giữ biên giới bên cánh phải cửa khẩu Sa Mát ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh.
Nơi đại đội 7 chúng tôi chốt là khu rừng nguyên sinh, cách di tích An ninh Miền hiện nay khoảng 700m về phía Tây. Đối diện với trận địa chúng tôi là vị trí địch, nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam chừng vài trăm mét, do một tiểu đoàn thiếu của Kh’me Đỏ chốt giữ.
Từ đây chúng thường xuyên lợi dụng địa hình rừng rậm, luồn vào phía sau phục kích, tập kích, gây cho ta nhiều tổn thất. Không thể để tình trạng này kéo dài, cấp trên hạ quyết tâm đánh chiếm chốt này, giành lại lãnh thổ của đất nước.
Tác giả Lê Tài - Nguyên C Đại đội phó C7, D2, E866, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam.
Sư đoàn 31 chúng tôi vốn đang đào kênh làm lúa ở An Giang, trước tình hình mới, được biên chế về quân đoàn 3.
Các đơn vị vừa nhận quân, vũ khí trang bị, vừa tổ chức lại các tổ đội sản xuất thành tiểu đoàn, đại đội theo biên chế chiến đấu quân đội.
Đơn vị chưa kịp huấn luyện bổ sung đã vào thay chốt ngay. Cán bộ đại đội, trung đội còn chưa biết hết mặt, tên chiến sỹ thuộc quyền, kinh nghiệm chiến đấu không có.
Trước tình hình đó, trung đoàn quyết định dùng chiến thuật lấn dũi để giảm thiểu xương máu cho bộ đội.
Đây là cách đánh của cha ông trong trận Điện Biên Phủ, và hồi chống Mỹ, trung đoàn cũng đã nhiều lần áp dụng thành công ở chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng khoảng bên Lào. Đó là cách đánh không chỉ bằng súng đạn mà còn bằng cả ý chí, ai lỳ hơn kẻ đó sẽ thắng.
Nhiệm vụ được giao cho đại đội 7 và đại đội 5 tiểu đoàn 2. Ngày 26/6/1978, các đơn vị bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Đại đội 7 chúng tôi triển khai đào hai mũi hào từ chốt của mình theo hướng Đông Bắc xuống Tây Nam.
Đại đội 5 đào hai mũi từ hướng Đông sang Tây, tạo thành gọng kìm ép địch từ hai phía. Mỗi mũi là một đường hào giao thông xông thẳng vào chốt địch do một trung đội đảm nhiệm. Một tiểu đội đào có một tiểu đội cảnh giới và một tiểu đội nghỉ để thay phiên nhau đào suốt đêm ngày.
Bộ đội Việt Nam trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam.
Trung đoàn cấp cho nhiều bao tải sọc xanh loại đựng 70 kí để đổ đầy đất, lăn phía trước chắn đạn cho người ngồi đào. Ngoài hỏa lực có sẵn của các trung đội, mỗi mũi có một đại liên hoặc khẩu đội 12.7mm tăng cường bố trí cạnh sườn, bắn thẳng yểm hộ trực tiếp.
Khẩu đội cối ở phía sau chi viện hỏa lực cầu vồng. Đào hơn một ngày, được độ 2-3 chục mét địch chưa phản ứng. Sang ngày thứ hai, địch phát hiện, dùng hỏa lực bắn thẳng và cối ngăn chặn. Ban đêm, chúng bò vào ném lựu đạn xuống hào, gây thương vong cho ta.
Phơi mình dễ trúng đạn, đẩy bao tải che chắn thì vướng cây. Rễ cây ăn chìm dày đặc, địch đánh phá liên tục nên tốc độ đào chậm. Đào được độ 7-10m chúng tôi lại lát gỗ đổ đất tránh pháo cối, đào rẽ râu tôm sang hai bên để bố trí lực lượng hỏa lực cảnh giới đánh trả.
Cả khu rừng suốt ngày đêm ầm ầm tiếng súng nổ. Người bắn cứ bắn, người đào cứ đào. Địch bắn một, ta bắn hai để áp đảo. Các xạ thủ B40, B41 quân bình mỗi ngày bắn đến 7-8 quả.
Đêm đêm, lính ta nghe tiếng động phía trước là bắn hoặc ném ra vài quả lựu đạn. Rừng rậm trở nên tan hoang, cây cối đổ ngổn ngang như rẫy mới phát.
Tay không suýt đấm nhau với lính Polpot
Sang ngày thứ tư, chiến hào của ta đã tiến gần tới sát chốt địch. Lính Pol Pot vẫn lỳ lợm bám trụ. Mũi trung đội 8 đã thấy đầu địch đi nhấp nhô dưới hào giao thông. Anh em bắn tỉa được một hai thằng, khiến chúng không dám đi thẳng người nữa.
Chiến sĩ Khải (quê Diễn Châu, Nghệ An) đang ngồi bốc bo bo ăn dưới hào. Có một tên địch mang cơm cho đồng bọn, đi lạc đến trên bờ chiến hào ta. Khải nghe động nhìn lên, hai bên thấy nhau sững sờ. Thằng địch hoảng loạn vứt gùi cơm chạy.
Khải tay không nhảy lên định đuổi bắt sống nhưng bên địch bắn rát, phải quay trở lại. Gùi cơm chiến lợi phẩm Khải thu được nhanh chóng chia cho anh em. Đó là một chiến lợi phẩm đặc biệt, vì đã lâu rồi chúng tôi mới được ăn cơm dẻo thay bo bo.
Ảnh minh họa.
Mũi trung đội 7 cũng chỉ cách hầm địch độ 40 mét. Chiếc hầm nằm sau gốc cây cổ thụ gốc to bằng mấy người ôm nên lính ta bắn mãi chúng vẫn không chạy. Bên hướng đại đội 5, khi quân ta đào hào tới sát nách, địch ở hầm tiền tiêu chịu không nổi, bật lên bỏ chạy bị bắn gục.
Ta đào đến hầm tiền tiêu, địch ở tuyến sau điên cuồng chống cự. Đinh Sữa quê Kỳ Sơn, Hòa Bình nhanh chóng dùng B40 tiêu diệt một khẩu đại liên. Nhưng liền sau đó, Sữa lại bị thương do quả lựu đạn địch ném phía sau lưng.
Thời cơ đã đến. Sáng ngày 30/06/1978, sau khi dùng cối bắn chế áp, ĐKZ, B40, B41 bắn phá hầm địch, bộ đội ta ở các mũi đồng loạt nhảy lên khỏi chiến hào xung phong. Chỉ vài bước chân, quân ta đã áp sát địch, dùng lựu đạn, AK đánh chiếm từng đoạn hào, căn hầm.
Bọn địch chống cự không nổi, bung chốt bỏ chạy về bên kia biên giới, để lại hơn mấy chục xác chết cùng nhiều vũ khí, trong đó có cả súng ngắn, bản đồ và đài bán dẫn của tên tiểu đoàn trưởng.
Chiếm xong mục tiêu, đại đội 7 chúng tôi rút về chốt mình. Đại đội 5 ở lại chốt giữ phần lãnh thổ mới được thu hồi.
Mấy ngày sau, Kh’me Đỏ lại đưa quân sang đánh chiếm chốt đại đội 5. Khi cả trung đội bị thương vong hết, chỉ còn một mình chiến sỹ Hồ Thuận quê Nghĩa Đàn Nghệ An.
Thuận đã dựng súng của đồng đội rải dọc chiến hào rồi chạy chỗ này bắn một loạt, chạy chỗ khác bắn một một trái. Suốt buổi, Thuận phải bắn đến 17- 18 trái B40 lẫn B41, sử dụng 5 loại vũ khí giữ vững trận địa cho đến khi chỉ huy sở đại đội vét được quân tới chi viện.
Địch đánh mãi không được, phải rút về bên kia biên giới. Thuận phải đi viện vì bị sức ép, chảy máu tai điếc đặc. Trận đánh lấn dũi của đơn vị chúng tôi hẳn có một không hai trên chiến trường biên giới Tây Nam. Từ đây, đơn vị đã có đà trong các trận đánh vận động tấn công sau này.