Nga đã phát đi thông điệp sẽ can thiệp quân sự nếu Azerbaijan cương quyết từ chối tham gia một lệnh ngừng bắn lâu dài trong cuộc xung đột với Armenia.
Trong một tuyên bố gần đây, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo rằng Moscow “sẽ cung cấp cho Armenia mọi sự hỗ trợ cần thiết nếu các cuộc đụng độ diễn ra trực tiếp trên lãnh thổ của Armenia”.
Chủ yếu diễn ra ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh, xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đã bùng phát từ cuối tháng 9/2020.
Cho đến nay, Nga vẫn chỉ đóng vai trò thụ động. Chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin đã chọn cách dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, thậm chí là hợp tác với cả Liên minh châu Âu và Mỹ để theo đuổi chủ trương này.
Tuy nhiên, không một lệnh ngừng bắn nào trong số này kéo dài quá vài giờ. Vì vậy, thông báo mới mà Nga đưa ra được cho là để thay đổi tình trạng bế tắc này, đặc biệt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân nhân Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 20/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Do có mối quan hệ bất hòa với Armenia từ lâu và với mong muốn nâng cao vị thế của mình trong thế giới Hồi giáo, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang ra sức tiếp ứng cho các nỗ lực quân sự của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh.
Kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu, ông Erdogan đã cung cấp cho Azerbaijan cả sự hỗ trợ quân sự trực tiếp và gián tiếp, gồm thông tin tình báo, vũ khí, máy bay không người lái (UAV) và thậm chí xuất hiện tin đồn còn có cả lính đánh thuê do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn đang được tiến hành, Erdogan vẫn gây sức ép để Azerbaijan tiếp tục chiến đấu và gia tăng áp lực lên Armenia. Hành động này đã cản trở nỗ lực làm ổn định tình hình chiến sự trên mặt đất và dẫn đến thương vong càng tăng của dân thường.
Đừng chọc giận cựu điệp viên KGB!
Thái độ ngoan cố của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Tổng thống Putin nổi giận. Nga có quan hệ tốt với cả Armenia và Azerbaijan và không muốn để xảy ra một cuộc chiến tranh nằm ngoài tầm kiểm soát bùng phát ở biên giới phía Nam đất nước.
Trong một động thái thể hiện rõ ràng sự không hài lòng của mình, tuần trước ông Putin đã ra lệnh cho không quân Nga đánh bom vào một trại huấn luyện của lực lượng nổi dậy Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Hậu quả là, khoảng 100 tay súng được Ankara ủng hộ đã thiệt mạng. Đó được hiểu là một thông điệp mạnh mẽ của Tổng thống Putin: Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ngoan cố khơi dậy xung đột ở Nagorno-Karabakh, họ sẽ phải trả giá thích đáng cho điều đó.
Vì vậy, lời cảnh báo mới nhất mà Moscow đưa ra về khả năng can thiệp quân sự hỗ trợ cho Armenia là một ranh giới đỏ tiếp theo đối với ông Erdogan.
Rõ ràng, ông Putin đang muốn truyền đi thông điệp rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút khỏi những hành động khơi mào xung đột, Nga sẽ buộc phải đẩy ông Erdogan vào một cuộc leo thang mà Ankara rất khó xử lý.
Tổng thống Putin có vẻ như đang chơi ván cờ dựa trên những kinh nghiệm trước đây của mình: Ông Erdogan cuối cùng sẽ phải hiểu được sự tức giận của Nga và tiến hành các biện pháp hạ nhiệt.
Khi nói về khả năng xử lý căng thẳng thì có lẽ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khó mà dám đối đầu với vị tổng thống từng là cựu điệp viên KGB!
Chiến sự vẫn diễn biến ác liệt tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia