Ấn Độ mất 300 km2 đất biên giới sau đụng độ với Trung Quốc?

Minh Thu |

Sau các cuộc đụng độ ở biên giới với quân đội Trung Quốc hồi mùa hè, Ấn Độ đã mất 300 km2 đất dọc khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya.

Sau các cuộc đụng độ ở biên giới với quân đội Trung Quốc hồi mùa hè, Ấn Độ đã mất 300 km2 đất dọc khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya.

Bloomberg đưa tin, sau các cuộc xung đột biên giới hồi mùa hè, Ấn Độ đã mất 300 km2 phần đất vào tay Trung Quốc. Theo các quan chức Ấn Độ am hiểu tình hình, hiện tại binh sĩ Trung Quốc đang ngăn cản quân đội Ấn Độ tiến hành tuần tra trong khu vực này.

Kể từ sau chiến tranh biên giới Trung - Ấn cách đây 60 năm, quân đội hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng trầm trọng nhất ở khu vực tranh chấp biên giới trong mùa hè này.

Đáng nói, binh sĩ hai nước còn đang chuẩn bị mọi nguồn lực và thiết bị cần thiết để duy trì sự hiện diện thường xuyên tại khu vực tranh chấp vốn có địa hình sa mạc núi nằm trên độ cao lớn và băng giá khiến gần như không có người sinh sống trong những tháng mùa đông mà nhiệt độ có thể xuống -40 độ C.

Trong giai đoạn căng thẳng ở dãy Himalaya bùng phát hồi tháng Năm, Ấn Độ đã bất ngờ phát hiện quân đội Trung Quốc cho xây dựng loạt căn cứ, chiếm các đỉnh đồi và điều động hàng ngàn binh sĩ ngăn cản Ấn Độ tiến hành tuần tra.

Ngoài ra, Ấn Độ xác định đã mất khoảng 250 km2 phần đất trên cao nguyên Depsang, khu vực có nhiều tuyến đường quan trọng dẫn tới đèo Karakoram, cùng 50 km2 đất ở hồ Pangong Tso. Hồi tháng 9/2019, binh sĩ Trung - Ấn cũng từng xảy ra đụng độ ở các nhánh thuộc Pangong Tso, hồ nước đóng băng nằm trên độ cao 4.267 m.

Theo Bloomberg, hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa đưa ra lời bình luận về thông tin trên. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không thể đưa ra bình luận về thông tin “không có nguồn rõ ràng và không chưa được kiểm chứng”.

“Chúng tôi chưa từng chứng kiến hoạt động điều động lực lượng trong mùa đông lớn như vậy kể từ cuộc chiến biên giới năm 1962. Cả hai quốc gia đều tăng cường quân tới khu vực. Điều này cho thấy căng thẳng vẫn gia tăng và có thể dẫn tới những hậu quả không ngờ tới”, Trung tướng D. S. Hooda, cựu chỉ huy lực lượng bảo vệ một khu vực nằm dọc dãy núi Himalayas tới con đèo Karakoram nằm giữa Trung - Ấn trên độ cao 5.540 m chia sẻ.

Thời gian gần đây, hàng ngàn binh sĩ Trung - Ấn đã có mặt dọc biên giới tranh chấp ở vùng Ladakh. Sau nhiều tuần xảy ra căng thẳng, một vụ đụng độ đẫm máu đã xảy ra vào ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ thương vong sau vụ việc.

Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Ngoài ra, binh sĩ hai nước đã ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới không chính thức của hai nước trên dãy Himalaya.

Trong khi Ấn Độ có ít hoạt động ở khu vực biên giới trong nhiều năm sau cuộc chiến 1962, nhưng trong 10 năm gần đây, New Delhi bắt đầu cho xây dựng nhiều công trình hạ tầng cơ sở mới.

Theo đó, mới đây Ấn Độ đã cho thông 1 trong 7 đường hầm nằm tại các vị trí trọng điểm mà nước này kiểm soát trên dãy núi Himalaya để tạo thuận lợi cho hoạt động điều động binh sĩ.

Ngoài ra, một con đường dài 255 km nối thành phố chính trong vùng với con đèo Karakoram ở Ladakh cũng đã được hoàn thành xây dựng. Đèo Karakoram vốn là khu vực nằm giữa ngã ba biên giới Ấn Độ - Trung Quốc – Pakistan.

Thậm chí, các đường băng hạ cánh được xây trong giai đoạn Thế chiến thứ Hai và các sân bay nằm dọc đường biên giới Trung - Ấn cũng đã được Ấn Độ cho tân trang và sửa chữa.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần cáo buộc hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Ấn Độ là “nguồn cơn gây ra căng thẳng”. Về phần mình, Trung Quốc vẫn giữ bí mật về con số chính xác binh sĩ được điều động tới biên giới tranh chấp cũng như thương vong sau các cuộc đụng độ với quân đội Ấn Độ.

Truyền thông Trung Quốc một mặt chỉ trích mạnh mẽ các nhà lãnh đạo Ấn Độ, song vẫn khẳng định hoạt động đàm phán giải quyết xung đột biên giới giữa hai nước luôn rộng mở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại