Kế hoạch kỳ quặc của Thổ Nhĩ Kỳ
Đầu năm nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chính thức xác nhận quá trình chuyển giao hệ thống phòng không S-400 của Nga khi mối quan hệ của ông với người đồng cấp Vladimir Putin ngày càng trở nên thân thiện.
Điều này làm dấy lên nỗi sợ hãi từ NATO – liên minh mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên chủ chốt. Nhiều quan điểm cho rằng, thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 sẽ tạo điều kiện cho Moscow thu thập thông tin tình báo về vũ khí được sử dụng bởi các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, bao gồm cả Anh và Mỹ.
Theo đó, khi được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống phòng không S-400 của Nga giờ đây sẽ có cơ hội thăm dò máy bay chiến đấu tàng hình F-35, một trong những thành phần quan trọng trong kho vũ khí của NATO.
"Moscow và Ankara đã có sự gắn kết để phục vụ lợi ích của nhau", Jim Townsend, người từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Châu Âu và NATO dưới thời chính quyền Barack Obama và hiện là chuyên viên cao cấp trong Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương của CNAS (Trung tâm An ninh Mỹ), nhận định.
"Mối đe dọa mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra mang tính nội bộ, nơi NATO phải trả lời câu hỏi: Bạn sẽ làm gì với một thành viên đang bắt đầu hành động không vì lợi ích tốt nhất của liên minh?", Townsend nói với Express.
"Ví dụ về S-400 đã nói lên một điều rằng, Tổng thống Erdogan cảm thấy lợi ích của mình phù hợp hơn khi làm việc với Tổng thống Putin và quyết định mua S-400 là để bắt đầu hợp tác với Moscow".
"Người Thổ Nhĩ Kỳ và người Nga đang tận dụng lẫn nhau cho mục đích riêng của họ, đó là những gì chúng ta đang thấy xảy ra ở đây", cựu quan chức Mỹ nói thêm.
Ông Townsend tin rằng Tổng thống Erdogan đã nỗ lực có được vũ khí từ cả NATO và Nga, mặc dù cả hai đã trở thành đối trọng của nhau kể từ khi hầu hết các quốc gia Đông Âu bắt đầu tham gia vào tổ chức này vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.
"Tổng thống Erdogan cũng đánh giá thấp Mỹ, ông cảm thấy mình có thể thao túng Tổng thống Trump – nhà lãnh luôn biết mình đang làm gì - để có được cả S-400 và F-35".
Townsend tuyên bố, kế hoạch táo bạo của ông Erdogan là "kỳ quặc", nhưng tin rằng điều này sẽ không khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị trục xuất khỏi NATO.
"Các hệ thống S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được sử dụng trong khi F-35 đang bay trên không, với việc hệ thống của Nga có thể thăm dò chiến đấu cơ của NATO. Có nhiều cách người Nga có thể tìm hiểu về năng lực và các điểm yếu của F-35".
"F-35 sẽ bị S-400 thâm nhập, vì vậy ý tưởng về việc chúng tôi sẽ cho người Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các hệ thống của Nga trong khi F-35 bay phía trên bầu trời và nằm trong phạm vi hoạt động của hệ thống là không thể xảy ra".
Đây không phải là điều có lợi cho các thành viên NATO, nhưng với Tổng thống Erdogan, tìm thấy sự ưu ái của người đồng cấp Putin đối với ông quan trọng hơn là làm những điều đúng đắn cho các đồng minh của mình, cựu quan chức Mỹ kết luận.
S-400 chuyển giao cấp tốc
S-400 sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất quá trình nhận hàng trong năm nay.
Sau chuyến đi đến Azerbaijan vừa qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiết lộ, hoạt động bàn giao các tên lửa phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ được hoàn tất ngay trong tháng 11 hoặc 12 tới đây, theo Defense World.
"Mỹ từ chối bán cho chúng tôi các hệ thống tên lửa Patriot. Chuyện gì đã xảy ra sau đó? Chúng tôi đã mua S-400, việc giao hàng đang được tiến hành. Giai đoạn cuối cùng sẽ được hoàn thành vào tháng 12 hoặc có thể vào tháng 11", hãng tin NTV dẫn lời Tổng thống Erdogan cho hay.
Nga đã ký hợp đồng bán hệ thống S-400 trị giá 2,5 tỷ USD với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017. Quá trình giao lô hàng đầu tiên cho Ankara đã bắt đầu vào ngày 12/7 và hoàn thành vào ngày 25/7 vừa qua.
Bất chấp những phản đối và lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang khẩn trương hoàn thành thương vụ S-400 ngay trong năm nay. Trước đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố, hệ thống phòng không của nước này sẽ chính thức hoạt động vào năm 2020.
Với việc giao hàng nhanh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thời gian lắp đặt tên lửa S-400 trong khi vẫn còn khoảng vài tháng để đàm phán giải tỏa căng thẳng với Washington, dỡ bỏ sức ép trừng phạt.