Ngày 15/10, tờ Haaretz của Israel xuất bản bài viết "How Bashar Assad Won in Syria" (tạm dịch: Tại sao Bashar al-Assad (Tổng thống Syria) chiến thắng) của nhà phân tích Anshel Pfeffer.
Nhằm giúp độc giả tiếp cận một đánh giá về sự lãnh đạo của TT Assad trong chiến tranh Syria từ quan điểm của Israel, một quốc gia đối thủ trong khu vực, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Chiến thắng không thể lật ngược của Tổng thống Bashar al-Assad
Sau 8 năm rưỡi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chiến thắng trong cuộc nội chiến. Không còn bất kỳ ảo tưởng nào ở hiện tại (về việc lật đổ chính phủ Syria).
Ông Assad đã vượt qua thời kỳ cầm quyền khó khăn nhất khi Quân đội Arab Syria (SAA) gần như tan vỡ và sự mất kiểm soát lan rộng trên phần lớn lãnh thổ Syria, bao gồm các thành phố quan trọng ngoại trừ thủ đô Damascus.
Trong những diễn biến mới nhất ở miền bắc Syria, người Kurd đã buộc phải từ bỏ TT Mỹ Donald Trump và đưa ra "lựa chọn cay đắng" để trở lại "vòng tay" của ông Assad trước sức ép diệt chủng bởi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nói cách khác, một lực lượng quân sự - dân sự đối lập quan trọng kiểm soát một vùng lãnh thổ đối lập rộng lớn đã phải chấp nhận việc chính phủ Syria thiết lập lại sự cai trị đối với chính mình.
Các chiến binh người Kurd của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) sẽ sớm gia nhập Quân đội Arab Syria (SAA) trong thời gian tới.
"Đèn xanh" của ông Trump cho chiến dịch quân sự của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan giờ đây chỉ còn là một điểm nhấn trong một bảng liệt kê những "sự xấu hổ" của nước Mỹ.
Khoảng nửa triệu người Syria, hầu hết là thường dân, đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến. Một nửa dân số đã phải di tản, và ít nhất 5 triệu người đang tị nạn bên ngoài Syria.
Nhưng Liên đoàn Arab sẽ sớm tái công nhận Syria. Các hồ sơ cáo buộc tội ác chống lại loài người vẫn còn tại Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng ông Assad sẽ chỉ đến và đi các quốc gia đã xác nhận vị thế của ông ta (Nga, Iran, Trung Quốc...).
Tại sao ông al-Assad lại làm được điều đó (chiến thắng trong chiến tranh Syria)?
Một phần chiến thắng có thể là sự hỗ trợ quan trọng của Iran, với hàng chục nghìn chiến binh Shia từ Lebanon, Iraq và Afghanistan, cùng với một khoản tín dụng trị giá hàng tỷ USD cũng như nguyên liệu, vũ khí và các mặt hàng viện trợ quan trọng khác.
Và ngay cả khi hỗ trợ của Iran là không đủ và Syria đang trên bờ vực sụp đổ, người Nga đã quyết định cam thiệp và thực hiện một chiến dịch không kích và các hoạt động hỗ trợ quân sự khác.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là chính phủ và quân đội của ông Assad đã có thể sống sót trong hơn 4 năm trước khi người Nga can thiệp vào tháng 9/2015. Vậy ai đã hỗ trợ ông Assad?
Quyết định rút quân của ông Trump và chiến dịch quân sự của ông Erdogan đã đem lại lợi thế quan trọng cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong việc đàm phán với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với sự trung gian của Nga.
Lực lượng tình báo phương Tây và Israel là "tội đồ"?
Các cường quốc khác cũng tham gia vào cuộc chiến ngoài Iran và Nga. Tại sao họ không làm nhiều hơn để ngăn chặn cuộc chiếm đẫm máu nhất thế kỷ 21 này?
Lần cuối cùng hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng là cuộc diệt chủng Rwandan năm 1994, tức là vào thế kỷ 20. Thời điểm đó họ đã đổ lỗi cho việc giết người hàng loạt diễn ra tương đối ngắn - chỉ 3 tháng và phải mất thêm một khoảng thời gian nữa trước khi tin tức được xác thực.
Không có lý do biện bạch tương tự trong cuộc chiến Syria, nơi mà toàn bộ sự tàn phá có hệ thống diễn ra trong thời gian thực và có rất nhiều phương án can thiệp. Họ chỉ đơn giản là những con sói chờ đợi con mồi kiệt sức.
Trong vài tháng đầu tiên khi nổi loạn lan rộng khắp Syria, "án binh bất động" một phần là do các lực lượng tình báo dự đoán sai lầm.
Mùa xuân Arab lật đổ hàng loạt chính phủ ở Tunisia, Ai Cập và Libya, còn TT Assad, một người thiểu số Alawite đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của đa số người Sunni dường như là nạn nhân tiếp theo.
Tình báo Israel đã nhận xét rằng thời điểm Assad bị lật đổ chỉ tính bằng vài tuần, thậm chí vài ngày. Tuy nhiên, họ đã nhầm lẫn khi đánh giá sự kiên cường của ông và thời gian mà đồng minh Iran phản ứng để hỗ trợ ông.
Các lực lượng tình báo Phương Tây và Israel đã hoàn toàn sai lầm khi đánh giá quá thấp đối thủ Syria.
"Chìa khóa chiến thắng" nằm trên bầu trời Syria?
Một phương án tung vào Syria một lực lượng lớn và chính quy và điều mà Iran không muốn làm. Giải pháp thay thế là các chiến binh Hezbollah do Iran trang bị đã cố gắng phòng thủ một số vị trí quan trọng, như hành lang từ Damascus đến biên giới Lebanon.
Nhưng Hezbollah không đủ khả năng để giành lại quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn hơn đã nằm trong tay phiến quân.
Khi SAA tan rã do các cuộc đào tẩu hàng loạt sang phiến quân, chính phủ Syria vẫn giữ được một lợi thế quan trọng đó là kiểm soát bầu trời. Lực lượng không quân xiêu vẹo này vẫn tiếp tục ném bom các khu vực phiến quân.
Không quân Syria vẫn tiếp tục duy trì ưu thế kể từ đầu chiến tranh do số lượng hạn chế MANPADS của phiến quân.
Phiến quân cầu xin các nhà tài trợ tên lửa phòng không vác vai (MANPADS), tương tự như những tên lửa Stinger mà Hoa Kỳ đã cung cấp ba thập kỷ trước đó ở Afghanistan. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã cân nhắc về vấn đề này và sau đó từ chối.
Thủ tướng Israel Netanyahu đưa ra lập luận rằng MANPADS sẽ rơi vào tay các chiến binh thánh chiến và nguy cơ máy bay của Israel và phương Tây trở thành mục tiêu là quá lớn. Đó là một lập luận hợp lý, nhưng nó đã khiến phiến quân trở thành "bia tập bắn" cho máy bay Syria.
Một phương án khác, không cần phải cung cấp MANPADS đó là áp đặt vùng cấm bay trên các khu vực do phiến quân kiểm soát và máy bay phương Tây có thể bắn hạ bất kỳ máy bay ném bom nào của Syria xâm phạm.
Nhưng nó đã bị chính quyền của Tổng thống Barack Obama từ chối.
Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân lúc đó, đã đưa ra một tính toán chi phí cho vùng cấm bay rất khó chấp nhận (1 tỷ USD mỗi tháng). Rõ ràng là ông chủ của Dempsey, ông Obama đã phản đối ý tưởng "phung phí tiền bạc" này.
Nhưng người Mỹ có thể không cần đứng một mình. Vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng thực thi một vùng cấm bay, cùng với các quốc gia NATO khác. Nói cách khác, người Mỹ sẽ chỉ phải cung cấp máy bay, nhưng ông Obama chỉ đơn giản là không thích thú với ý tưởng này.
Ông Obama cũng đã vô tình giúp đỡ ông Assad nhiều lần bằng việc từ bỏ cái gọi là "lằn ranh đỏ" của chính mình và không tập kích Syria sau các cuộc tấn công hóa học ở đông Ghouta.
"Sự giúp đỡ" đó đã tác động đáng kể đến cuộc chiến, việc không áp đặt vùng cấm bay đã giúp SAA tiêu diệt phiến quân và mở đường cho can thiệp của Nga vào năm 2015.
Mỹ và NATO quyết định không thiết lập vùng cấm bay đã khiến Không quân Vũ Trụ Nga hoạt động tương đối tự do và gây thiệt hại nặng cho phiến quân.
Thiếu Mỹ, Irael - Thổ Nhĩ Kỳ - NATO như "rắn mất đầu"?
Lực lượng Không quân vũ trụ Nga tại căn cứ Khmeimim ở Syria khá nhỏ, họ chỉ có vài chục máy bay. Lực lượng này chỉ hiệu quả trong việc nghiền nát các mục tiêu phiến quân chỉ vì họ không gặp phải lực lượng đối đầu trên không.
Một phi đoàn máy bay của chỉ duy nhất một tàu sân bay Mỹ sẽ có số lượng gấp đôi và hiệu quả gấp nhiều lần. Và các nước NATO có thể dễ dàng tập hợp một lực lượng vượt trội, điều này sẽ khiến máy bay Nga rời bỏ không phận phía bắc Syria.
Nhưng NATO không thể đóng vai trò thay thế nước Mỹ. Ở Anh, quốc hội nước này đã bỏ phiếu chống lại các cuộc tập kích trả đũa vụ tấn công đông Ghouta, đã củng cố lập trường ủng hộ ông Obama.
Người Pháp đã có thể đóng vai trò lãnh đạo một chiến dịch trên không để bảo vệ thường dân Syria, sử dụng căn cứ không quân của Anh ở Síp và tàu sân bay Charles de Gaulle. Nhưng họ cũng chọn không hành động.
Tổng thống Erdogan là nhà lãnh đạo NATO duy nhất kêu gọi thiết lập vùng cấm bay. Không quân Thổ có khả năng đó nhưng cuối cùng ông lại có kế hoạch riêng, đó là ném bom người Kurd và đưa các chiến binh thánh chiến được Thổ vũ trang vào Syria từ lãnh thổ của mình.
Israel, người hàng xóm thù địch khác của Syria với lực lượng không quân đủ lớn và có thừa khả năng thiết lập vùng cấm bay cũng theo đuổi các mục đích khác. Thời điểm đó, các tướng lĩnh cao cấp đã thúc giục ông Netanyahu đồng ý để máy bay ném bom các mục tiêu Syria.
Thiếu tướng (nay đã nghỉ hưu) Amos Yadlin, bình luận rằng mình đã liên tục đề nghị một động thái như vậy và nói rằng khi dân thường bị tàn sát bên kia biên giới thì việc ném bom các căn cứ không quân Syria vừa khả thi vừa hợp lý về mặt đạo đức.
Nhưng ông Netanyahu chỉ quan tâm tới các mục tiêu Iran ở Syria được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với Israel. Ông thậm chí còn đảm bảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Israel sẽ không tấn công SAA, trừ khi phòng không Syria bắn vào máy bay Israel.
Chính quyền Obama cuối cùng đã quyết định thực thi một chiến dịch quốc tế trên không phận Syria, nhưng chiến dịch trên không chỉ chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chứ không phải chống lại ông Assad.
Mặc dù tuyên bố "Assad phải ra đi", tuy nhiên Cựu Tổng thống Mỹ Obama đã rời khỏi vị trí trước người đồng cấp Syria.
"Bí nước, giặc quay mũi giáo đánh nhau" và những người hỗ trợ bất đắc dĩ?
Kể từ đầu cuộc chiến, ông Assad được cho là đã thực hiện một chiến lược làm tan vỡ phiến quân Quân đội Syria tự do (FSA) bằng cách phóng thích các tù nhân thánh chiến và hạn chế tấn công các mục tiêu IS.
Chiến lược này tỏ ra hiệu quả khi các giao tranh trong nội bộ đã chia rẽ và làm suy yếu phiến quân, những người ban đầu chủ yếu là người Syria địa phương tương đối ôn hòa trong khi các nhóm khủng bố như IS và Jabhat al-Nursa dần dần chiếm lấy các căn cứ và lãnh thổ của FSA.
Nó cũng tạo ra một huyền thoại rằng phiến quân đều là những tên khủng bố nước ngoài đến Syria chỉ với mục đích duy nhất là giết người trong khi lực lượng của ông Assad là những người Hồi giáo thế tục bảo vệ Syria.
Một phiến quân Syria trung thành với Thổ Nhĩ Kỳ với phù hiệu của IS.
Chiến lược thực sự đã hoạt động, IS đã mở rộng nhanh chóng cái gọi là caliphate (nhà nước) đẫm máu của mình và chuyển hướng sự chú ý của thế giới khỏi thực tế là hầu hết các thương vong ở Syria vẫn do không quân chính phủ và không quân Nga.
Ông Obama đã lặp đi lặp lại lý do "án binh bất động" vì Hoa Kỳ không thể thay đổi thực tế trên mặt đất chỉ đơn giản bằng cách ném bom quân chính phủ, và rằng không có ai đủ khả năng để thay thế Assad.
Lập luận này là một điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng cuối cùng thì phương Tây cũng đã can thiệp trong cuộc chiến chống IS.
Còn ở hiện tại, ông Assad đã chiến thắng vì ông ta đã nhấn chìm đất nước của mình trong bom đạn để duy trì quyền lực, với sự giúp đỡ của Iran và Nga. Và trong sự ngu ngốc của chính mình, ông Trump đã chỉ đơn thuần tạo thêm "cú huých" giúp Assad về đích.
Nhưng Tổng thống Syria đã không thể giành được các lợi thế cho chiến thắng này nếu các ông Obama, Netanyahu, Trump và Erdogan không "tạo điều kiện" cho ông.
Có lẽ với chiến thắng của ông Assad hiện tại, ông Obama sẽ bày tỏ sự hối hận hoặc đưa ra một lời giải thích rõ ràng hơn về quyết định của mình trong cuốn hồi ký chưa được công bố của ông.
Anshel Pfeffer là một nhà báo người Israel gốc Anh. Kể từ năm 2014, ông là phóng viên của tờ Haaretz, phụ trách các vấn đề liên quan tới quân sự, người Do Thái và quốc tế.
Đoạn video cho thấy binh lính Hội đồng quân sự Manbij (thuộc SDF) chào đón quân đội Syria tiến vào vùng nông thôn Manbij hướng tới chiến tuyến Sajur.