Luật sư: Viện kiểm sát tỉnh Hòa Bình vi phạm tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Phiên xử sáng 25/5/2018 ghi nhận nhiều lập luận mới mẻ và đặc biệt mạnh mẽ đến từ 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương. Theo các luật sư, cơ quan điều tra vụ án này đã có nhiều vi phạm về mặt tố tụng và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Chẳng hạn, về việc bố trí luật sư bảo vệ cho bị can Hoàng Công Lương, LS Nguyễn Chiến cho rằng: Sau khi bị khởi tố, bị can Hoàng Công Lương có yêu cầu mời luật sư bào chữa, nhưng trong suốt thời gian đó đến khi hỏi cung, cơ quan điều tra đã không bảo đảm quyền tố tụng hình sự cho bị can.
(Trước đó vài ngày, trong phần xét hỏi bị cáo và nhân chứng tại tòa, LS Trần Hồng Phúc cũng từng hỏi bị cáo Lương và Lương trả lời: khi nghe đọc lệnh tạm giam ngày 22/6/2017 Lương có đề nghị điều tra viên tên Nghĩa là muốn mời luật sư, nhưng khoảng 6-7 ngày sau vẫn không có luật sư. Luật sư Phúc sau đó cũng nói, phải đến 30/6/2017, bà và cộng sự mới chính thức được chấp nhận là luật sư bảo vệ cho Lương - pv).
Hay như về việc lấy lời khai, câu chuyện lời khai "sinh đôi" cho thấy sự vi phạm tố tụng - theo các luật sư. Đại diện Viện kiểm sát (VKS) nói rằng rằng không có chuyện lời khai giống nhau, nhưng LS Nguyễn Chiến đã chỉ ra những phân tích bút lục cho thấy rõ điều này (xem bài chi tiết)
Luật sư chiến chia sẻ sau phiên toà sáng ngày 25, chỉ ra rằng cần phải có chuyên gia về RO, và nói về bút lục trong lời khai "sinh đôi".
Về việc BS Lương đang bị cáo buộc trách nhiệm trong vụ án này, LS Chiến nhận định, thực tế, ở BV ĐK Hòa Bình đang có phòng vật tư để quản lý, chứ không phải BV không có phòng này để mà đổ trách nhiệm cho BS Lương, việc gì cũng có phòng ban và quy trình cụ thể tại sao BS Lương lại phải đi chịu trách nhiệm của phòng vật tư?
VKS biết rõ trách nhiệm nào thuộc về trưởng khoa, trách nhiệm nào thuộc về giám đốc BV, nhưng việc dẫn trách nhiệm của trưởng khoa phù hợp với quy định Bộ y tế mà lại đi quy trách nhiệm cho bị cáo là bác sĩ Lương? Điều này hoàn toàn không có chứng cứ, LS Chiến nói.
LS Lê Văn Thiệp cho biết, sau khi nghiên cứu các chứng cứ được thẩm tra trong hồ sơ vụ án, ông nhận định các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Hòa Bình đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Cụ thể là trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng chưa thu thập đầy đủ chứng cứ có liên quan để chứng minh tội phạm cũng như thực hiện trách nhiệm trong việc khởi tố người phạm tội. Cơ quan tố tụng đã không thu thập quyết định số 568 ngày 25/5/2017 về GĐ BV ĐK Hòa Bình phân công nhiệm vụ về việc sửa chữa hệ thống nước lọc RO, chính quyết định này không có trong bộ hồ sơ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính xác thực của vụ án theo quy định của điều 15, Bộ luật tố tụng HS.
Cũng vì các chứng cứ không đủ cho nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ lọt tội phạm. Việc bỏ lọt tội phạm là vô cùng nghiêm trọng, nó có thể làm mất niềm tin trong nhân dân đối với hệ thống tư pháp.
Trong quá trình điều tra, qua các chứng cứ có tại phiên tòa, có dấu hiệu mớm cung với Hoàng Công Lương. Việc VKS sử dụng chứng cứ không được thu thập dầy đủ tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự để truy tố BS Lương là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật.
Đặc biệt, trong các lời khai của ông Trương Quý Dương - GĐ BV ĐK tỉnh Hòa Bình thể hiện ở bút lục 1039 đến 1067 không có tư cách người tham gia tố tụng, không được giải thích các quyền vì không xác định được tư cách tham gia tố tụng của ông Dương. Từ đó dẫn đến việc, kết luận của VKS không phản ánh đủ sự thật khách quan.
LS Ngô Thị Thu Hằng thậm chí liệt kê một loạt những vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra cũng như của VKS trong quá trình điều tra, truy tố vụ án gồm 4 vi phạm cơ bản:
1. Vi phạm nghiêm trọng trong nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can theo quy định của BL TTHS.
2. Vi phạm trong hoạt động hỏi cung bị can và lấy lời khai của cơ quan điều tra
3. Có dấu hiệu bỏ ra ngoài các tài liệu hồ sơ vụ án
4. Quan điểm luận tội của vị đại diện VKS hoàn toàn trái ngược với quy định tố tụng của BLTTHS.
LS Trần Hồng Phúc đặt câu hỏi về tính khách quan trong việc hỏi cung đối với Hoàng Công Lương. Luật sư cho rằng bị cáo Lương đã bị ép cung, dụ cung, do đó yêu cầu HĐXX đề nghị cơ quan điều tra cung cấp bản ghi âm lấy lời khai đối với bị cáo Lương.
Các luật sư đồng loạt yêu cầu khởi tố bổ sung 3 người vắng mặt: Ông Trương Quý Dương, ông Đỗ Anh Tuấn và ông Trần Văn Thắng
Cũng trong sáng nay, LS Nguyễn Chiến nhận định, về việc VKS không cấm ông Trương Quý Dương xuất cảnh và viện dẫn văn bản pháp luật sai, còn theo đúng quy định hiện hành là ông Dương không được xuất cảnh.
Cụ thể, tại Nghị định số 07 BCA ngày 31/12/2015 có quy định rõ việc quy định chưa được xuất cảnh, chưa được cấp giấy tờ xuất cảnh trong Điều 21 (Công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh nếu thuộc 1 số trường hợp, trong đó có trường hợp sau đây: Đang bị truy tố hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm). Ông Trương Quý Dương nằm trong diện này.
Luật sư Chiến cũng đề nghị khởi tố ngay tại phiên tòa những người có liên quan, để làm rõ trách nhiệm và các vấn đề.
Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa, LS Lê Văn Thiệp đề nghị HĐXX tuyên bố Lương không phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau câu nói này của LS Thiệp, nhiều người có mặt ở hội trường phiên tòa vỗ tay hoan hô: "Đúng rồi!".
LS Thiệp cũng dề nghị HĐXX căn cứ điều 18 điều 153 Bộ luật TTHS, khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách niệm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm giả giấy tờ, tài liệu nhà nước đối với 3 người là: nguyên GĐ BV ông Trương Quý Dương, ông Trần Văn Thắng - Trưởng phòng vật tư BV Hòa Bình, ông Đỗ Anh Tuấn - GĐ Thiên Sơn vì đã không thực hiện hết trách nhiệm của mình, đã có những biểu hiện trái luật trong quá trình bán thầu.
LS Trần Hồng Phúc cũng đề nghị HĐXX tuyên bố BS Hoàng Công Lương vô tội. Đồng thời, bà đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm, khởi tố nguyên GĐ BV Trương Quý Dương, ông Trần Văn Thắng và ông Đỗ Tuấn Anh.
Điều đáng nói là, cả 3 ông trên đều vắng mặt trong hầu hết các phiên xử suốt 9 ngày nay, trừ ông Trần Văn Thắng xuất hiện chiều qua (24/5).