Không có triệu chứng
Theo ThS. Khổng Tiến Bình - Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng lại thường ít triệu chứng thể hiện, khiến cho nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác.
BS Bình cho biết một số trường hợp, người bệnh xuất hiện những triệu chứng như: hồi hộp, cảm thấy tim đập mạnh, nhức đầu, chóng mặt trong chốc lát, mặt đỏ, ra mồ hôi...
Nếu không phát hiện kịp thời, tăng huyết áp sẽ gây ra rất nhiều biến chứng như biến chứng tim mạch. Tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm hư lớp nội mạc của mạch vành, làm các phân tử Cholesterol trọng lượng phân tử thấp (Cholesterol-LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào động mạch vành, sau đó làm hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành.
BS Bình khám cho người bệnh
Khi bị hẹp động mạch vành nhiều, người bệnh sẽ thấy đau ngực, tức ngực khi gắng sức, vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức.
Nếu mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong lòng động mạch vành hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ thấy đau dữ dội trước ngực, khó thở, đổ mồ hôi, đau có thể lan lên cổ, tay trái và sau lưng.
Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Tăng huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị cao huyết áp cũng sẽ dẫn đến suy tim.
Ngoài ra, tăng huyết áp còn gây ra các bệnh lý về não như nhũn não, đột quỵ não, thiếu máu não…
Đặc biệt, bác sĩ Bình cho biết có những bệnh nhân đến bệnh viện khám vì mệt mỏi thì lúc này mới biết tăng huyết áp và suy thận do biến chứng của tăng huyết áp. Với người bị tăng huyết áp làm hư màng lọc của các tế bào thận, làm bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có), lâu ngày gây suy thận.
Tăng huyết áp gây đột quỵ ở nhiều người
Tăng huyết áp còn làm hẹp động mạch thận, làm thận tiết ra nhiều chất Renin gây huyết áp cao hơn, nếu bị hẹp động mạch thận lâu ngày sẽ gây nên suy thận.
Tăng huyết áp và tiểu đường là hai bệnh riêng biệt nhưng chúng có mối liên quan khá mật thiết với nhau, thường đi song hành với nhau. Đã mắc bệnh tăng huyết áp thì rất dễ bị tiểu đường và ngược lại. Còn khi đã mắc cả hai thì nguy cơ biến chứng rất cao và gây khó khăn trong việc chữa trị bệnh.
Những việc cần làm
Bác sĩ Bình cho biết khi để phòng tăng huyết áp, cũng như sống chung khỏe mạnh với tăng huyết áp bạn cần nhớ các biện pháp cần làm dưới đây.
Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày), hạn chế các thức ăn chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, mỳ ăn liền, xúc xích, thịt hun khói... Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi;
Đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày;
Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (bơ, mỡ động vật...), lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ; Không ăn phủ tạng động vật, tăng cường ăn cá. Hạn chế uống rượu, bia.
Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Tích cực giảm cân (nếu quá cân).
Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh: Cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
Uống thuốc đúng cách: Uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều.
Đo huyết áp ít nhất mỗi ngày một lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị.
Đến khám tại cơ sở y tế: Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ...) trong quá trình điều trị.