Táo bón thực sự là một chủ đề được quan tâm của rất nhiều người, căn bệnh tưởng không nghiêm trọng nhưng lại mang nhiều hậu quả.
Phân trong cơ thể lưu lại dài hơn một ngày sẽ sản xuất một loạt các chất độc, việc nhịn đi vệ sinh lâu dài có thể gây ra nhiều loại bệnh.
Theo bác sĩ Diêu Thụ Khôn (Yao Shukun), giáo sư tiêu hóa, Phó chủ tịch hiệp hội Y sư Trung Quốc, PGĐ Bệnh viện Trung Nhật (TQ) - một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về tiêu hóa cho rằng, táo bón là bệnh có thể "đẻ" ra nhiều loại bệnh.
Đặc biệt, muốn loại bỏ táo bón, cách tốt nhất là quán triệt điều chỉnh chế độ ăn uống và duy trì lối sống lành mạnh, khoa học hơn.
Táo bón cũng như tắc đường
Táo bón là hiện tượng "ùn tắc giao thông" trong đường ruột, số lần đi tiêu ít hơn ba lần mỗi tuần, phân khô và cứng, khó đại tiện.
Từ đó sẽ dẫn đến các vấn đề như khó tiêu, phân kém, khi đại tiện cần phải hỗ trợ, ruột tắc nghẽn, đau hậu môn hoặc có cảm giác nóng rát khi đại tiện, đi tiêu với thời gian quá lâu. Nếu táo bón kéo dài từ 6 tháng trở lên có thể được chẩn đoán là bị táo bón mãn tính.
Táo bón mãn tính gây ra nhiều bệnh
Cơ thể con người là một hệ thống hoạt động liên hoàn, một khi bị táo bón mãn tính có thể dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh khác ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Táo bón, đầy hơi thường xuyên sinh ra các vấn đề dạ dày, ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh không chỉ phải chịu đựng nỗi đau thể xác, mà còn làm tăng sự căng thẳng, lo lắng, tâm lý nặng nề.
Với lượng phân bẩn tích tụ lâu trong đường ruột còn gây tắc nghẽn, độc tố sẽ tiếp tục kích thích niêm mạc ruột, dễ dẫn đến một loạt các bệnh về hậu môn và trực tràng.
Chất thải và độc tố lưu trữ lâu lại được hấp thụ một lần nữa gây ra chứng mụn nhọt ngoài da, hơi thở hôi, béo phì, bơ phờ và các triệu chứng khác.
Nghiêm trọng hơn có thể gây ra bệnh ung thư đại tràng, trực tràng và hỏng hậu môn. Đối với người cao huyết áp, bệnh tim mạch vành có thể gây tử vong khi đi vệ sinh do huyết áp sẽ cao hơn bình thường, nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ thể tăng, dễ bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử và các tai nạn khác.
Những bệnh nhân tùy tiện uống thuốc nhuận tràng còn tồi tệ hơn. Đôi khi chúng không chỉ không làm giảm táo bón, mà còn nhờn thuốc, gây khó chữa, táo bón dai dẳng, gây ra bệnh hắc tố da, polyp đại tràng, làm tăng nguy cơ ung thư.
Nguyên nhân gây táo bón
Uống nhiều rượu, ăn thực phẩm chứa lượng protein quá cao, chất béo nhiều nhưng lại thiếu cellulose của rau xanh.
Căng thẳng lâu ngày cũng gây ra táo bón bởi nhịp sống quá gấp gáp, công việc đòi hỏi cao, tinh thần căng thẳng, áp lực lớn sẽ gây mệt mỏi, ức chế nhu động đường tiêu hóa, dẫn đến quá trình di chuyển qua ruột chậm.
Cũng do công việc và nhịp sống bận rộn, thời gian tập thể dục và hoạt động thể chất quá ít.
Bệnh táo bón trên lâm sàng chia thành 3 loại:
Một là táo bón hữu cơ, chủ yếu do bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng và hậu môn, bệnh tiêu hóa, bệnh đường ruột gây ra.
Hai là táo bón từ nguyên nhân khác gây ra, chẳng hạn như suy giáp, bệnh tiểu đường làm ảnh hưởng đến chức năng của đường tiêu hóa, dẫn đến táo bón.
Ba là táo bón chức năng, đề cập đến việc loại trừ 2 nguyên nhân trên, có tỷ lệ bệnh nhân mắc cao nhất.
Theo số liệu thống kê, người lớn có tỷ lệ táo bón mãn tính từ 4% đến 6%, và tăng theo tuổi, người ở độ tuổi trên 60 lên đến 22%.
Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới, khoảng 1: 1,22 đến 1: 4,56.
Cách phòng tránh táo bón
Điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn thêm ngũ cốc nguyên hạt, như gạo nâu, lúa mì, ngô, khoai lang.
Ăn nhiều rau, trái cây, hạn chế ăn thịt, gia cầm, trứng và thực phẩm chứa protein cao, các loại thực phẩm có nhiều chất béo, tránh ăn cay, thực phẩm chiên, xào, nướng.
Giữ thái độ vui vẻ nhiều hơn bình thường, không chỉ giúp giảm lo lắng, mà còn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa. Chuyên gia đường ruột của Mỹ, ông Kanlun đã đưa ra một phương pháp đơn giản đó là cười. Khi cười bụng có thể rung lắc mang lại hiệu ứng như mát xa, giúp tiêu hóa nhanh, giảm táo bón.
Nên tập thể dục để đổ mồ hôi nhiều hơn, sau đó bổ sung nước bằng cách ăn uống, nếu không bổ sung độ ẩm sẽ làm tăng táo bón. Khuyến nghị bạn nên đi bộ, chạy bộ, yoga và những hoạt động ngoài trời khác.
Nên phát triển thói quen đi tiêu đều đặn mỗi ngày, một thời gian dài sẽ tạo thành một phản xạ có điều kiện, thời gian sẽ duy trì cố định.
Một bài tập có thể làm trước khi đi đại tiện 5-10 phút, hít thở sâu, điều chỉnh hơi thở từ 10 đến 12 lần mỗi phút, thở bằng bụng là cách tốt nhất để thúc đẩy nhu động ruột. Trong khi đại tiện có thể thở chậm và sâu để thư giãn hậu môn.
*Theo Sina