1. Những tác dụng của caffeine đối với sức khỏe
1.1. Caffeine giúp tăng năng lượng và sự tỉnh táo
Caffeine giúp tăng cường năng lượng và tâm trạng, giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Đặc biệt, sử dụng caffeine vào buổi sáng sẽ giúp bạn bắt đầu ngày làm việc mới tập trung và hiệu quả.
1.2. Tăng hiệu suất thể thao
Nếu bạn chơi các môn thể thao sức bền như: chạy, đạp xe hoặc bơi lội, caffeine có thể giúp vận động nhanh hơn và ít bị đau cơ hơn. Nên uống khoảng một giờ trước khi tập luyện để cơ thể bạn có thể hấp thụ hoàn toàn.
1.3. Giúp phục hồi nhanh sau khi tập luyện
Một số nghiên cứu cho thấy, tác dụng của caffeine có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn sau khi tập luyện nặng bằng cách tạo ra và dự trữ lại một dạng nhiên liệu được gọi là glycogen. Chỉ cần lưu ý không lạm dụng quá nhiều caffeine, vì điều này có thể có tác dụng ngược lại đối với sự phục hồi hoặc hiệu suất nếu nó cản trở giấc ngủ của bạn.
1.4. Lợi tiểu
Caffeine là một chất lợi tiểu, nghĩa là nó khiến bạn đi tiểu nhiều hơn nhưng không gây mất nước đối với người khỏe mạnh bình thường. Tác dụng lợi tiểu có thể mất dần nếu bạn dùng cùng một liều lượng caffeine hàng ngày vì bạn đã tăng khả năng dung nạp.
1.5. Có thể hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh
Caffeine có thể giúp ngăn ngừa sỏi mật, viêm nhiễm và một số vấn đề sức khỏe khác. Một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng caffeine thường xuyên có thể giúp hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh thần kinh như: Parkinson, Alzheimer, bệnh đa xơ cứng và động kinh. Tuy nhiên, cũng cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ hơn tác dụng này của caffeine.
2. Lạm dụng caffeine có tác hại gì?
2.1. Gây khó ngủ, mất ngủ
Sử dụng quá nhiều caffeine có thể khiến bạn khó ngủ, thậm chí gây mất ngủ, đặc biệt nếu sử dụng quá gần giờ đi ngủ. Các tác động này có thể ảnh hưởng nhiều hơn đối với người cao tuổi do chức năng thần kinh và tâm sinh lý kém dễ bị mất ngủ hơn người trẻ.
2.2. Tăng nhịp tim
Caffeine là một chất kích thích có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn. Tuy không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng nó gây cảm giác hồi hộp , lo lắng không tốt.
2.3. Tăng huyết áp
Mặc dù lý do không rõ ràng nhưng caffeine có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn và đôi khi cả về lâu dài. Nó có thể ngăn chặn một loại hormone giữ cho động mạch của bạn mở rộng và giảm áp lực. Hoặc nó có thể khiến cơ thể bạn tiết ra nhiều adrenaline, một loại hormone làm tăng huyết áp. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng caffeine nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc các vấn đề về tim.
2.4. Ảnh hưởng đến thời kỳ mãn kinh
Caffeine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng cơ thể nóng đột ngột và đổ mồ hôi, được gọi là bốc hỏa thường xảy ra trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh nên cân nhắc sử dụng caffeine, hoặc không nên sử dụng nhiều để giảm triệu chứng khó chịu.
3. Sử dụng caffeine như thế nào là hợp lý?
Caffeine có trong nhiều loại thức uống phổ biến, đặc biệt là cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực, một số loại thực phẩm, thuốc... Caffeine không phải là không tốt. Khi dùng với lượng vừa phải, nó có thể tăng cường năng lượng, trí nhớ và hiệu suất tập luyện... Nhưng nếu lạm dụng, sử dụng quá nhiều hoặc không đúng cách có thể gây lo lắng, bồn chồn, mất ngủ…
Vì vậy, bạn nên cân nhắc tình trạng sức khỏe và lượng caffeine có thể sử dụng. Đối với người trưởng thành không nên sử dụng quá 400 miligam mỗi ngày.
Caffeine có thể ảnh hưởng đến cơ thể trong vòng 6 giờ sau khi sử dụng. Vì vậy, nên tránh dùng caffeine vào buổi chiều và buổi tối nếu bạn nhận thấy nó có ảnh hưởng đến giấc ngủ.