Bức điện lúc nửa đêm: Chìa khóa thành công của Quân đoàn 2 ngày 30-4-1975 - Trận kịch chiến tại đầu cầu Sài Gòn

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Sau khi chọc thủng Nước Trong, đội hình Binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 phát triển ra đường 15 rồi cơ động về Ngã ba Vũng Tàu ở phía đông thành phố Biên Hòa.

Cuộc chiến ở cửa ngõ Sài Gòn vô cùng quyết liệt. Ảnh minh họa.

Cuộc chiến ở cửa ngõ Sài Gòn vô cùng quyết liệt. Ảnh minh họa.

Bức điện lúc nửa đêm

Dẫn đầu đội hình là phân đội xe tăng trinh sát chiến đấu và ba tiểu đoàn 1, 4, 5 của Lữ đoàn xe tăng 203. Một số chiến sĩ bộ binh và công binh hộ tống xe tăng ngồi trên xe. Tiếp theo là Tiểu đoàn bộ binh 7 (Trung đoàn 66), đại đội pháo 85, tiểu đoàn cao xạ, đơn vị công binh và các bộ phận khác.

Tiếp sau binh đoàn thọc sâu là Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 làm lực lượng dự bị mạnh. Số đầu xe của lực lượng thọc sâu tới 400 chiếc. Sở chỉ huy tiền phương quân đoàn đi giữa đội hình tiến công.

Bức điện lúc nửa đêm: Chìa khóa thành công của Quân đoàn 2 ngày 30-4-1975 - Trận kịch chiến tại đầu cầu Sài Gòn - Ảnh 1.

Những chiếc xe tăng, thiết giáp... mang khẩu hiệu "thần tốc, táo bạo, quyết thắng" trên tháp pháo gầm thét theo trục đường 15 tiến về phía Sài Gòn. Tuy nhiên, lúc 16 giờ, toàn bộ đội hình bỗng bị "khựng" lại vì cầu sông Buông đã bị địch phá.

Sau hơn 2 giờ thao tác, công binh quân đoàn khắc phục xong cầu Sông Buông. Đội hình binh đoàn thọc sâu tiếp tục lên đường.

Có lẽ khiếp sợ trước sức mạnh của binh đoàn thọc sâu cơ giới, suốt dọc đường từ cầu Sông Buông về căn cứ Long Bình, đội hình không gặp sự kháng cự nào đáng kể.

Tới khoảng nửa đêm ngày 29 tháng 4 Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 dẫn đầu đội hình đã liên lạc được với Trung đoàn đặc công 116 ở bắc cầu Xa Lộ.

Anh em đặc công cho biết về tình hình địch: sau khi bị vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài, địch co về tổ chức các cụm phòng ngự ở ngã ba Long Bình, cầu Xa Lộ (qua sông Đồng Nai), căn cứ Nguyễn Huệ, Thủ Đức, học viện cảnh sát, cầu Sài Gòn...

Rút kinh nghiệm của Sư đoàn 325 hành tiến trong đêm nơi địa hình chưa quen biết gặp nhiều khó khăn, Tư lệnh Nguyễn Hữu An đã hạ lệnh cho toàn bộ đội hình tạm dừng lại. Vừa tuyên bố tạm nghỉ, các cán bộ, chiến sĩ nằm lăn ra lề đường ngủ.

Có lẽ cả ở Sở chỉ huy Lữ đoàn 203 cũng vậy nên liên lạc vô tuyến không thực hiện được. Tư lệnh Nguyễn Hữu An đành phải viết điện cho truyền đạt chuyển. Đó là bức điện lúc nửa đêm 29.4:

"Anh Tài+ Tùng

7 chiếc tăng và 1 bộ phạn bộ binh ta đã đến cầu Xa Lộ Biên Hòa gặp bộ phận đặc công của 116 giữ đã 2 ngày nay. Tình hình như vậy là thuận lợi do đó phải mạnh dạn tiến lên đừng để bọn tàn binh lẻ tẻ nó cản trở.

Cố gắng đưa toàn bộ đội hình của các anh qua bên Tây cầu đêm nay và độ 3- 4 giờ sáng 30.4 là ta sốc được tới Sài Gòn chiếm xong cầu Rạch Chiếc và Tân Cảng - đầu cầu Sài Gòn.

Tôi đã nói anh Ân cho 2 d của e9 tiến về phía cầu Xa Lộ Biên Hòa.

Các anh thi hành khẩn trương và giữ liên lạc với tôi thường xuyên.

Mục tiêu vào Sài Gòn là dinh Tổng thống, Đài phát thanh, BTL Hải quân, ngân hàng, Phủ đặc ủy trung ương tình báo./.

An"

Bức điện lúc nửa đêm: Chìa khóa thành công của Quân đoàn 2 ngày 30-4-1975 - Trận kịch chiến tại đầu cầu Sài Gòn - Ảnh 3.

Bức điện được Sở chỉ huy Lữ đoàn xe tăng 203 nhận lúc 24 giờ ngày 29.4.

Xa lộ Biên Hòa: thênh thang nhưng không hề thông thoáng

Thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh quân đoàn, 3 giờ sáng 30.4, Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài ra lệnh cho đội hình tiếp tục cơ động. Trong khi đó, lực lượng trinh sát do Tham mưu phó Nguyễn Đức Hiển chỉ huy đã đến Ngã ba Vũng Tàu, bắn cháy 1 xe M41.

Pháo từ bờ Tây sông Đồng Nai vẫn liên tục bắn ngăn chặn dọc đường. Trên cầu Xa Lộ, địch đã dàn hàng ngang 3 xe M113 chiếm gần hết mặt cầu ở đoạn giữa cầu, phía sau đó là một xe tải phủ bạt kín. Các xe tăng đi đầu dùng pháo tiêu diệt, lập tức 3 xe M113 và xe tải bốc cháy.

Tuy nhiên, đây là mưu kế của địch: 3 xe M113 và chiếc xe tải đó xếp đầy đạn pháo. Khi bị cháy, đạn pháo nổ dữ dội, khói lửa mịt mù. Tư lệnh Nguyễn Hữu An lệnh cho xe tăng tiếp tục dùng pháo bắn tan xác mấy chiếc xe đó đi nhưng không có kết quả.

Gần 5 giờ sáng, dường như đạn đã nổ vãn, khói lửa giảm đi chút ít. Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài lệnh cho xe tăng đóng cửa vượt qua. Các xe lách qua khoảng trống bên trái với 1 băng xích đi trên lan can cầu. Rất may, lan can cầu khá vững chãi.

Qua khỏi cầu Xa Lộ, các chiến sĩ ngỡ ngàng trước một con đường rộng thênh thang, thẳng tắp. Đó chính là Xa lộ Biên Hòa, được khởi công vào tháng 7. 1957 và đến tháng 4. 1961 thì hoàn tất với chiều dài 31 km, chiều rộng 21 mét.

Kinh phí xây cất hoàn toàn do Mỹ viện trợ. Xa lộ được thiết kế ngăn hai chiều đi về. Mỗi chiều có hai làn xe. Ở giữa có dải phân cách cứng bằng bê tông.

Con đường rộng rãi và bằng phẳng như vậy song tốc độ cơ động của đội hình vẫn khá chậm, chỉ khoảng 12- 15 km/h vì vừa đi vừa phải thăm dò tình hình địch, đồng thời đánh trả sự chống cự của chúng.

Mặt khác, dọc đường quân địch đã dựng rất nhiều chướng ngại vật bằng thùng phuy đựng đầy đất chắn ngang đường, buộc xe đi qua phải theo hình zíc- zắc.

Khoảng 5 giờ 30, phân đội đi đầu đội hình tới gần Thủ Đức. Địch từ Trường Võ bị Thủ Đức (nằm bên trái, cách đường khoảng 50 mét) bắn mạnh vào sườn đội hình. Quán triệt cách đánh của chiến dịch, Tiểu đoàn xe tăng 1 vừa bắn trả vừa cơ động lướt qua.

Ở phía sau, Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 5 sử dụng một bộ phận đánh vào trường. Tuy nhiên, đích thân Tư lệnh quân đoàn lệnh cho đơn vị bỏ qua mục tiêu đó để tiến về Sài Gòn. Trên đường quay ra, xe tăng bơi K63-85 số 707 bị bắn cháy, cả 5 chiến sĩ hy sinh.

Đến cầu Rạch Chiếc, Tiểu đoàn xe tăng 1 bắn cháy 1 xe tăng M48 và đập tan ổ đề kháng ở đây. Sốt ruột vì không nắm được tình hình, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ rời xe thiết giáp lên xe tăng số 912 để trực tiếp chỉ huy đội hình chiến đấu. Khi anh mở cửa trưởng xe để chỉ huy thì trúng một viên đạn thẳng và đã hy sinh.

Hơn 7 giờ sáng, lực lượng đi đầu đội hình thọc sâu đã đến đầu cầu Sài Gòn. Trên mặt đường địch đã dựng rất nhiều chướng ngại vật buộc lực lượng tiến công phải giảm tốc độ, đồng thời bố trí một số xe tăng bên phía Tây cầu.

Do cầu Sài Gòn có kết cấu hình vòm làm lực lượng tiến công không quan sát thấy mấy xe tăng này. Chúng chỉ cơ động lên đến khi quan sát được mục tiêu bên Đông cầu là bất ngờ nổ súng.

Với lợi thế như vậy, chỉ sau ít phút giao tranh, đã có 4 xe tăng của ta bị bắn cháy, một số xe dạt ra rìa đường, có xe bị sa lầy. Lữ đoàn phó Trần Minh Công lệnh cho các xe còn lại triển khai đội hình, quyết diệt các mục tiêu này để chiếm bằng được cầu Sài Gòn.

Bức điện lúc nửa đêm: Chìa khóa thành công của Quân đoàn 2 ngày 30-4-1975 - Trận kịch chiến tại đầu cầu Sài Gòn - Ảnh 5.

Xe tăng ta đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975.

Trong lúc đó, pháo từ 6 tàu chiến đang chạy trên sông Sài Gòn cũng bắn mạnh vào đội hình tiến công. Trên trời, một tốp A37 xuất hiện ném bom và bắn đại liên vào khu vực đầu cầu. Đội hinh binh đoàn thọc sâu triển khai hỏa lực pháo binh, xe tăng, phòng không đánh trả.

Pháo địch lác đác trúng đội hình. Xe thiết giáp chỉ huy của Lữ đoàn phó Tham mưu trưởng 203 trúng 1 quả đạn pháo, Lữ đoàn phó Trần Minh Công bị thương ở đầu, hầu hết các chiến sĩ thông tin phục vụ sở chỉ huy thương vong.

Trận kịch chiến ở đầu cầu Sài Gòn kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, chỉ đến khi 1 chiếc M48 bị bắn cháy và số xe tăng bên Tây cầu rút chạy mới tạm lắng. Chớp thời cơ, các xe tăng của Đại đội 3 và Đại đội 4 nhanh chóng vượt cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn một "chốt chặn cuối cùng nữa tại cầu Thị Nghè. Một chiếc M41và 2 M113 mai phục ở đây bắn hỏng xe 866 của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng. Các xe đi sau tập trung hỏa lực đập tan ổ đề kháng.

Xe tăng số 843 và 390 vượt lên dẫn đầu đội hình tiến công vào dinh Độc Lập trên 2 hướng. Xe 843 húc vào cổng phụ bên trái bị kẹt lại. Xe 390 lao thẳng vào cổng chính húc đổ cánh cổng dinh. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên nóc dinh cắm cờ. Lúc đó là 10.45 ngày 30.4.

Vậy là chỉ sau hơn 5 giờ đồng hồ, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 bằng chiến thuật tiến công trong hành tiến với tăng thiết giáp làm chủ lực đã tiến công trên chiều sâu hơn 30 km, tiêu diệt hàng loạt ổ đề kháng, vượt qua rất nhiều chướng ngại vật cản đường để đến đích sớm nhất. Đó chính là chìa khóa thành công của cánh quân này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại