Đập tan chốt chặn Nước Trong, thần tốc giải phóng Sài Gòn: Những giờ phút cam go, khốc liệt

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Sau khi Phan Rang, Xuân Lộc bị chọc thủng, tưởng như đường tiến về Sài Gòn đã rộng mở. Nhưng không! Vẫn còn một chốt chặn nữa mà Quân đoàn 2 phải vượt qua!

3 chiếc xe tăng T-54 Quân giải phóng bị bắn cháy tại Lăng Cha Cả ngày 30/4 sáng 30/4. Ảnh minh họa: Corbis

3 chiếc xe tăng T-54 Quân giải phóng bị bắn cháy tại Lăng Cha Cả ngày 30/4 sáng 30/4. Ảnh minh họa: Corbis

Sau khi "Lá chắn thép" Phan Rang, "Cánh cửa thép" Xuân Lộc bị chọc thủng, rất nhiều người nghĩ con đường tiến vào Sài Gòn từ phía Đông đã rộng mở. Nhưng không dễ dàng như vậy! Vẫn còn một chốt chặn nữa mà Quân đoàn 2 phải vượt qua - đó là căn cứ Nước Trong!

Tác chiến trên chính diện và chiều sâu cả trăm km - Nhiệm vụ nặng nề

Sau khi thực hiện cuộc hành quân thần tốc, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, đại bộ phận lực lượng của Quân đoàn 2 đã vào vị trí tập kết chiến dịch tại khu vực Rừng Lá (Long Khánh).

Tại đây, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức giao nhiệm vụ cho quân đoàn hình thành cánh quân hướng Đông Nam đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định.

Nhiệm vụ cụ thể của quân đoàn được xác định: Trước mắt, Quân đoàn 2 đảm nhiệm tiến công tiêu diệt địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, căn cứ Long Bình, cầu Xa Lộ, chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, căn cứ hải quân Cát Lái.

Đập tan chốt chặn Nước Trong, thần tốc giải phóng Sài Gòn: Những giờ phút cam go, khốc liệt - Ảnh 1.

Trên cơ sở đó bịt đường không cho địch rút chạy ra biển theo sông Lòng Tàu; đưa pháo 130 ly vào Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Hướng tiến công thứ hai theo đường số 2, đánh chiếm chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu.

Nhiệm vụ tiếp theo của quân đoàn là tiêu diệt địch phòng ngự ở hữu ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm quận 9, quận 4. Nếu Quân đoàn 4 chưa đột phá được vào nội thành thì phát triển đánh chiếm dinh Độc Lập và quận 1.

Để hoàn thành nhiệm vụ nói trên, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 quyết tâm, tập trung lực lượng chủ yếu gồm các Sư đoàn bộ binh 304, 325, Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203, Sư đoàn phòng không 673, Lữ pháo binh 164 thực hành đột phá từ điểm cao 43 đến ngã ba Phước Lộc theo hướng đường số 15, Long Bình, cầu Xa Lộ vào Sài Gòn.

Trong đó, Sư đoàn 304 được tăng cường Đại đội xe tăng 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 203 đảm nhiệm mũi đột kích chủ yếu vào căn cứ Nước Trong, Long Bình, cầu Xa Lộ.

Đập tan chốt chặn Nước Trong, thần tốc giải phóng Sài Gòn: Những giờ phút cam go, khốc liệt - Ảnh 2.

Quân Giải phóng đánh chiếm trường Thiết giáp của địch tại căn cứ Nước Trong.

Sư đoàn 325 được tăng cường Đại đội xe tăng 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 203 đảm nhiệm mũi đột kích quan trọng vào chi khu Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, Cát Lái.

Hướng thứ hai do Sư đoàn 3 được tăng cường Đại đội xe tăng 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 203 đảm nhiệm, đột phá vào chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu.

Để thực hiện đánh nhanh vào nội đô, quân đoàn đã tổ chức lực lượng thọc sâu bao gồm toàn bộ Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn bộ binh 66 (Sư đoàn 304), một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn cao xạ 37 ly.

Lực lượng dự bị chiến dịch là Trung đoàn bộ binh 18 (sư đoàn 325).

Phương châm hành động là: kết hợp chặt chẽ giữa đột phá chính diện với bao vây, vu hồi, thọc sâu, chia cắt, đánh "nhanh, mạnh, chắc". Hết sức táo bạo, chủ động, kịp thời. Kiên quyết không cho địch chạy thoát bằng bất kỳ cách nào.

Quá trình phát triển tiến công dám bỏ rơi các lực lượng địch ngăn cản xét thấy không quan trọng.

Xét thấy nhiệm vụ của quân đoàn rất nặng nề, tác chiến trên một chính diện và chiều sâu lớn - lên đến cả trăm km, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã đề nghị được nổ súng sớm 01 ngày. Xét thấy đề nghị hợp lý, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chuẩn y.

Nước Trong, một chốt chặn không dễ vượt qua

Nước Trong là căn cứ lớn, quan trọng án ngữ trên trục đường của Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn. Ở đó có ba trường huấn luyện: Trường Thiết giáp, Trường Biệt kích và Trường Bộ binh. Ngoài ra còn một số đơn vị từ Xuân Lộc mới rút về đây.

Quân đoàn 2 muốn phát triển ra đường 15 để tiến về Sài Gòn, buộc phải đập tan căn cứ này.

Bố trí lực lượng tiến công Nước Trong của Sư đoàn 304 như sau: Trung đoàn 9 được tăng cường Đại đội xe tăng 5 tiến công Trường Thiết giáp Long Thành, phát triển ra Ngã ba Thái Lan trên đường 15. Trung đoàn 24 được pháo binh của Trung đoàn Pháo binh 68 chi viện có nhiệm vụ tiến công Trường Bộ binh, phát triển ra đường 15.

Ngày 25 tháng 4 một số phân đội của Trung đoàn 9 và 24 đã bí mật vào chiếm lĩnh trận địa chuẩn bị tiến công căn cứ Nước Trong. Đến 16 giờ ngày 26 tháng 4 tất cả các sư đoàn, lữ đoàn đã báo cáo hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và sẵn sàng chờ lệnh.

Trong ngày 26.4, địch đã có những hành động phản ứng. Buổi sáng, lực lượng bảo vệ vòng ngoài căn cứ Nước Trong lùng sục đã đụng độ với trinh sát của Sư đoàn 304.

Tiếp đó địch dùng máy bay, pháo binh liên tục đánh phá khu vực phía bắc, và tây bắc Nước Trong và Long Thành. Cùng ngày, Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 468 được điều động tới để lập thêm tuyến phòng ngự ở phía đông Trường Thiết giáp.

Chiều ngày 25.4, không quân địch cho nhiều tốp tới đánh xăm vào khu vực trận địa của quân đoàn. Lực lượng phòng không của quân đoàn đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 4 máy bay. Cuộc bắn phá của địch có gây cho ta một số thiệt hại, nhưng không ảnh hưởng tới việc chiếm lĩnh trận địa chuẩn bị tiến công.

Đúng 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975 Bộ chỉ huy chiến dịch phát lệnh nổ súng, pháo binh toàn mặt trận đồng loạt bắn phá cấp tập các mục tiêu đã xác định, chuẩn bị cho bộ binh xung phong.

Tại khu vực Trường Thiết giáp, bộ binh nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu bảo vệ vòng ngoài, thực hành mở cửa. Xe tăng cùng bộ binh đột phá vào phía trong căn cứ. Trận đánh diễn ra quyết liệt, ta phải đưa pháo 85 lên sát hàng rào kết hợp xe tăng tiêu diệt từng lô cốt, ổ kháng cự của địch.

Sau gần hai giờ nổ súng tiến công mãnh liệt, ta làm chủ hoàn toàn mục tiêu, diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy, bắn hỏng 20 xe tăng, xe bọc thép. Nhưng, một bộ phận lực lượng quan trọng của địch ở căn cứ này đã rút ra khu vực rừng cao su co cụm và điên cuồng đánh trả các đợt xung phong của Trung đoàn 9.

Sau khi rút chạy, địch gọi pháo binh bắn trùm vào Trường Thiết giáp, hòng tiêu diệt lực lượng ta, đồng thời sử dụng lực lượng từ phía sau lên phản kích hòng chiếm lại mục tiêu. Các đơn vị của ta phải tạm dừng tiến công, chuyển sang phòng ngự.

Ở khu vực Trường Bộ binh, cuộc chiến đấu cũng diễn ra hết sức phức tạp. Trong ngày 26.4, Trung đoàn 24 chỉ mới đánh chiếm được một số mục tiêu bảo vệ vòng ngoài ở phía tây-bắc căn cứ.

Ngày 27-4-1975, chiến sự ở khu vực Nước Trong tiếp tục diễn ra ác liệt. Do tiến công theo một trục đường nên lực lượng tiến công gặp rất nhiều khó khăn.

Ngay trong đợt tiến công đầu tiên, 2 xe tăng và 1 xe thiết giáp bị bắn cháy, trong đó có xe 847 của đại đội trưởng Đình. Họa sĩ Lê Duy Ứng bị thương trên xe này (sau này đồng chí Lê Duy Ứng được tuyên dương Anh hùng LLVTND).

Trong khi đó, khi phát hiện đại quân của Quân đoàn 2 đang tập kết ở hướng này, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 VNCH đã điều động tới tăng cường cho căn cứ Nước Trong 2 Chiến đoàn 322 và 318 với hàng chục xe tăng M48, đồng thời cho không quân tăng cường oanh tạc ngăn chặn.

Thấy tình hình khó khăn, Tư lệnh quân đoàn Nguyễn Hữu An đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn xe tăng 203 Trần Minh Công tổ chức trinh sát tìm một con đường khác vòng tránh Nước Trong và cầu Sông Buông để đánh thẳng vào Long Bình.

Đồng thời yêu cầu các lực lượng củng cố đội hình để hôm sau tiếp tục tiến công.

Đập tan chốt chặn Nước Trong, thần tốc giải phóng Sài Gòn: Những giờ phút cam go, khốc liệt - Ảnh 5.

Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, các trận đánh ngày 28.4 vẫn không đạt được mục tiêu đề ra. Đại đội xe tăng 5 được bổ sung 1 xe song cũng nhanh chóng bị thương. Bộ binh vẫn không tiến lên được và chủ yếu cầm cự đánh địch phản kích.

Hướng tiến công Trường Bộ binh của Trung đoàn 24 vẫn giằng co quyết liệt, quân ta mới chỉ chiếm được một phần căn cứ.

Trong khi đó, lực lượng trinh sát của Lữ đoàn 203 đi tìm đường vòng tránh cũng gặp khó khăn do địa hình khu vực phức tạp, lại bị con sông Buông - một con sông không lớn lắm nhưng mực nước sâu, xe tăng thiết giáp rất khó vượt qua.

Như vậy, chốt chặn Nước Trong đã cầm chân Quân đoàn 2 mất 2 ngày.

Không thể chờ đợi lâu hơn, Tư lệnh quân đoàn Nguyễn Hữu An lệnh cho Sư đoàn 304 tăng cường lực lượng cho Trung đoàn 9, đồng thời rút Đại đội xe tăng 4 trong thành phần Tiểu đoàn 1 - lực lượng chủ lực của Lữ đoàn 203 để tiến công dứt điểm Nước Trong.

Đại đội xe tăng 4 do Trung úy Bùi Quang Thận làm Đại đội trưởng, Trung úy Vũ Đăng Toàn làm chính trị viên là đơn vị có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, đã lập công xuất sắc trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và sau này, ngày 30.4 là đơn vị dẫn đầu đội hình đánh chiếm dinh Độc Lập.

Với sự tăng cường lực lượng và cách đánh hợp lý, trưa ngày 29.4.1975, căn cứ Nước Trong đã bị đập tan. Chỉ chờ có vậy, Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 lập tức phát triển ra đường 15, hướng về Ngã ba Vũng Tàu để ngày hôm sau công phá Sài Gòn.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong hồi ký "Chiến trường mới" của Thượng tướng Nguyễn Hữu An- nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại